Con đường bê-tông chắc chắn dài hàng chục km, rộng 3 mét, độ dày 25cm bám theo thế núi ngoằn nghèo như con trăn khổng lồ vượt nhiều đèo dốc cao vươn đến Bản Tèn, nơi có hơn 150 hộ đồng bào dân tộc H'Mông sinh sống trên núi cao, thuộc xã Văn Lăng (huyện Đồng Hỷ), được tỉnh Thái Nguyên xây dựng từ Đề án 2037, một đề án đặc thù của địa phương.
Bà con Bản Tèn cho đây là tuyến đường mang tính lịch sử, giúp không phải trèo đèo, lội suối nửa ngày đường mới đến trung tâm xã như trước, giúp đi lại, vận chuyển hàng hóa và con em học hành thuận lợi. Con đường bê-tông khác rộng 3 mét vừa được xây dựng nối dài, hoàn thiện bao quanh xóm Bản Tèn, càng làm bà con nơi đây phấn khởi.
Một dự án tái định cư cho người dân có nguy cơ sạt lở, lũ ống cũng đang được xây dựng tại Bản Tèn, dự kiến sẽ hoàn thiện hạ tầng điện, đường, nước sinh hoạt vào cuối năm nay để chuyển người dân đến sinh sống, chấm dứt cảnh lo âu mỗi khi có mưa lớn.
Ở trung tâm xóm Bản Tèn là Trường tiểu học số 2 Văn Lăng, trường mầm non, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, chắc chắn. Từ đây có các tuyến đường bê-tông lên các cụm dân cư, các chòm xóm nhỏ. Cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương đối với Bản Tèn, một trong những xóm xa, khó khăn nhất tỉnh Thái Nguyên.
Tỉnh Thái Nguyên, huyện Đồng Hỷ đang ưu tiên nguồn lực địa phương, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số để đầu tư cho Văn Lăng, xã có đến 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Nguồn lực tập trung đầu tư hạ tầng, tạo sinh kế, mô hình phát triển sản xuất để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân để cuối năm Văn Lăng nay đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Ấn tượng nông thôn mới Thái Nguyên
Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có 40 công trình hạ tầng thiết yếu đã và đang được triển khai ở huyện vùng cao Võ Nhai. Những công trình đường bê-tông nông thôn, thủy lợi, các thiết chế văn hóa, xã hội dần mọc lên, làm người dân rất phấn khởi.
Ở huyện Định Hóa, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Đức Lực cho biết: Là huyện miền núi, kinh tế-xã hội còn khó khăn, nhưng được sự hỗ trợ nguồn lực của Trung ương và của tỉnh để phát triển kinh tế, xã hội, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, sau hai năm bứt phá, Định Hóa trở thành huyện nông thôn mới.
Trên phạm vi toàn tỉnh, nhiều năm nay, điện lưới quốc gia đã được đưa đến 100% các xóm, thôn trên địa bàn tỉnh, giúp bà con phát triển sản xuất, làm cho cuộc sống văn minh hơn. Tỉnh duy trì 8% học sinh người dân tộc thiểu số được học trong các trường nội trú và Thái Nguyên trích ngân sách để hỗ trợ để các em học nội trú cải thiện cuộc sống.
Chỉ tính riêng năm 2023 đến nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Thái Nguyên đầu tư xây dựng 96 công trình hạ tầng thiết yếu với số vốn 99,9 tỷ đồng, trong đó nhiều công trình đã hoàn thành, phát huy tác dụng thiết thực đối với người dân.
Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, đến nay hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh thay đổi trông thấy, diện mạo nông thôn miền núi, vùng cao khởi sắc rõ rệt. Đó là, 100% xã có trường học, trạm y tế kiên cố, có đường ô-tô đến trung tâm được cứng hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 3% tổng số hộ.