Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2024 huyện Phú Bình được cấp hơn 1,7 tỷ đồng để thực hiện Tiểu dự án 1 (thuộc Dự án 4) để phát triển giáo dục nghề vùng nghèo, vùng khó khăn. Tuy nhiên đến nay chưa giải ngân được đồng nào, nguồn vốn tồn đọng kéo dài, lãng phí.
Theo giải thích của Ủy ban nhân dân huyện Phú Bình, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, không phải là huyện nghèo, số hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo còn không nhiều và không có nhu cầu học nghề nữa.
Cụ thể, số người trong độ tuổi lao động thì đang đi làm, số khác không có khả năng lao động nên không có nhu cầu học nghề nên không thực hiện được dự án.
Các dự án 3, 4 và 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên những năm qua được phân bổ nguồn vốn lớn, lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhưng khi các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì nhiều nội dung, tiểu dự án dừng triển khai, dẫn đến tồn đọng vốn, không giải ngân được.
Do không có đối tượng thực hiện Tiểu dự án 1 (thuộc dự án 4) Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững nên huyện Phú Bình đã chuyển trả ngân sách hơn 230 triệu đồng và hiện nay đề nghị điều chỉnh nguồn vốn từ dự án này sang dự án khác thuộc chương trình trên địa bàn huyện, hoặc điều chỉnh vốn sang địa phương khác.
Theo quy định tại Khoản 2, Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết 111/2024/QH15, ngày 18/1/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đối với các dự án, tiểu dự án không còn đối tượng triển khai thực hiện thì được phép chuyển nguồn sang các dự án khác còn đối tượng và có khả năng giải ngân.
Giảm nghèo cần thực chất, hiệu quả
Đại diện Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, đơn vị được giao làm Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh cho biết: Ban Dân tộc đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị được giao vốn rà soát nhu cầu vốn để điều chuyển từ dự án không còn đối tượng sang dự án có nhu cầu và có khả năng giải ngân để tổ chức thực hiện. Kinh phí còn lại không còn đối tượng thực hiện thì chuyển trả ngân sách nhà nước.
Thời gian thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 không còn nhiều, trong khi đó tiến độ thực hiện một số chỉ tiêu đề ra đang bị chậm hoặc đạt thấp do nguồn vốn chưa đáp ứng nhu cầu, trong khi đó có những dự án thì không còn đối tượng thực hiện dẫn đến tồn đọng vốn.
Khắc phục vấn đề này, tỉnh Thái Nguyên cần khẩn trương điều chỉnh vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu để giải ngân được nguồn vốn đã được cấp, phát huy hiệu quả, tránh lãng phí.
Theo quy định, các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thì dừng thực hiện một số nội dung, tiểu dự án thuộc các dự án 3, 4 và 8 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tuy nhiên, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên cho rằng, cần tiếp tục hỗ trợ cho các dự án này đến hết giai đoạn 2021-2025 để bảo đảm tính liền mạch đã để ra từ đầu giai đoạn, góp phần củng cố, hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Mặt khác, nếu không hỗ trợ đến hết giai đoạn 2021-2025 thì nhiều mô hình có nguy cơ sẽ không duy trì được, dẫn đến lãng phí, không hiệu quả.