Sẽ có khoảng từ 5.000 - 8.000ha cây trồng bị khô hạn
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 69 hồ đập đã cạn nước; 191 hồ có dung tích hiện tại dưới 50%; 115 hồ có dung tích hiện tại còn từ 50% đến dưới 70% và 115 hồ có dung tích hiện tại còn trên 70%.
Dự báo trong thời gian tới, nếu không có mưa và thời tiết tiếp tục nắng nóng như hiện nay, thì mực nước ở các hồ chứa, sông suối sẽ tiếp tục giảm mạnh, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, lượng nước gần như hết hoàn toàn và công trình được đầu tư xây dựng đã lâu năm nên lòng hồ bị bồi lắng. Do đó, khả năng diện tích tưới của các công trình này bị hạn về cuối vụ là rất lớn, các công trình này tập trung nhiều ở các huyện: Krông Búk, Ea H’leo, Krông Năng, Lắk, Buôn Đôn, Krông Pắc, thị Buôn Hồ,...
Một hồ chứa nước ở xã Ea Sin, huyện Krông Búk đã cạn kiệt nguồn nước nhiều tháng nay. |
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Mai Trọng Dũng cho biết, trong mùa khô năm 2024, tổng diện tích cây trồng cần tưới trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 433.579ha, trong đó 65.584ha cây hằng năm, gồm: 46.581ha lúa nước, 3.839ha ngô và 15.164ha các loại cây trồng khác; 367.995ha cây lâu năm, gồm 302.784ha cây công nghiệp và 65.211ha cây ăn quả. Tính đến nay, diện tích cây trồng ngắn ngày đã thu hoạch khoảng 13.244ha, trong đó có 7.483ha lúa.
Một công trình thủy lợi trên địa bàn xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc đã khô cạn. |
Do thời tiết nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh và sinh hoạt của nhân dân. Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, đơn vị trong tỉnh, đến nay có khoảng 4.958ha cây trồng các loại và một số diện tích ao nuôi thủy sản bị hạn, tập trung trên địa bàn các huyện Krông Pắc, Krông Búk, Cư Kuin, Lắk, Buôn Đôn và diện tích do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk quản lý.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có 44 hồ đập đã cạn nước. |
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, trong những ngày tới nguồn nước tại các công trình thủy lợi lớn trên địa bàn như: Công trình thủy lợi Krông Búk hạ, Ea Súp thượng, Buôn Joong,... vẫn cơ bản bảo đảm phục vụ tưới cho cây trồng. Còn đối với các hồ chứa vừa và nhỏ, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ và các hồ hiện có dung tích dưới 50%, một số đập dâng nhỏ và vùng ngoài công trình thủy lợi nguy cơ thiếu nước có thể xảy ra tại một số khu vực các huyện Krông Búk, Ea Súp, Ea H’Leo, Krông Bông, Ea Kar và thị xã Buôn Hồ…
Nắng nóng gay gắt và khô hạn ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của người dân. |
“Từ nay đến cuối vụ, dự báo tổng lượng mưa có thể thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, khả năng xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước tại một số các công trình hồ chứa nhỏ, các công trình đập dâng và vùng ngoài công trình thủy lợi với tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng khô hạn lên tới từ 5.000 - 8.000ha’’, báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk nêu.
Nắng nóng gay gắt kéo dài còn khiến nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt, phải mua nước đóng bình về sử dụng. |
Về nước sinh hoạt của nhân dân, dự báo trong thời gian tới, với thời tiết tiếp tục nắng nóng như hiện nay khiến nguồn nước mặt và nước ngầm sẽ giảm dần, trong khi đó nhu cầu sử dụng nước của nhân dân lại tăng cao nên có khả năng nguồn nước sẽ bị thiếu hụt buộc phải thực hiện cấp nước luân phiên cho người dân…
Nỗ lực chống hạn
Đặc thù của tỉnh Đắk Lắk là có diện tích cây công nghiệp dài ngày rất lớn, nên vấn đề chủ động kế hoạch sản xuất phù hợp với nguồn nước đối với những năm hạn hán gặp nhiều khó khăn.
Hệ thống công trình thủy lợi hiện có chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ tưới cho diện tích cây trồng cần tưới trên địa bàn tỉnh, do đó việc chủ động nguồn nước tưới rất khó khăn, đặc biệt đối với thời kỳ cuối vụ khi các nguồn nước đã cạn kiệt.
Người nông dân ở xã Ea Sin, huyện Krông Búk phải thuê xe múc múc rãnh nước dưới lòng hồ để tìm nước cứu cây trồng. |
Bên cạnh đó, vấn đề nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nước tưới tiết kiệm còn hạn chế, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa dẫn đến một số khu vực công tác quản lý nguồn nước chưa tốt, sử dụng nước còn lãng phí…
Trước tình hình khô hạn ngày càng gay gắt và những khó khăn đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành văn bản yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và các đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện các giải pháp chủ động phòng, chống khô hạn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước có thể xảy ra, bảo đảm cân đối đủ nguồn nước cấp cho hạ du các lưu vực sông trong mùa khô hạn năm 2024.
Ở nhiều địa phương người dân còn đào giếng dưới lòng hồ để kiếm nước cứu cây trồng. |
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk tăng cường quản lý tốt nguồn nước tại các hồ chứa, phân phối cấp nước hợp lý và thực hiện các giải pháp chống hạn bảo đảm ổn định đời sống nhân dân; đồng thời, chủ động sử dụng các nguồn lực để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước trên địa bàn; tổng hợp, báo cáo tình hình hạn hán, thiếu nước; phương án triển khai giải pháp ứng phó và kết quả thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước gửi về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để tổng hợp đề xuất các bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ theo quy định.
Một nông dân nỗ lực kéo ống nước tưới cứu cây trồng. |
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện các giải pháp phòng chống khô hạn theo chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, giải quyết nhằm hạn chế thiệt hại do nắng nóng, hạn hán thiếu nước trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, trong những ngày qua, các sở, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực triển khai các giải pháp ứng phó từ sớm, từ xa với tình hình hạn hán, thiếu nước; chỉ đạo các địa phương rà soát, khoanh vùng cụ thể các diện tích đã và có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước; hướng dẫn, hỗ trợ người dân giải pháp ứng phó phù hợp, đặc biệt là ở khu vực ngoài vùng công trình phụ trách tưới.
Đồng thời, lưu ý thực hiện giải pháp tích trữ nước phân tán, trường hợp nguy cơ bị thiếu nước nghiêm trọng, chỉ thực hiện tưới để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng, kết hợp với việc sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương để giữ ẩm, hạn chế thất thoát nước do bốc hơi.
Người nông dân nỗ lực bơm vét những giọt nước còn lại để tưới cứu cây trồng. |
Các chủ hồ, đập đã chủ động nạo vét các tuyến kênh dẫn, cửa vào của cống lấy nước, khơi thông dòng chảy, nối dài ống hút các trạm bơm để tăng cường khả năng bơm tưới phục vụ sản xuất.
Các địa phương, đơn vị đã thực hiện đắp đập tạm để giữ nước, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để bơm nước từ sông, suối và từ dung tích chết của hồ chứa, một số địa phương phải đào giếng trong lòng hồ đã khô cạn để tận dụng tối đa nguồn nước; đào, khoan giếng để khai thác nước ngầm phục vụ chống hạn.
Ở các địa bàn khan hiếm về nguồn nước, các địa phương, đơn vị đã chủ động điều tiết như xả nước từ các công trình, lắp đặt trạm bơm dã chiến, vận chuyển bằng xe chở nước... từ những nơi có nguồn nước để hỗ trợ phục vụ chống hạn, bảo đảm nước sinh hoạt cho nhân dân.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk lắp đặt các máy bơm bơm nước phục vụ nhân dân chống hạn cho cây trồng. |
Đối với các công trình hồ chứa nước đã cạn nước, các địa phương đã chủ động tìm kiếm nguồn nước khác để phục vụ chống hạn như từ nguồn nước ngầm, tận dụng nguồn nước từ các sông, suối, ao hồ,...
Về nước sinh hoạt, các địa phương, đơn vị đã chủ động triển khai cấp nước luân phiên để phù hợp với tình hình nguồn nước thiếu hụt do hạn hán…
Về các địa phương ở Đắk Lắk trong những ngày khô hạn này mới thấy hết sự nỗ lực của chính quyền địa phương và các đơn vị trong việc chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong công tác chống hạn; tạm ứng ngân sách địa phương để hỗ trợ công tác chống hạn; đồng thời huy động nguồn lực trong nhân dân tích cực chống hạn bảo vệ sản xuất và bảo đảm nước sinh hoạt cho nhân dân…
Nông dân huyện Cư M'gar phải đầu tư hàng chục triệu đồng để khoan giếng lấy nước cứu vườn cà-phê. |
Cụ thể, huyện Krông Bông đã chuyển nước từ Trạm bơm Cư Mil về chống hạn cho diện tích đảm nhiệm của Hồ thôn 2, xã Ea Trul đã hết nước; đặt 2 trạm bơm dã chiến tại suối Krông Mar và Sông Krông Ana để phục vụ chống hạn cho hơn 100ha lúa nước ở khu vực xã Khuê Ngọc Điền; lắp đặt trạm bơm dã chiến với 3 tổ máy để chuyển nước phục vụ chống hạn cho diện tích đảm nhiệm của Trạm bơm Quyết Tâm, lấy nước từ Hồ Bàu Sen đã cạn nước; phối hợp với chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý công trình thủy lợi huyện Krông Bông để cấp nước chống hạn cho cánh đồng Bình An, cánh đồng Cầu Ri và cánh đồng Đồng tâm, xã Hòa Tân...
Nhiều nông dân ở Đắk Lắk đã triển khai các biện pháp tưới tiết kiệm nước để cứu cây trồng. |
Tại huyện Krông Pắc, trước dự báo tình hình hạn hán sẽ diễn ra gay gắt, địa phương đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lập kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước…
Điển hình như tại công trình hồ chứa nước Vụ Bổn trong vụ sản xuất Đông-Xuân 2023-2024 đã giảm kế hoạch sản xuất từ 400ha xuống chỉ còn 200ha để phù hợp với tình hình nguồn nước; lập kế hoạch chở nước hỗ trợ các hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn trong trường hợp cấp thiết...
Còn trên địa bàn huyện Krông Búk, trước hiện trạng một số công trình thủy lợi đã cạn nước, người dân đã đào các giếng nhỏ trong lòng hồ để tận dụng nguồn nước phục vụ công tác chống hạn…