Không nên đổ hoàn toàn cho "cơ chế"

Mấy năm gần đây, trong sinh hoạt xã hội, chuyện quản lý trở thành vấn đề nghị sự lớn. Bên cạnh cái được, ta cũng nghe thấy nhiều lời phàn nàn về sự gây khó dễ của công tác quản lý đối với hoạt động kinh tế, kinh doanh. Trong lĩnh vực kế hoạch hóa, những lời phàn nàn như vậy, có lúc được nói ra nhưng nhiều khi không dễ gì người ta dám nói điều mà họ trăn trở.
0:00 / 0:00
0:00

Lệ thường, trước khi trình kế hoạch, cấp dưới phải báo cáo tình hình thực hiện ở “năm báo cáo”.

Trong buổi giải trình công phu này, phần nói về khó khăn và “nỗ lực chủ quan”, hầu hết báo cáo đều ghi: vật tư giao không tương xứng nhiệm vụ sản xuất, vốn đầu tư không cân đối với điều kiện vật chất, vật tư về muộn, không đồng bộ, phải qua nhiều “cửa ải tiêu cực”, v.v.

Sau khi nghe cấp dưới trình bày, xử sự đầu tiên của cấp được quyền duyệt kế hoạch là, giãi bày tiếp “khó khăn” chung của “đất nước” về vốn, vật tư, ngoại tệ...

Tiếp đến, nơi “tốt” có thể được “hứa giải quyết”, nơi “bình thường” sẽ cho “phương hướng”, nơi “yếu quá” thì “cho qua”.

Người làm kế hoạch hay có quan tâm đến kế hoạch nghe và nói chuyện đó đã thuộc lòng. Và vì nó cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác cho nên dần dần cũng thành chuyện đương nhiên. Cấp dưới đương nhiên coi đó là lỗi của cấp trên. Cấp trên coi đó là lỗi đương nhiên của cấp trên nữa. Cuối cùng là tại “cơ chế”. Đáng buồn là có người đang thực thi chức năng “đổi mới cơ chế” cũng đổ tại “cơ chế”. Vậy thì cơ chế từ đâu ra và có phải tất cả đều “tại cơ chế”?

Ai cũng biết, sức sống của một kế hoạch thể hiện ra bên ngoài bằng những cân đối. Để xác lập cân đối, ngay từ khâu xử lý dữ liệu, người lập phải có tinh thần trách nhiệm và thái độ khách quan. Đó là yêu cầu tối thiểu của mỗi cấp lập kế hoạch.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào yêu cầu đó đều được đáp ứng. Thử nêu một thí dụ trong kế hoạch hóa đầu tư - lĩnh vực mà nhiều khuyết tật xưa nay vẫn được coi là “tại cơ chế”.

a) Lần theo đường đi của một con số, bắt đầu từ con số tổng quát được phát ra từ một cấp có thẩm quyền. Tiếp đến, số lớn được phân thành nhiều số nhỏ theo những tỷ lệ nhất định rồi phân bổ theo đơn vị, đầu mối kế hoạch...

Trong cuộc phân chia đó, tính hiện thực của các con số như thế nào, có bao nhiêu phần trăm được cân đối chắc chắn? Và trong số “chắc chắn” đã chia, sau bốn phép tính số học, đồng tiền sẽ đi đâu và mang lại cái gì? Những câu hỏi đó nhiều khi người trực tiếp cầm bút “chia” cũng không hề biết.

Vì rằng, sau khi ngòi bút nhắc lên khỏi trang giấy và thành “chỉ tiêu chính thức” thì người “chia” coi như hết trách nhiệm, kế hoạch kết thúc và “mùa kế hoạch” cũng chấm dứt mặc dù trên trang giấy các mục tiêu và nhiệm vụ kế hoạch vẫn được ghi rất chi tiết, rành rọt tưởng chừng như không một xu “lọt lưới”.

b) Để được đưa vào kế hoạch đầu tư, công trình phải có “luận chứng kinh tế-kỹ thuật”, phải có “dự án đầu tư”. Người làm kế hoạch luôn luôn được huấn thị như vậy.

Nhưng trong thực tế, một loạt công trình không có luận chứng, dự án, thiết kế vẫn được ghi vốn. Có vốn rồi sẽ được cân đối thiết bị, vật tư, tức sẽ có thi công. Những loại thi công thiếu luận chứng, dự án, thiết kế đã gặp trong thực tế không phải là ít (cũng có thể có luận chứng, thiết kế bổ sung nhưng không thể nào không có hiện tượng “đập đi làm lại”, “chuyển dời vị trí”, xây nửa chừng rồi bỏ dở...).

Tất nhiên, ngay cả những công trình có luận chứng từ đầu, cũng không phải tất cả đều tốt. Số công trình mà người ghi vốn biết chắc rồi sẽ có hiệu quả chỉ tính được đầu ngón tay. Tiếc rằng, để nhận ra sự thiệt hại phải mất nhiều năm. Khi đó, người quyết định đầu tư có thể nhận thấy “lỗi” của mình, nhưng vốn và vật tư thì đã không còn.

c) Nhược điểm dễ nhận thấy trong cơ chế kế hoạch hóa đầu tư bao cấp là việc tạo ra “cơn khát” vốn đầu tư không hề chấm dứt. Nhưng trong nhiều trường hợp, cơn khát tăng thêm không phải hoàn toàn do cơ chế.

Dù có mặt này, mặt nọ chưa tốt, song ít nhất, trước khi có bản kế hoạch chính thức, người lập cũng đã lựa chọn được một hệ thống danh mục sản phẩm, công trình đầu tư trong năm kế hoạch có bảo đảm ở mức nhất định sự cân đối giữa vốn và vật chất.

Hệ thống công trình đầu tư được thông qua, đùng một cái, một đề nghị từ đâu đó chuyển đến với dòng chữ nguệch ngoạc “đề nghị giải quyết”. Thế là lại thêm một công trình nữa cần đầu tư. “Giải quyết” được cho đơn vị A thì cứ gì mà không giải quyết cho đơn vị B vì công trình của B cũng “quan trọng”, cũng liên quan đến “chính trị, văn hóa”... Sự mất cân đối vốn có lại có đà để “xoạc” ra.

Đã đến lúc cần xem lại cách kế hoạch hóa, chứ mỗi năm hàng tỷ vốn đầu tư cứ “trôi vèo” mà không biết sẽ tạo ra sản phẩm gì, vào lúc nào thì thật là nguy hiểm.

Mặt khác, nếu thừa nhận, không phải tất cả mọi tiêu cực đều do cơ chế thì cũng đã đến lúc nên rà lại, trong hệ thống cân đối, phân phối, cung ứng vật tư hiện tại có điều gì còn trắc trở.

Khi chưa làm được toàn bộ, có thể chọn ra vài loại vật tư có khối lượng lớn để kiểm tra lại, từ khâu lên đơn hàng nhập khẩu cho đến khi vật tư về đến cảng, đến nơi sử dụng có bao nhiêu tổ chức tham gia cân đối, phân phối, cung ứng, tổ chức nào đang cản trở đường đi của nó, ai đang lợi dụng sơ hở để ăn chặn, sách nhiễu, cửa quyền.

Nếu làm được những việc cụ thể trong tầm tay như vậy, dù chưa ở mức “đổi mới cơ chế” cũng tốt hơn nghìn lần những lời hô “xóa bao cấp”, “xóa trung gian” mà cả hệ thống công tác đầu tư, vật tư... không hề nhúc nhích.

NGUYỄN LÊ

--------

Báo Nhân Dân, số 12480, ngày 13/9/1988.