Phát huy nội lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên

Thái Nguyên là nơi hội tụ, chung sống lâu đời của 46 dân tộc anh em. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các xã vùng sâu, miền núi.
0:00 / 0:00
0:00
Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhằm phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS. Trong ảnh: Thư viện Trường Phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh PHAN THÁI)
Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhằm phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS. Trong ảnh: Thư viện Trường Phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh Thái Nguyên. (Ảnh PHAN THÁI)

Nhiều địa bàn vốn là vùng kháng chiến, căn cứ cách mạng, nhiều khó khăn, kinh tế-xã hội chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao… Với các chủ trương, giải pháp đồng bộ, tỉnh đang dồn sức thực hiện các chương trình, dự án, chính sách, nhằm phát huy nội lực, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Từ vai trò hệ thống chính trị

Tập trung đầu tư, phát huy nội lực vùng đồng bào DTTS, miền núi nhằm phát triển nhanh thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, các dân tộc trong tỉnh là quyết tâm chính trị, mục tiêu chung của Đảng bộ tỉnh. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, việc lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn được coi trọng. Nổi bật là tích cực triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2030.

Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phạm Thái Hanh cho biết, Tỉnh ủy đã phối hợp UBND tỉnh điều tra, khảo sát đánh giá đúng thực trạng, từ đó xác định các giải pháp, chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Tỉnh ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” được triển khai toàn diện, cụ thể hơn và hiệu quả. Cùng với các chính sách dân tộc của Trung ương đang được triển khai, tỉnh ban hành các chính sách đặc thù, các dự án chuyên đề như: Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội vùng An toàn khu, vùng DTTS đặc biệt khó khăn tỉnh Thái Nguyên; Đề án phát triển kinh tế-xã hội địa bàn đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống…

Thực tế cho thấy, công tác dân vận khéo, dân vận chính quyền cần đi trước nhằm phát huy vai trò của hệ thống chính trị, phát huy nội lực của cộng đồng, tạo sự đồng thuận xã hội cao với các mục tiêu phát triển; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dân vận ở vùng đồng bào DTTS và miền núi được cụ thể hóa trên nhiều lĩnh vực.

Tập trung đầu tư, phát huy nội lực vùng đồng bào DTTS, miền núi nhằm phát triển nhanh thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, các dân tộc trong tỉnh là quyết tâm chính trị, mục tiêu chung của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền ở các địa phương có đông đồng bào DTTS như Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ đều có chương trình hành động triển khai, tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc. Các địa phương đổi mới công tác dân vận, thật sự hướng về cơ sở; chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình “dân vận khéo” trong thực hiện công tác dân tộc; nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội; phát huy vai trò của đoàn viên, hội viên, người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng đổi mới tác phong công tác, đặc biệt coi trọng bám sát cơ sở; giữ nghiêm chế độ quy định, tăng cường tiếp xúc đối thoại với nhân dân. Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh tổ chức 289 hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân vùng DTTS, miền núi với 24.011 lượt người tham gia.

Qua đó, cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời lắng nghe ý kiến, nắm tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS, là cơ sở quan trọng để triển khai các giải pháp phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Mặt khác, kịp thời giải quyết các vụ việc phức tạp nảy sinh, ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn chia rẽ mối đại đoàn kết. Qua việc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc, tỉnh đã kịp thời tháo gỡ hạn chế, bất cập trong lĩnh vực này.

Đồng thời, tỉnh tập trung xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS và phát huy vai trò của người có uy tín cộng đồng. Từ đó, nguồn nhân lực người DTTS tăng rõ rệt. Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Dương Hồng Vinh cho biết, hiện tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã vùng DTTS có trình độ cao đẳng, đại học là gần 93%, trong đó, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học trở lên là 85%; 100% cán bộ, công chức cấp huyện có trình độ đại học trở lên. Tỷ lệ cán bộ công chức người DTTS tham gia cấp ủy các cấp: Cấp xã đạt hơn 9%; cấp huyện đạt 19%.

Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong toàn tỉnh tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị là hơn 18%; cấp huyện là 24%; cấp xã là gần 32%. Năng lực, tổ chức bộ máy của ban dân vận và phòng dân tộc cấp huyện được tăng cường (hiện 8 trong số 9 huyện, thành phố của tỉnh có phòng dân tộc) là nhân tố quan trọng trong tăng cường năng lực, lãnh đạo điều hành công tác dân tộc ở Thái Nguyên.

Hiện thực hóa chủ trương, mục tiêu phát triển

Quá trình đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy nội lực triển khai các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào DTTS miền núi tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây được thực hiện khá hiệu quả.

Đáng chú ý trong đó là việc dồn sức xây dựng kết cấu hạ tầng, triển khai chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS các điều kiện cần thiết để ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất. Tỉnh huy động được hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư, xây dựng hàng trăm công trình giao thông nông thôn, trường học, thủy lợi, điện, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sinh hoạt… góp phần thay đổi căn bản diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển.

Tỉnh đã có những giải pháp, bước đi mang tính đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi theo hướng tập trung, quy mô lớn. Đây là thành quả từ phát huy tiềm năng, thế mạnh, gắn liền các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề đối với đồng bào.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; khơi dậy tinh thần tự lực, ý chí, khát vọng vượt khó vươn lên của đồng bào DTTS... Nhờ vậy, kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS từng bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng nâng lên.

Riêng năm 2023, tỉnh tổ chức 81 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 2.614 người lao động. Tỉnh cũng giải ngân 16 tỷ đồng vốn vay để phát triển kinh tế hộ và hỗ trợ 3,8 tỷ đồng để chuyển đổi nghề nghiệp cho đồng bào DTTS, hướng mạnh vào mục tiêu tập trung phát triển những sản phẩm chủ lực. Từ đó, với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào, cơ cấu kinh tế, đời sống vùng đồng bào DTTS chuyển biến rõ rệt. Hiện có hơn 80% số sản phẩm OCOP toàn tỉnh là sản phẩm thuộc vùng DTTS và miền núi.

Bí thư Huyện ủy Phú Lương Nguyễn Quốc Hữu cho biết, từ thực tế thực hiện các giải pháp nêu trên, giá trị nhiều mặt hàng nông sản của bà con người DTTS tăng từ 20 đến 30%, trên địa bàn xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp giá trị cao.

Hướng mạnh vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỉnh tăng cường đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo vùng DTTS và miền núi. Các trường phổ thông dân tộc nội trú thuộc tỉnh được đầu tư, nâng cấp. Hiện 100% số trường, lớp học vùng DTTS và miền núi được xây dựng kiên cố. Toàn tỉnh có 598 trong số 683 cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia (đạt 87,55%), trong đó có 5 trường phổ thông dân tộc nội trú.

Với các chủ trương, chính sách của tỉnh, Thái Nguyên đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với đồng bào DTTS như: Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên), Làng văn hóa dân tộc bản Quyên (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa), xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai), xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), hồ Ghềnh Chè (thành phố Sông Công) và xóm Tân Sơn (xã La Bằng, huyện Đại Từ).

Riêng năm 2023, có 7 dự án tu bổ, tôn tạo các di tích, bảo tồn làng truyền thống dân tộc Nùng, dân tộc Sán Chí, dân tộc Tày ở các huyện Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Lương gắn với phát triển du lịch được triển khai thực hiện. Tại huyện Định Hóa, hiện có 183 điểm di tích lịch sử-văn hóa. Đặc biệt, huyện đã và đang triển khai đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, với tổng kinh phí gần 353 tỷ đồng.

Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng cục Du lịch cho biết: Đồng bào các dân tộc ở Thái Nguyên còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, phong tục tập quán phong phú, đa dạng. Đây chính là nguồn tài nguyên văn hóa cần khai thác để phát triển hiệu quả hơn.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; khơi dậy tinh thần tự lực, ý chí, khát vọng vượt khó vươn lên của đồng bào DTTS... Nhờ vậy, kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS từng bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng nâng lên.