Hiệu quả từ bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý

Theo các nhà khoa học của Viện Địa lý nhân văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), hiện nước ta đã có hơn 100 chỉ dẫn địa lý, nhưng hiệu quả mang lại còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề nhận diện và truyền thông tại thị trường trong nước và quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường tiêu thụ vải Bắc Giang được mở rộng nhờ chỉ dẫn địa lý. Ảnh: NG.NAM
Thị trường tiêu thụ vải Bắc Giang được mở rộng nhờ chỉ dẫn địa lý. Ảnh: NG.NAM

Nhận thức về bảo hộ

Theo ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), với các chủ thể nước ngoài khi có nhu cầu đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển giao công nghệ ở một thị trường nhất định thì điều quan tâm đầu tiên của họ là quyền sở hữu trí tuệ. Các quốc gia có nhiều đơn sáng chế nộp vào Việt Nam trong giai đoạn 10 năm gần đây là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và một số quốc gia châu Âu… Tuy nhiên, lượng đơn sáng chế, giải pháp hữu ích của chủ đơn Việt Nam đang chiếm tỷ lệ chưa cao so với tổng số đơn đăng ký tại Việt Nam.

Một số nguyên nhân của tình trạng này là ở Việt Nam, nhu cầu đối với sáng chế chưa cao; năng lực nghiên cứu còn thấp; khả năng hấp thụ sáng chế của doanh nghiệp còn hạn chế; cơ chế khuyến khích tạo ra sáng chế ở doanh nghiệp, viện, trường chưa thật sự hiệu quả. Vì chưa có ý thức về quyền sở hữu trí tuệ, các nhà sáng chế đã bỏ qua công đoạn đăng ký bảo hộ sáng chế cho công nghệ của mình, dẫn đến khi thương mại hóa đã rơi vào tình cảnh không được hưởng lợi ích từ quyền sở hữu trí tuệ.

Dù vậy, một kết quả đáng ghi nhận trong năm 2020 là số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của các chủ thể nước ngoài giảm 2% thì số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của các chủ thể Việt Nam tăng 35% so với năm 2019. Trong giai đoạn 10 năm qua, lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích của người Việt Nam đã tăng trưởng rõ rệt, nếu như khoảng những năm 2011 chỉ có vài trăm đơn được nộp mỗi năm thì đến 2020, con số này đã tăng gấp ba lần. Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận hơn 125.000 đơn các loại năm 2020, tăng 4,1% so với năm 2019, trong đó gần 77.000 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Ông Phan Ngân Sơn cho biết thêm, việc nộp đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ độc quyền đối với sáng chế tại nước ngoài là hướng đi đúng của các doanh nghiệp Việt trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giải pháp thúc đẩy đăng ký bảo hộ

Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang, việc xây dựng Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia - công cụ để quản lý và quảng bá chỉ dẫn địa lý hoàn toàn phù hợp với mục tiêu mà Việt Nam đã đề ra tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030.

Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia Việt Nam sẽ giúp nhà nhập khẩu và người tiêu dùng định vị được sản phẩm mang tính đại diện cho Việt Nam, khiến họ yên tâm về xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia Việt Nam sẽ trở thành một dấu hiệu quan trọng để các cơ quan và tổ chức hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài, tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Sau nhiều năm phát triển, đến nay Việt Nam đã xây dựng được Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia tạo chỉ dấu tiền đề để thực hiện các giải pháp truyền thông cho các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Biểu trưng này hiện chưa được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế, chưa được đưa vào khai thác và quản lý. Vì vậy việc thực hiện kế hoạch đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia của Việt Nam là cần thiết. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ là chủ sở hữu, Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan quản lý Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia.

Tăng thu nhập và xóa đói, giảm nghèo

Sau khi có được chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, một số địa phương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ. Điều này giúp ổn định và tăng thu nhập cho người sản xuất.

Với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ năm 2001, chè shan tuyết Mộc Châu chuyển dần từ thị trường truyền thống Iraq sang thị trường châu Âu (Anh, Pháp…). Giá chè tăng 2,63 lần (năm 2010). Chè shan tuyết Mộc Châu ít chịu ảnh hưởng bất lợi của ngành hàng chè thế giới. Doanh thu của công ty chè Mộc Châu tăng 4,55 lần (năm 2010) và lương của công nhân chè tăng 3,1 lần so với năm 2001. Khi có chỉ dẫn địa lý (năm 2010) và tăng cường quảng bá, giá hồng không hạt Bắc Kạn đã tăng từ 5.000-7.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg và mang lại thu nhập khá cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Với cách làm có hiệu quả như hai thí dụ nêu trên, chỉ dẫn địa lý có thể đóng góp tích cực cho hai tiêu chí tăng thu nhập và giảm hộ nghèo - là những tiêu chí quan trọng và cốt lõi trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Một số địa phương có chỉ dẫn địa lý như Bình Thuận (thanh long), Tân Cương (chè shan tuyết), Phú Quốc (nước mắm) đều thu hút một bộ phận lao động quan trọng trong vùng, giúp giảm di dân và góp phần bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, làng nghề nước mắm của Phú Quốc thu hút hơn 100 doanh nghiệp tham gia và tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Thanh long Bình Thuận tạo việc làm cho gần 200 tổ hợp tác và hơn 4.600 hộ nông dân…

Theo các chuyên gia nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, để quản lý và khai thác chỉ dẫn địa lý, nhiều hình thức tổ chức sản xuất đã được thiết lập dựa trên sản phẩm chỉ dẫn địa lý và hoạt động theo mô hình chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối...

Tiến sĩ, nghiên cứu viên chính Bùi Kim Đồng, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (CASRAD) thuộc Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (FCRI) cho rằng, hiệu quả của chỉ dẫn địa lý chỉ phát huy khi sản phẩm có chất lượng và tiềm năng thị trường. Vì vậy, cần có các nghiên cứu đánh giá khả thi về sản phẩm trước khi có ý định xây dựng chỉ dẫn địa lý (sản phẩm nổi tiếng thuốc lào Tiên Lãng nhưng khó phát triển thị trường…). Mở rộng đối tượng bảo hộ cho một địa danh và cho nhiều sản phẩm chế biến từ sản phẩm thô (chỉ dẫn địa lý Thanh Hà dùng cho quả tươi và mở rộng cho vải quả khô vì khối lượng hàng hóa quả khô lớn hơn và giảm tổn thất sau thu hoạch; hoa hồi Lạng Sơn mở rộng cho dầu hồi; cà-phê nhân Buôn Ma Thuột mở rộng cho cà-phê bột sử dụng nguyên liệu cà-phê nhân...). Chỉ dẫn địa lý được phát huy khi có chủ thể sử dụng thật sự là tổ chức của người sản xuất và kinh doanh cùng hành động tập thể để quản lý và tiếp thị sản phẩm chung dưới logo chỉ dẫn địa lý.

Bên cạnh đó, cần thành lập các tổ chức chứng nhận chỉ dẫn địa lý độc lập để kết hợp nguyên tắc quản lý chất lượng độc lập với nội bộ. Thành lập Hội đồng quốc gia về chỉ dẫn địa lý để cùng với các địa phương xác định tiềm năng thị trường và chất lượng của sản phẩm sẽ xây dựng chỉ dẫn địa lý và quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hỗ trợ xúc tiến thương mại và phát triển thị trường cho các sản phẩm chỉ dẫn địa lý; hỗ trợ xây dựng các kênh hàng riêng cho các sản phẩm chỉ dẫn địa lý; triển khai các chương trình truyền thông quốc gia, định hướng tiêu dùng về sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý gắn với an toàn thực phẩm. Tuyên truyền, vận động chính quyền, người sản xuất và các tác nhân trong chuỗi giá trị tại khu vực bảo hộ duy trì chất lượng đặc thù của sản phẩm, tránh mở rộng sản xuất ngoài vùng bảo hộ.