Xác định việc học tập suốt đời là yêu cầu, nhiệm vụ, trọng trách trong giai đoạn mới, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm cụ thể hóa và thúc đẩy việc học tập suốt đời trở thành phong trào, nhu cầu, nét văn hóa đẹp lan tỏa trong đời sống. Theo đó, Quyết định số 1705/QĐ-TTg ngày 31/12/2024 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Học tập suốt đời.
Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới quy định rõ cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác.
Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời đã và đạt nhiều kết quả quan trọng tại các đơn vị, địa phương, với cách làm sáng tạo, lan tỏa ý nghĩa tích cực, nhân văn.
Từ thực tiễn của Hà Nội, đồng chí Nguyễn Doãn Toản, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy cho biết, quán triệt, triển khai nội dung cốt lõi trong bài viết của Tổng Bí thư, phát huy kết quả các chương trình bồi dưỡng, cập nhật, nâng cao kiến thức và kỹ năng thực tế cho đội ngũ cán bộ các cấp của thành phố, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy tiếp tục đề xuất, tham mưu Thành ủy xác định cụ thể các nội dung học tập suốt đời gắn với yêu cầu và thực tiễn nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của Thủ đô.
Khi mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức đúng, đủ về chủ trương học tập suốt đời, tự giác trau dồi kiến thức nền tảng, tích lũy kinh nghiệm, để chuyển hóa thành hành động, nâng cao chất lượng công tác, khi đó cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương có thêm cơ sở, niềm tin xây dựng đội ngũ cán bộ dũng cảm, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám giải quyết những vấn đề khó, mới, phức tạp nảy sinh.
Hướng tới mục tiêu phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”, các cấp ủy của thành phố đã triển khai đồng bộ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong đó, các cấp ủy đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và đội ngũ trí thức.
Qua hơn một năm tích cực triển khai tại nhiều địa phương, đơn vị của thành phố, đã từng bước tổ chức được mô hình “đơn vị học tập”, “công dân học tập”, “thành phố học tập” gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin để thích ứng nhanh trong điều kiện của nền kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Chính quyền các cấp tập trung xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động để bắt kịp xu hướng phát triển.
Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức từ thành phố đến quận, huyện, thị xã đều được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định; tham gia chương trình học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin.
Trước những đòi hỏi thực tiễn của quá trình hội nhập quốc tế, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Hà Nội có chất lượng ngày càng cao, cơ cấu hợp lý, được bố trí, sử dụng phù hợp chuyên ngành đào tạo, đã và đang thực sự phát huy hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý, thực hiện nhiệm vụ; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, trình độ quản lý của Nhà nước.
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo, đưa nội dung này vào sinh hoạt chi bộ định kỳ, đánh giá, xếp loại cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên hằng năm; phát hành tài liệu học tập bắt buộc và biên soạn nội dung giảng dạy, bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên, lãnh đạo, quản lý các cấp.
Nhiều chuyên đề bồi dưỡng cập nhật kiến thức gắn với xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hóa số… Hình thức học tập được triển khai đa dạng qua các kênh thông tin báo chí, tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tổ chức cuộc thi viết về chủ đề chuẩn mực cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới; đồng thời phát động phong trào thi đua, đưa các ý tưởng, sáng kiến dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung vào thực tiễn.
Ngày 7/1/2025, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch về việc xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, đây là cơ hội mở rộng hợp tác quốc tế, hỗ trợ người học nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập suốt đời.