Ngày 27/4, lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Ea Kly, huyện Krông Pắc cho biết, chính quyền và các ngành chức năng của địa phương đang kiểm tra và thống kê thiệt hại do trận mưa đá chiều 26/4.
Qua kiểm tra sơ bộ, Ủy ban nhân dân xã Ea Kly đã thống kê có khoảng 260 ha lúa nước sắp đến ngày thu hoạch của bà con bị ảnh hưởng do trận mưa đá chiều 26/4 gây ra. Trong đó, 190 ha bị thiệt hại 100%, 20 ha bị thiệt hại từ 30-70%, diện tích còn lại thiệt hại dưới 30%.
Ngoài ra, các cây trồng khác trên địa bàn xã Ea Kly cũng bị ảnh hưởng nhưng chưa xác định được diện tích. Hiện, Ủy ban nhân dân xã Ea Kly đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kiểm tra, thống kê toàn bộ diện tích cây trồng bị thiệt hại do đợt mưa đá gây ra để kiến nghị cấp trên quan tâm, hỗ trợ kịp thời cho bà con khắc phục sản xuất trong vụ tới.
Hàng nghìn ha cây trồng ở Đắk Lắk đang đối mặt với khô hạn nặng
Trước tình hình thời tiết cực đoan trong giai đoạn chuyển mùa, ngày 26/4, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi các địa phương và đơn vị liên quan về việc chủ động ứng phó với mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh trên địa bàn.
Theo đó, hiện nay thời tiết trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn chuyển mùa, các loại hình thiên tai như mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có diễn biến phức tạp, khó dự báo, cảnh báo. Đây là những loại hình thiên tai thường xảy ra trong thời kỳ chuyển mùa và đầu mùa mưa, từ đầu tháng 4 đến nay, một số địa phương đã xảy ra mưa dông kèm theo lốc, sét, gió giật mạnh gây thiệt hại về tài sản.
Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh gây ra, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố tập trung theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho người dân chủ động phòng tránh, đề phòng rủi ro do mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh gây ra; chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, rà soát các phương án ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, lưu ý những khu vực tập trung đông người, khu du lịch, cắt tỉa cây xanh trong đô thị đảm bảo an toàn...
Bên cạnh đó, chủ động chuẩn bị vật tư, phương tiện phục vụ phòng chống thiên tai, củng cố lực lượng xung kích tại cơ sở sẵn sàng huy động giúp dân khắc phục hậu quả kịp thời, hiệu quả.
Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Trong đó, cần tập trung hướng dẫn các nội dung như biện pháp trú, tránh đảm bảo an toàn khi xảy ra dông, lốc, sét; gia cố nhà ở, che chắn bảo vệ tài sản, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương để giảm thiểu thiệt hại…