Theo đó, Quy hoạch của tỉnh Sóc Trăng gắn với chiến lược phát triển, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về "phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đồng thời, gắn kết quy hoạch tỉnh bảo đảm thống nhất với các quy hoạch cấp quốc gia.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, Sóc Trăng là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển, nông nghiệp hiện đại và bền vững; hình thành cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; có hệ thống đô thị phát triển theo hướng xanh, thông minh, bền vững; có đủ năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh và hạnh phúc.
Đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với phát triển cảng biển Trần Đề. Đây là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế-xã hội; các ngành sản xuất, dịch vụ thông minh với các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Đến năm 2030, thành phố Sóc Trăng là Đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. |
Về kinh tế, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 8,5%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 124 triệu đồng/năm. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 27%; công nghiệp-xây dựng đạt khoảng 35%; dịch vụ đạt khoảng 30%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt khoảng 8%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt khoảng 14.000 tỷ đồng. Kinh tế chiếm 20% GRDP của tỉnh. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP đạt khoảng 45%.
Về xã hội, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40-45%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2-3%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3-4%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; trong đó, đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,5%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 90%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%, số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 33 giường bệnh, tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân là 11 người.
Về môi trường, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị, công nghiệp, dịch vụ được thu gom và xử lý đạt 98-99%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn, làng nghề được thu gom và xử lý đạt 75%. Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%. Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98-100%. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn đạt 75%. Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 3%.
Tỉnh Sóc Trăng có vị trí quan trọng trong khu vực duyên hải phía đông vùng đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tự nhiên hơn 3.311km2, đứng thứ 6 trong vùng; dân số gần 1,2 triệu người, đứng thứ 9 trong vùng; với bờ biển dài hơn 72 km, nằm trong vùng hạ lưu sông Hậu với 2 con sông chính là sông Hậu và sông Mỹ Thanh. Tỉnh có 3 cửa sông chính ra Biển Đông là Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh, có vị trí cách thành phố Cần Thơ khoảng 60km. Tỉnh có vị trí nằm trên đường giao nhau giữa trục giao thông dọc và giao thông ngang của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi, với nhiều tiềm năng lợi thế và là nơi sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, xuất khẩu thủy hải sản lớn của cả nước. Hằng năm, Sóc Trăng sản xuất hơn 2 triệu tấn lúa, với nhiều giống lúa đặc sản đạt giải quốc tế như ST24, ST25 và là nơi nuôi trồng, xuất khẩu thủy hải sản lớn. Sóc Trăng hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển về kinh tế-xã hội, nhất là về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển và ven biển như: Khai thác và nuôi trồng thủy hải sản, nông, lâm nghiệp biển, công nghiệp hướng biển, cảng cá, cảng biển, dịch vụ cảng biển, vận tải biển; có tiềm năng phát triển năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối… Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng là một đầu mối giao thông quan trọng trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Sóc Trăng có ba dân tộc đang sinh sống là Kinh, Hoa và Khmer, tạo nên sự giao thoa văn hóa đặc sắc với đa dạng văn hóa lễ hội, tâm linh. Người dân địa phương luôn chịu khó, lao động cần cù, hào sảng và hiếu khách.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, tỉnh sẽ tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương, nhất là Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, xây dựng chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, từ tìm hiểu, lập dự án đầu tư đến cả quá trình sản xuất kinh doanh. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư kinh doanh tại tỉnh.
Sóc Trăng sẽ huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.
Tiềm năm biển và năng lượng sạch của Sóc Trăng đã và đang được khai thác hiệu quả. |
Để sớm cụ thể hóa quy hoạch của tỉnh là đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng, tỉnh Sóc Trăng sẽ phối hợp Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch cụ thể, kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề, giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng.
Cùng với sự phát triển hạ tầng, tỉnh chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư; tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, nhất là những người liên quan đến hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp.
Tỉnh cũng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân; tận dụng sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 để xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Tỉnh không ngừng phát huy cao độ các giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng của quê hương; quan tâm an sinh xã hội; tăng cường đầu tư cho y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở; chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, người yếu thế trong xã hội với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đoàn kết, đồng lòng, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tốt nội dung quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quyết tâm xây dựng tỉnh Sóc Trăng ngày càng phát triển, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.