Khoán gần 3.000ha rừng cho người dân vùng đệm huyện Krông Nô

Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn 2021-2025, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã tiến hành khoán bảo vệ rừng gần 3.000ha rừng cho người dân vùng đệm huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.
0:00 / 0:00
0:00
Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung tổ chức chi trả tiền nhận khoán bảo vệ rừng cho người dân vùng đệm huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.
Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung tổ chức chi trả tiền nhận khoán bảo vệ rừng cho người dân vùng đệm huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.

Cụ thể, có 276 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và người dân sống tại các xã Nâm Nung, Nâm N’Đir, Đức Xuyên, Đăk Sôr và xã Nam Đà, huyện Krông Nô trực tiếp nhận khoán bảo vệ rừng và được chi trả các khoản tiền bảo vệ rừng theo quy định.

Theo đánh giá, từ khi thực hiện chính sách khoán bảo vệ rừng, tình trạng xâm hại đến tài nguyên rừng của Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung đã hạn chế đến mức thấp nhất. Khi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đời sống của người dân tại các xã vùng đệm đã được cải thiện; ý thức và trách nhiệm của người dân đối với công tác bảo vệ rừng đã được nâng cao; các tổ nhận khoán đã tự giác tổ chức tuần tra, kiểm tra trên lâm phần được khoán bảo vệ rừng.

Kết thúc mỗi đợt tuần tra, các tổ đều chủ động báo cáo về các trạm kiểm lâm để kịp thời nắm bắt và xử lý các hành vi vi phạm xảy ra.

Theo ông Phạm Trọng Thủy, Phó giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, nhờ chú trọng thực hiện công tác khoán bảo vệ rừng và công tác tuyên truyền nên ý thức trách nhiệm của người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Người dân đã nhận thức rõ hơn vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, môi trường sinh thái và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đồng thời, chấp hành tốt các quy định về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Ngoài ra, cùng với chế độ chi trả tiền khoán bảo vệ rừng kịp thời, đơn vị còn có các hình thức khen thưởng, động viên đối với những thành viên nhận khoán năng nổ, tích cực trong hoạt động tuần tra, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng để khuyến khích người dân yên tâm giữ rừng.