Đắk Nông chủ động với Dự luật Quy định chống phá rừng châu Âu

NDO - Ngày 5/7, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông Phạm Tuấn Anh cho biết, Sở đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có những giải pháp chủ động trong sản xuất kinh doanh nông sản đáp ứng yêu cầu của Dự luật Quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR).
0:00 / 0:00
0:00
Sản phẩm cà-phê của Đắk Nông đã xuất khẩu sang 20 quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Sản phẩm cà-phê của Đắk Nông đã xuất khẩu sang 20 quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Hội đồng Châu Âu đã thông qua Dự luật Quy định quản lý việc nhập khẩu và xuất khẩu các hàng hóa và sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng EUDR vào ngày 16/5 vừa qua.

Theo đó, châu Âu sẽ cấm nhập khẩu những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020, bao gồm chăn nuôi gia súc, các sản phẩm ca cao, cà-phê, dầu cọ, cao su, đậu nành và gỗ...

Luật này dự kiến áp dụng từ tháng 12/2024 đối với nhà vận hành xuất, nhập khẩu; từ tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Để chủ động trước yêu cầu của EUDR, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông phổ biến đến cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các chủ thể OCOP, các tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời chủ trì tham mưu kế hoạch triển khai EUDR khi có văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành liên quan.

Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ đề án chuyển đổi số ngành nông nghiệp, trong đó ưu tiên xây dựng và tích hợp cơ sở dữ liệu các ngành hàng cà-phê, hồ tiêu, cao-su....

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, kịp thời kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý các vụ phá rừng trái pháp luật.

Hệ thống và cung cấp thông tin liên quan (vị trí, diện tích, đối tượng vi phạm...) các vụ phá rừng trái pháp luật sau ngày 31/12/2020, phục vụ việc truy xuất nguồn gốc nông sản, gỗ đối với các mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Tham mưu xây dựng Kế hoạch cấp mã số vùng trồng, quản lý mã vùng trồng. Xây dựng kế hoạch, lộ trình để hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chuỗi ngành hàng, ưu tiên các ngành hàng có liên quan đến EUDR; trong đó đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu gồm: định vị vườn trồng, các thông tin phục vụ truy xuất nguồn gốc và các dữ liệu khác có liên quan...

Phối hợp các cơ quan, ban ngành, các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất có chứng nhận; tham mưu kế hoạch và giải pháp tổ chức lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp tái sinh, giảm phát thải... phù hợp với từng chuỗi ngành hàng.

Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó ưu tiên các ngành có liên quan đến EUDR.

Có giải pháp thúc đẩy việc tận dụng các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ; tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học thân thiện môi trường trong sản xuất nông nghiệp…