Vụ cháy xảy ra trên núi Tô vào ngày 26/4, rất may khu vực cháy không có người dân sinh sống. Hàng trăm người đã tham gia chữa cháy nhưng do đường lên núi khó khăn ảnh hưởng đến việc vận chuyển nước nên khó khống chế ngọn lửa.
Một số bom đạn còn sót lại trong chiến tranh phát nổ nên tối 26/4, lực lượng phòng cháy, chữa cháy đã rút xuống núi để bảo đảm an toàn. Ngày 27/4, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ và người dân được huy động dập lửa.
Ngọn lửa đã được khống chế nhưng do điểm cháy là khu vực đồi núi vách đá dựng đứng, nhiều cây khô, dây leo có nhiều hang động nên lửa vẫn còn âm ỉ. Lúc này lại có gió lớn, nên ngọn lửa cháy lác đác vài nơi lan qua khu vực 2 xã Ô Lâm, An Tức trong khu vực núi Tô.
Ngày 28/4, huyện Tri Tôn đã huy động lực lượng gồm 382 người là công chức và đoàn thể huyện; Hạt Kiểm lâm liên huyện Tri Tôn - Thoại Sơn; Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang; Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh An Giang; Đội 511 Châu Đốc; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang; Công an huyện Tri Tôn; Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tri Tôn; lực lượng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ và chiến sĩ, cán bộ thuộc 3 xã Núi Tô, An Tức, Ô Lâm...để tham gia chữa cháy.
Các lực lượng đã sử dụng máy chữa cháy đeo vai, máy bơm nước lên vách đá tiếp cận khu vực cháy. Ban Chỉ huy chữa cháy tiếp tục huy động 4 dụng cụ bay không người lái (drone) phun nước tại những khu vực sức người khó tiếp cận như vách đá, hang động.
Cháy trên núi Tô đã tạm thời được khống chế |
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy sử dụng 2 xe chữa cháy chuyên nghiệp, 1 xe chở thiết bị hậu cần, 1 máy bơm công suất lớn quyết tâm khống chế, dập tắt đám cháy.
Sau nhiều giờ tích cực chữa cháy, khoanh vùng và cắt đường băng khu vực cháy, đến tối 28/4, không còn điểm cháy nào trên núi Tô. Tuy nhiên, huyện Tri Tôn vẫn cử lực lượng túc trực tiếp tục theo dõi, đề phòng.
Ông Nguyễn Văn Bé Tám thông tin thêm, vụ cháy không gây thiệt hại vì khu vực cháy không có người ở, không ai canh tác, phần lớn bị cháy là lớp thực bì, dây leo, cây tre, tầm vông… Lực lượng chữa cháy không ai bị thương.
Sáng 29/4, huyện sẽ kiểm tra tổng thể, nếu phát hiện nơi nào còn khói hay cháy nhỏ sẽ xử lý tiếp, không để cháy lan.
Ngày 28/4, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã có công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh tăng cường và thực hiện nghiêm các chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Công văn nêu rõ, năm nay, thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài làm cho cây khô héo, rụng lá, lớp thực bì tăng dầy cùng với việc bất cẩn trong việc sử dụng lửa đã xảy ra đám cháy lớn tại khu vực núi Tô và núi Dài của huyện Tri Tôn.
Công văn yêu cầu, thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng, chống cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Các ngành, địa phương có phương án cụ thể, chi tiết, bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; rà soát, lập danh sách các khu rừng có nguy cơ cháy cao; tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong giai đoạn cao điểm mùa khô.
Tăng cường tuần tra, canh gác, phát hiện sớm lửa rừng và bảo đảm lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi cháy rừng xảy ra.
Cùng với đó, có phương án sẵn sàng, chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi cần thiết, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước…