Năm 2021 và tám tháng năm 2022, các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của huyện Thạch Thất được triển khai đồng bộ và đạt kết quả khá toàn diện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 80 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt hơn 1.425 tỷ đồng (bằng 139% dự toán thành phố giao, tăng hơn 68% so với năm 2020); tám tháng năm 2022 đạt 615,3 tỷ đồng, bằng 63% dự toán thành phố giao, tăng 9% so với cùng kỳ…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện kiến nghị thành phố sớm thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch vùng huyện; sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 thị trấn Liên Quan và khu vực phụ cận; cho phép huyện triển khai thực hiện một số dự án đầu tư, phát triển cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, dịch vụ và mở rộng, phát triển khu nhà ở, điểm dân cư nông thôn; đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư, xây dựng, nâng cấp, mở rộng quốc lộ 21A (Xuân Mai-Sơn Tây); quan tâm đầu tư hạ tầng, cảnh quan và công trình phụ trợ Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương...
Thảo luận tại cuộc làm việc, các đại biểu đã làm rõ các đề xuất, kiến nghị của huyện; chỉ ra những vấn đề chủ yếu nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển trọng tâm là công tác quy hoạch, siết chặt tổ chức bộ máy, kỷ cương, kỷ luật, cải cách hành chính và quyết tâm hành động của đội ngũ cán bộ.
Phát biểu kết luận, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, huyện còn không ít hạn chế trong giải ngân vốn đầu tư công, quản lý đất đai, cải cách hành chính, công tác tổ chức cán bộ... “Kết quả khắc phục những hạn chế tồn tại này chính là “thước đo” năng lực cán bộ huyện. Trong đó, hạn chế đầu tiên phải tập trung khắc phục là giải ngân vốn đầu tư công. Bởi có nguồn lực đầu tư mà không chi được là có lỗi với dân; giải ngân được sẽ tạo ra sản phẩm, ra công trình, dự án thì người dân mới sớm được thụ hưởng. Đây còn là động lực, là nguồn thu cả trước mắt và lâu dài cho huyện”, đồng chí Đinh Tiến Dũng lưu ý.
Theo đồng chí, cập nhật Nghị quyết số số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị khi điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, huyện Thạch Thất gần như sẽ trở thành trung tâm phía Tây của thành phố với “lõi” là Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội... Đây là lợi thế phát triển rất quan trọng mà huyện phải nắm bắt và các cơ quan, thành phố, các sở, ban, ngành quan tâm, phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện cho Thạch Thất đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, xã hội, giao thông.
Về phía huyện, Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc, nói đi đôi với làm; phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, rõ kết quả và rõ trách nhiệm; không để xảy ra cục bộ địa phương, mất đoàn kết nội bộ.
Đồng chí cũng nhấn mạnh yêu cầu huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, đẩy nhanh các dự án đầu tư công, phát huy thế mạnh của huyện về tiểu thủ công nghiệp, các sản phẩm làng nghề, dịch vụ thương mại, các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao để nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.