Những việc cần làm ngay (Bài 22)

Tiếp theo bài trước, xin bàn thêm về vấn đề vật tư, nguyên liệu.
0:00 / 0:00
0:00
Những việc cần làm ngay (Bài 22)

1- Hiện nay phần lớn vật tư, nguyên liệu và cả máy móc, phụ tùng máy móc... ta đều phải dùng ngoại tệ hay hàng xuất để mua và trao đổi với nước ngoài (Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, các nước đang phát triển hay các nước tư bản).

Do đó, ta phải dành ngoại tệ để chủ yếu là nhập vật tư, nguyên liệu, thiết bị phụ tùng cho sản xuất, hết sức hạn chế nhập hàng tiêu dùng mà trong nước đã sản xuất được, nhất là nhập những hàng xa xỉ mà hiện nay các ngành, các cấp đang nhập quá nhiều.

2- Có nhiều mặt hàng sản xuất từ nguyên liệu trong nước là chủ yếu (như mía cho đường, xà phòng từ dầu dừa, đay cho bao tải, v.v.). Nhưng do chính sách giá cả của Nhà nước quy định quá thấp, khiến cho nông dân giảm bớt hay bỏ trồng trọt, khiến cho các xí nghiệp không đủ nguyên liệu sản xuất, trong khi Nhà nước phải bỏ ngoại tệ ra để nhập đường, xà phòng, bao tải... của nước ngoài.

Vậy cơ quan vật giá của Trung ương và các địa phương phải xem xét thay đổi chính sách giá mua vật tư, nguyên liệu trong nước cho hợp lý, cho người nông dân có lãi để họ hăng hái sản xuất, tạo thêm nguồn nguyên liệu dồi dào sản xuất từ trong nước.

3- Gần đây, các nhà khoa học, kỹ thuật trong nước đã có nhiều phát minh dùng vật tư, nguyên liệu trong nước thay cho vật tư, nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài (thí dụ: Ở Xí nghiệp sơn Bạch Tuyết, kỹ sư Yến Thanh đã tìm ra dầu trẩu pha với dầu đậu nành là sản phẩm từ thảo mộc trong nước thay cho dầu lanh xưa nay phải nhập từ nước ngoài; Xí nghiệp dệt 3 của Liên hiệp Xí nghiệp Hồng Gấm đã dùng kim loại phế thải sản xuất ra kim dệt xưa nay phải nhập của nước ngoài, v.v.).

Ngoài vật tư, nguyên liệu ra, lại đang có nhiều phát minh, sáng chế ra các thiết bị phụ tùng, tuy chế tạo ở trong nước nhưng trình độ kỹ thuật cao không thua kém bao nhiêu hoặc phẩm chất tương đương với hàng ngoại quốc (như máy may Cokima của Hợp tác xã Cơ khí may Đống Đa-Hà Nội; như Trung tâm Nghiên cứu nông cơ thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua đã thiết kế chế tạo nhiều máy cơ khí nông nghiệp phục vụ sản xuất có hiệu quả trong khâu làm đất, v.v.).

Còn nhiều trường hợp phát minh khác nữa không thể kể hết trong một bài báo ngắn. Nói chung, ở nước ta đang có phong trào phát minh, sáng chế ra các nguyên liệu, vật tư và cả thiết bị, phụ tùng thay thế hàng nhập rất đáng hoan nghênh và khen thưởng đích đáng.

Rất mong phong trào này phát triển rộng rãi hơn nữa để làm cho dân giàu, nước mạnh.

N.V.L.

---------------

Báo Nhân Dân, số 12377, ngày 2/6/1988.