Khoa học và công nghệ Sóc Trăng - 30 năm hình thành và phát triển

NDO - Ngày 18/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Khoa học và công nghệ Sóc Trăng - 30 năm hình thành và phát triển (1993-2023)”. Tham dự hội thảo có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; cùng lãnh đạo tỉnh, đại diện các viện, trường, sở khoa học và công nghệ các tỉnh, thành phía nam.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội thảo.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội thảo.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết, từ năm 1993 đến nay, tỉnh Sóc Trăng được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt 11 đề tài, dự án thuộc các Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia, với tổng kinh phí hơn 71 tỷ đồng và đã triển khai hơn 230 đề tài, dự án cấp tỉnh, với tổng kinh phí thực hiện hơn 75 tỷ đồng.

Tiêu biểu công trình “Nghiên Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa thơm Sóc Trăng: ST24 và ST25 giai đoạn 2008-2016” đã được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. Đặc biệt là Gạo ST25 được vinh danh là Gạo ngon nhất thế giới.

Khoa học và công nghệ Sóc Trăng - 30 năm hình thành và phát triển ảnh 1

UBND tỉnh Sóc Trăng ký kết hợp tác với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; xây dựng được nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương.

Hội thảo ghi nhận nhiều tham luận của các nhà quản lý, nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp nêu thực trạng, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng công tác và sản phẩm ở địa phương.

Khoa học và công nghệ Sóc Trăng - 30 năm hình thành và phát triển ảnh 2

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn kêu gọi tăng cường hoạt động khoa và học công ở địa phương.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành khoa học công nghệ tỉnh Sóc Trăng qua 30 năm.

Đồng thời định hướng Sóc Trăng cần chủ động cụ thể hóa nội dung của ngành khoa học và công nghệ trong Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cần xác định các hướng nghiên cứu ưu tiên có tiềm năng ứng dụng và tác động nhanh, mạnh đối với kinh tế-xã hội của tỉnh nhằm hình thành trung tâm kinh tế của tiểu vùng ven biển theo Quyết định số 287/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; hình thành những doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng khoa học và công nghệ, và đổi mới sáng tạo vào sản xuất.

Khoa học và công nghệ Sóc Trăng - 30 năm hình thành và phát triển ảnh 3

Bộ Khoa học và Công nghệ tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Khoa học và Công nghệ” cho 23 cá nhân ở Sóc Trăng.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn mong các viện, trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ tăng cường hợp tác với tỉnh Sóc Trăng. Qua đó, hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển, kinh tế số theo hướng hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ tiếp thu các ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và các nhà khoa học, doanh nghiệp để tham mưu triển khai có hiệu quả các giải pháp phát triển khoa học và công nghệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới; tích cực tham gia phát triển thị trường khoa học và công nghệ; tăng cường kết nối cung-cầu về công nghệ, thiết bị và đổi mới sáng tạo; thu hút đầu tư các công nghệ cao, phát triển doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ; tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học xã hội và nhân văn nhằm đề xuất các giải pháp phát triển bền vững.