
Nhà lãnh đạo tài năng, đóng góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam
Tiến sĩ ĐẶNG DUY BÁU
Hà Huy Tập, Tổng Bí thư của Đảng cộng sản Đông Dương, là chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng, đã nêu cao tấm gương về lòng yêu nước, sự dũng cảm và hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam.
Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906 (1) trong một gia đình nhà nho ở làng Cẩm Nặc, tổng Thổ Ngọa (nay là xã Cẩm Hưng), huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Năm 1923 sau khi tốt nghiệp trường Quốc học Huế, Hà Huy Tập được bổ về dạy ở trường tiểu học Nha Trang, ở đây đồng chí bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng.
Năm 1925 gia nhập hội Phục Việt (sau đổi là Tân Việt cách mạng Đảng).
Ngày 26/1/1926 Hà Huy Tập tổ chức lễ truy điệu nhà chí sĩ Phan Châu Trinh gây tiếng vang lớn. Thấy vậy, chính quyền thực dân đã điều Hà Huy Tập ra dạy ở trường Cao Xuân Dục (thành phố Vinh). Ở đây, Hà Huy Tập đã lập ra tổ chức “Thanh niên học sinh cách mạng” và hoạt động tuyên truyền trong nhiều môi trường từ trường học, đến nhà máy, sở hỏa xa… để mở rộng tổ chức.
Tháng 3/1927, đồng chí được chuyển vào Nam Kỳ hoạt động. Sau vụ án mạng ở đường Bac-biê, mật thám tịch thu nhiều tài liệu của kỳ bộ Tân Việt, trong đó có một số do Hà Huy Tập viết. Biết bị lộ, kỳ bộ Tân Việt đưa đồng chí tạm lánh sang Trung Quốc. Được sự giới thiệu của tổ chức, Lãnh sứ quan Liên Xô tại Thượng Hải đã gửi đồng chí sang học ở trường Đại học Phương Đông (Liên Xô).
Hà Huy Tập vào học ở đây từ ngày 24/7/1929 đến ngày 30/4/1932. Do những thành tích học tập xuất sắc và bản lĩnh cách mạng vững vàng thể hiện qua những chuyến đi thực tế và những bài báo viết cho Tạp chí Bôn sê vich, Hà Huy Tập được kết nạp vào Đảng cộng sản Liên Xô ở trường Đại học Phương Đông.
Từ đây người cộng sản Hà Huy Tập đã có nhiều đóng góp trực tiếp và to lớn cho công tác xây dựng Đảng về tổ chức cũng như lý luận cách mạng.
Về công tác tổ chức Đảng
Sau phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh, cách mạng gặp khó khăn lớn, kẻ thù tiến hành khủng bố gắt gao, bộ máy Đảng mới ra đời bị phá vỡ, đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú và hầu hết các đồng chí cốt cán của Đảng từ Trung ương đến cơ sở bị địch cầm tù, hãm hại, phong trào đi vào thoái trào. Trước tình hình đó Hà Huy Tập tìm mọi cách trở về nước hoạt động để khôi phục lại tổ chức Đảng.
Đầu tháng 8/1933, Hà Huy Tập gặp Lê Hồng Phong và một số đồng chí ở Quảng Châu, cùng nhau họp bàn quyết định triệu tập Hội nghị Đảng để thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài nước. Hội nghị diễn ra vào tháng 3/1934, Hà Huy Tập được phân công phụ trách công tác tuyên truyền kiêm Tổng biên tập tạp chí Bôn-sê-vich (cơ quan lý luận của Đảng cộng sản Đông Dương). Tại Hội nghị mở rộng của Ban Chỉ huy ở ngoài nước tháng 6/1934, Hà Huy Tập được phân công chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội lần thứ nhất của Đảng dự định họp vào năm 1935.
Từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935 tại Ma Cao (Trung Quốc), Hà Huy Tập chủ trì Đại hội lần thứ I của Đảng. Đại hội đã thông qua Báo cáo chính trị, Điều lệ Đảng và một số nghị quyết quan trọng khác do Hà Huy Tập dự thảo và trình bày trước Đại hội; bầu Ban Chấp hành Trung ương, gồm 13 đồng chí do đồng chí Lê Hồng Phong (đang dự Đại hội VII Quốc tế cộng sản không tham dự Đại hội được) làm Tổng thư ký (tức là Tổng Bí thư), đồng chí Hà Huy Tập thư ký Ban Chỉ huy nước ngoài. Thành công của Đại hội đánh dấu công lao của Hà Huy Tập trong việc khôi phục Đảng về mặt tổ chức. Nhưng Ban Chấp hành Trung ương Đại hội bầu ra không tồn tại được lâu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội lần thứ II của Đảng ở căn cứ địa Tuyên Quang. (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn văn tại Đại hội lần thứ II của Đảng ở căn cứ địa Tuyên Quang. (Ảnh tư liệu)
Chưa đầy một năm, hầu hết các đồng chí trong Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoạt động ở trong nước đã bị địch bắt, trên thực tế Ban Chấp hành Trung ương không còn hoạt động. Trước tình hình đó, Hội nghị Ban Chỉ huy ngoài nước tháng 7/1936 đã cử đồng chí Hà Huy Tập về nước để tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương mới, khôi phục các tổ chức Đảng và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước.
Về nước công việc đầu tiên của Hà Huy Tập là tập trung vào việc khôi phục tổ chức Đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng. Ở Hội nghị cán bộ tháng 10-1936, tại Bà Điểm, Hóc Môn (Gia Định) đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Hà Huy tập chính thức được bầu làm Tổng Bí thư Đảng cộng sản Đông Dương (2). Sau Hội nghị, Hà Huy Tập đã cử các đồng chí ủy viên Trung ương đi Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Cao Miên để khôi phục lại các mối liên lạc. Việc thống nhất các tổ chức Đảng trong cả nước được chính thức thực hiện ở Hội nghị cán bộ toàn quốc tháng 3/1937. Hội nghị họp vào hai ngày 13 và 14/3/1937, là kết quả của những hoạt động tích cực, khẩn trương và có hiệu quả của Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Từ đây bộ máy lãnh đạo và hệ thống tổ chức của Đảng đi vào hoạt động và được duy trì trên thực tế.
Về nước công việc đầu tiên của Hà Huy Tập là tập trung vào việc khôi phục tổ chức Đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng.
Tháng 9/1937, Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương để kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ qua và đề ra những nhiệm vụ trong tình hình mới; kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương gồm 10 đồng chí và Ban Thường vụ gồm năm đồng chí. Với tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Hà Huy Tập đã hoạt động không mệt mỏi để khôi phục lại tổ chức Đảng. Chỉ trong vòng hơn một năm, cơ quan lãnh đạo của Đảng và các tổ chức Đảng trong cả nước từ Trung ương đến cơ sở được khôi phục, đưa phong trào cách mạng vượt qua khó khăn, từng bước phát triển nhằm đón thời cơ mới.
Tháng 3/1938, tại Bà Điểm, Tổng Bí thư Hà Huy Tập chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương quyết định nhiều nội dung quan trọng để củng cố tổ chức Đảng và lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn mới đấu tranh cho những cải cách dân chủ ở Đông Dương và đặc biệt là chuẩn bị cho việc thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương.
Tháng 5/1938, Hà Huy Tập bị thực dân Pháp bắt khi đang trên đường đi công tác. Trong hoàn cảnh ở Pháp Mặt trận Nhân dân lên cầm quyền, nên chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam mặc dầu biết Hà Huy Tập là người lãnh đạo quan trọng của Đảng nhưng không thể lấy lí do đó để bắt giam đồng chí, phải lấy cớ trộm cắp giấy tờ, mang căn cước của người khác để phạt đồng chí tám tháng tù và năm năm quản thúc tại quê nhà Hà Tĩnh. Nhưng rồi đến tháng 3/1940 thực dân Pháp vu cáo Hà Huy Tập có trách nhiệm về tinh thần đối với khởi nghĩa Nam Kỳ, nên đã bắt lại đồng chí và tòa án thực dân tuyên án tử hình. Ngày 28/8/1941, Hà Huy Tập cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai… bị địch xử bắn tại trường bắn Hóc Môn - Gia Định.
Có thể nói trong suốt 16 năm từ khi tham gia hoạt động cách mạng đến khi trút hơi thở cuối cùng, Hà Huy Tập đã dành trọn cuộc đời cho công tác xây dựng Đảng. Trải qua những năm tháng hoạt động khó khăn, khi các cơ sở Đảng bị tấn công dữ dội, Ban Chấp hành Trung ương không tồn tại, đường lối của Đảng không đến được với các cơ sở, thì chính ở thời kỳ khó khăn này, tài năng về tổ chức của Hà Huy Tập được thể hiện thông qua những hoạt động không mệt mỏi nhằm xây dựng đường lối và khôi phục tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng từ Trung ương đến cơ sở, góp phần to lớn vào việc giữ vững và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương trong những năm 30 của thế kỷ XX.
Trong suốt 16 năm từ khi tham gia hoạt động cách mạng đến khi trút hơi thở cuối cùng, Hà Huy Tập đã dành trọn cuộc đời cho công tác xây dựng Đảng.
Trên lĩnh vực tư tưởng và lý luận
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam, Hà Huy Tập luôn tỏ rõ năng lực tư duy lý luận sắc sảo thông qua việc đề ra chủ trương đường lối cách mạng; tổng kết những kinh nghiệm thành công và chưa thành công của Đảng qua các thời kỳ để rút ra những vấn đề cho thực tại; các tài liệu tuyên truyền vận động cách mạng và chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù trên mặt trận lí luận...
Việc tổng kết hoạt động ở những năm đầu về sự lãnh đạo, đấu tranh của Đảng, đã góp phần tuyên truyền cho đường lối, chủ trương cũng như nêu cao truyền thống đấu tranh anh dũng của Đảng, đem lại niềm tin, niềm tự hào và thức tỉnh tinh thần đấu tranh cách mạng cho đảng viên và quần chúng qua các tác phẩm như: “Lịch sử Tân Việt cách mạng Đảng” (1929), “Đảng cộng sản Đông Dương đứng trước chủ nghĩa cải lương quốc gia” (1931), “Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương” (1933) v.v..
Ký họa Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 2/930.
Ký họa Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 2/930.
Hà Huy Tập là người đã soạn thảo và đọc Báo cáo chính trị ở Đại hội lần thứ nhất của Đảng. Báo cáo nêu rõ tình hình thế giới; tình hình xứ Đông Dương; chính sách mới của bọn thực dân Pháp và bọn cai trị bản xứ; cao trào cách mạng mới; tình hình và nhiệm vụ của Đảng. Báo cáo chính trị đã phân tích sâu sắc tình hình thế giới, âm mưu của thực dân Pháp, cao trào của quần chúng cách mạng; nêu lên nhiệm vụ xây dựng Đảng thành một khối thống nhất, củng cố tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng và đưa quần chúng ra tranh đấu…
Ngoài báo cáo chính trị, Hà Huy Tập còn chủ trì soạn thảo các nghị quyết về Công nhân vận động, Nông dân vận động, Thanh niên vận động, Phụ nữ vận động, Cứu tế đỏ vận động; nghị quyết về Bản chương trình hành động; Điều lệ Đảng cộng sản Đông dương, Điều lệ Tổng công hội đỏ; Tuyên ngôn của Đại hội .v.v.. Đánh giá kết quả của Đại hội lần thứ nhất của Đảng cộng sản Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Năm 1935 Đảng họp Đại hội lần thứ nhất ở Ma Cao, Đại hội đã nhận định tình hình trong nước và tình hình thế giới, kiểm thảo lại công tác đã qua và ấn định chương trình cho công tác sắp tới”.
Trong điều kiện hoạt động rất khó khăn và thiếu thốn về tư liệu; vào thời điểm chông chênh bởi nhiều luồng tư tưởng, cách mạng Việt Nam đứng trước những thử thách nghiêm trọng, Hà Huy Tập đã viết quyển sách: “Tờ-rốt-xki và phản cách mạng”. Với lý luận sắc bén, Hà Huy Tập đã vạch trần, bác bỏ những luận điệu phản cách mạng của phái Đệ tứ quốc tế, cho rằng lý thuyết của Tờ-rốt-xki là chủ nghĩa Mác-Lênin.
Đồng chí nêu rõ: “Lê-nin và Tờ-rốt-xki chống chọi nhau hơn 30 năm về hầu hết các vấn đề. Sau khi Lê-nin mất, Tờ-rốt-xki nhảy lên sân khấu chính trị mang mặt nạ “Bôn sê vích” là để lòe loẹt người hậu tiến”. Đồng chí đã vạch trần bộ mặt phản cách mạng của phái Tờ-rốt-kít nhằm chia rẽ nội bộ Đảng, bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng: “Tôi tố cáo mọi kẻ thù của Mặt trận nhân dân, đứng đầu là bọn lãnh tụ Tờ-rốt-kít chửi bới Đảng cộng sản và Liên Xô, chia rẽ phong trào cách mạng… Chúng tôi đấu tranh không khoan nhượng với mọi kẻ thù cơ hội, chủ nghĩa chống cộng trong hàng ngũ phát triển cộng sản”.
Chúng tôi đấu tranh không khoan nhượng với mọi kẻ thù cơ hội, chủ nghĩa chống cộng trong hàng ngũ phát triển cộng sản
Đồng chí lên án mạnh mẽ chủ nghĩa Tờ-rốt-kít và cho rằng đó không phải là một xu hướng chính trị mà là một chi nhánh của chủ nghĩa phát xít. Để đấu tranh chống bọn Tờ-rốt-kít phản bội giai cấp vô sản, trong thời gian này Hà Huy Tập với các bút danh khác nhau còn viết nhiều bài báo đăng ở các báo bí mật và công khai để bảo vệ đường lối chính trị đúng đắn của Đảng cộng sản Đông Dương và của Quốc tế cộng sản.
Trong hoạt động đấu tranh chống bọn Tờ-rốt-kít; đấu tranh chống phát xít và ủng hộ Mặt trận Nhân dân Pháp; vận động thành lập Mặt trận Nhân dân Đông Dương, sau này là Mặt trận Dân chủ Đông Dương, tập hợp đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân trong phong trào yêu nước, đấu tranh cho dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hà Huy Tập đã tỏ rõ là một nhà lý luận sắc sảo, có bản lĩnh và lập trường chính trị vững vàng.
Trong các tác phẩm: “Về mặt trận Nhân dân Đông Dương”; “Vì sao cần ủng hộ Mặt trận Nhân dân Pháp”; “Bức thư ngỏ thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương…”; “Thư ngỏ của Đảng cộng sản Đông Dương gửi Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp ở Paris” trong năm 1936, Hà Huy Tập đã nêu rõ nhiệm vụ chính trị trước mắt và định hướng đường lối cách mạng trong giai đoạn mới của Đảng, mang tầm vóc lịch sử. Đặc biệt ở Hội nghị Trung ương tháng 3-1938, Hà Huy Tập đã góp phần quan trọng trong việc chuẩn bị nội dung cho bản tổng kết quá trình hoạt động của Đảng từ khi khởi xướng cuộc vận động dân chủ, cũng như chuẩn bị dự thảo và ra nghị quyết chính thức của Hội nghị, trong đó có nội dung quan trọng là thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương.
Là một người có ý thức chấp hành nghiêm túc những chủ trương, đường lối của Quốc tế cộng sản, cho nên những tác phẩm lý luận của Hà Huy Tập luôn quán triệt tinh thần các nghị quyết, chỉ thị của Quốc tế cộng sản. Chỉ tiếc rằng các nghị quyết và chỉ thị của Quốc tế cộng sản không phải lúc nào cũng phù hợp với thực tiễn cách mạng của các nước Phương Đông, nhất là đối với các nước thuộc địa như nước ta. Trong lúc đó tình hình quốc tế và trong nước những năm 30 diễn ra rất đa dạng và phức tạp, Hà Huy Tập lại chưa lần nào được gặp Nguyễn Ái Quốc, những điều đó ít nhiều có ảnh hưởng đến nhận thức và quan điểm của Hà Huy Tập.
Nhưng rồi trước những vấn đề thực tiễn của cách mạng, với tầm nhìn chiến lược nhạy bén và sắc sảo, đạo đức cách mạng trong sáng, tất cả vì sự nghiệp cách mạng của Đảng của dân tộc, Hà Huy Tập đã từng bước điều chỉnh được những điều nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề dân tộc để ngày càng phù hợp với thực tiễn vận động đa dạng và phong phú, phù hợp với những quan điểm sáng suốt của Nguyễn Ái Quốc về cách mạng Việt Nam, nhất là khi ở trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập là tấm gương sáng ngời về ý chí kiên cường, về khí tiết chiến đấu về ý thức tìm tòi sáng tạo của một chiến sĩ cách mạng hiến dâng trọn đời của mình cho sự nghiệp lớn lao của Đảng và của dân tộc.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập là tấm gương sáng ngời về ý chí kiên cường, về khí tiết chiến đấu về ý thức tìm tòi sáng tạo của một chiến sĩ cách mạng hiến dâng trọn đời của mình cho sự nghiệp lớn lao của Đảng và của dân tộc. Trước tòa án quân thù, nêu cao khí tiết của một lãnh tụ cộng sản, đồng chí hiên ngang tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống tôi vẫn sẽ tiếp tục hoạt động” và hô to: “Cách mạng muôn năm”. Tinh thần đó của Hà Huy Tập tiếp tục được nung nấu và truyền lại cho các thế hệ cách mạng.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh và 75 năm ngày mất của Tổng Bí thư Hà Huy Tập, dân tộc ta, Đảng ta tự hào về tấm gương hy sinh, về cuộc đời hoạt động của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo tài ba, nhà lý luận xuất sắc đã có những cống hiến to lớn vì sự nghiệp xây dựng Đảng và đấu tranh cho mục tiêu giành độc lập dân tộc, ấm no hạnh phúc cho nhân dân.
----------------------
(Bài đăng trên Nhân Dân Điện tử ngày 15/4/2016)
Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: TTXVN