Ngày hội Y tế cơ sở phòng chống bệnh Không lây nhiễm- Đái tháo đường, tăng huyết áp, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội trong công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm nói chung và phòng chống đái tháo đường, tăng huyết áp nói riêng; phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp để quản lý, điều trị để làm chậm sự xuất hiện và tiến triển các biến chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh mắc đái tháo đường, tăng huyết áp.
Tại Ngày hội, các y, bác sĩ đến từ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì tổ chức tư vấn, khám sàng lọc đái tháo đường, tăng huyết áp, siêu âm tổng quát, khám mắt, đo chiều cao, cân nặng…, và cấp thuốc miễn phí… cho khoảng 3.000 người dân trên địa bàn huyện Ba Vì trong độ tuổi từ 40 trở lên.
Phát biểu ý kiến tại “Ngày hội Y tế cơ sở phòng chống bệnh Không lây nhiễm- Đái tháo đường, tăng huyết áp”, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Vũ Cao Cương cho biết: Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF), mỗi năm, có 3,2 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến đái tháo đường, tương đương với người tử vong vì bệnh HIV/AIDS. Bệnh đái tháo đường đang là gánh nặng cho kinh tế xã hội. Đáng lo ngại, cộng đồng có tới hơn 50% bệnh nhân đái tháo đường chưa được chẩn đoán, tình trạng bệnh xuất hiện ngày càng nhiều ở lớp trẻ khi tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Vũ Cao Cương phát biểu ý kiến tại Ngày hội Y tế cơ sở |
Các nghiên cứu về dịch tễ học trong những năm qua cũng cho thấy, bệnh đái tháo đường type 2 không ngừng gia tăng. Cụ thể, năm 2015 toàn thế giới có 415 triệu người (trong độ tuổi từ 20 đến 79 tuổi) bị bệnh đái tháo đường, tương đương cứ 11 người có một người bị đái tháo đường; dự báo đến năm 2040 con số này sẽ là 642 triệu, tương đương cứ 10 người có một người bị mắc bệnh đái tháo đường.
Tại Việt Nam, năm 1990 của thế kỷ trước, tỷ lệ bệnh đái tháo đường chỉ là 1,1 % (TP Hà Nội), 2,25% (TP Hồ Chí Minh) và 0,96% (TP Huế). Kết quả điều tra về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế thực hiện năm 2015, cho thấy: Ở nhóm tuổi từ 18 đến 69 tuổi, tỷ lệ đái tháo đường toàn quốc là 4,1%, tiền đái tháo đường là 3,6%.
Đáng lo ngại, kết quả điều tra về đái tháo đường (năm 2021) của người dân từ 18 đến 69 tuổi tại Hà Nội cho thấy: Tỷ lệ tiền đái tháo đường 16%; tăng đường huyết là 10,2%; tăng huyết áp 30,8%, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng 19,2%; tỷ lệ hút thuốc lá có xu hướng giảm 14,2%; tỷ lệ uống từ 6 đơn vị cồn trở lên giảm còn 9,4%. Sự gia tăng này cho thấy, sự bùng nổ của bệnh đái tháo đường đang trở thành gánh nặng về chăm sóc y tế, làm tổn hại đến thành tựu phát triển kinh tế xã hội của mọi quốc gia. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh bệnh đái tháo đường type 2 có thể phòng ngừa được bằng cách duy trì cân nặng lý tưởng và tăng cường hoạt động thể lực.
Các y, bác sĩ khám mắt cho người dân trên địa bàn huyện Ba Vì tại Ngày hội Y tế cơ sở |
Để dự phòng sớm, quản lý, điều trị kịp thời nhằm giảm sự gia tăng mắc bệnh đái tháo đường và các biến chứng của bệnh trên đại bàn Thủ đô, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Vũ Cao Cương cho rằng: Trước hết, người bệnh phải biết rõ đái tháo đường là một bệnh rối loạn suốt đời. Khi có các biểu hiện ban đầu của tiền đái tháo đường hoặc các yếu tố nguy cơ khác của bệnh đái tháo đường như: thừa cân- béo phì, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid người dân phải được tư vấn, phát hiện sớm. Làm được điều đó, thì việc phòng chống bệnh đái tháo đường mới có hiệu quả, sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí điều trị bệnh đái tháo đường, nhất là các biến chứng sau này, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ hạnh phúc gia đình của người bệnh.
Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên xét nghiệm đường máu để phát hiện bệnh đái tháo đường và điều trị sớm, ngăn ngừa biến các biến chứng nguy hiểm; hãy duy trì hoạt động thể lực hàng ngày, chế độ ăn uống hợp lý để phòng chống bệnh đái tháo đường. Đồng thời, mọi người cần nhận biết nguy cơ của chính mình để biết cách ứng phó với bệnh đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường hoàn toàn có thể phòng, chống được nếu tìm hiểu và biết cách thực hành dinh dưỡng, hoạt động thể lực hợp lý.
Toàn cảnh Khai trương Đơn nguyên cấp cứu và Đơn nguyên sơ sinh tại Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì |
Cùng ngày, sau một thời gian chuẩn bị, cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, với mô hình “Bệnh viện Chị-Em”, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì tổ chức khai trương đơn nguyên cấp cứu và đơn nguyên sơ sinh, với tổng số 23 giường bệnh. Tại hai đơn nguyên nêu trên đã được đầu tư các trang thiết bị hiện đại đáp ứng đầy đủ năng lực cấp cứu và vận chuyển người bệnh như: Hệ thống giường đa chức năng, máy thở, monitor, bơm tiêm điện, máy sốc điện, hệ thống oxy, khí nén, máy hút trung tâm, lồng ấp sơ sinh, đèn chiếu điều trị vàng da, máy thở CPAP, hệ thống ô-xxy trung tâm và các bộ dụng cụ hồi sức sơ sinh...
Lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn thăm hỏi người bệnh đang điều trị tại đơn nguyên cấp cứu, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì |
Qua đó, giúp bệnh viện tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ trình độ chuyên môn, chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn; đồng thời tạo tiền đề để bệnh viện đạt tiêu chuẩn bệnh viện hạng I, vào cuối năm 2024.