P.T.N, một bé gái tại xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh từng là nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục và xúc phạm bằng lời nói. Cô bé sinh năm 2005 khi ấy đã phải trải qua rất nhiều ngày bất an và sợ hãi. Ngay khi đang tuyệt vọng nhất, T.N bất ngờ tìm kiếm được fanpage của Liên Chi hội bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Ninh (QNACR) rồi chủ động nhắn tin.
Cũng từ cú “click” này, QNACR đã kịp thời tư vấn, đồng thời có văn bản gửi đến các cơ quan có liên quan để giải quyết vụ việc của T.N. Nhờ đó, trường hợp của cô bé đã được giải quyết kịp thời và không để lại hậu quả đáng tiếc.
T.N chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp đã được giúp đỡ, từ đó vượt qua khủng hoảng nhờ hệ thống tương tác hỗ trợ các vấn đề về quyền trẻ em của QNACR.
NGƯỜI GIEO MẦM YÊU THƯƠNG
Năm nay đã 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Luận vẫn tỏ ra minh mẫn và đặc biệt năng nổ với các hoạt động xã hội. Từ gần 10 năm nay, bà Luận là người sáng lập, kiêm Chủ tịch điều hành Liên Chi hội Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Quảng Ninh. Cùng với các thành viên khác, bà đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm bảo vệ quyền trẻ em tại vùng Mỏ nói riêng, cả nước nói chung.
Cơ duyên đưa bà tới công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” xuất phát từ một cháu bé bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Sau lần vô tình gặp gỡ, hình ảnh cháu bé cứ trở đi trở lại trong tâm trí bà. Về sau, khi có dịp tiếp xúc nhiều hơn với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bà nhận thấy bản thân mình cần phải làm điều gì đó để mang lại những điều tốt đẹp cho các em.
Bà Nguyễn Thị Luận (thứ ba từ bên trái sang) trong một hoạt động của Liên Chi hội bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Quảng Ninh. |
Năm 2015, với sự nỗ lực của bà và các cộng sự, Liên Chi hội Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh Quảng Ninh (QNACR) chính thức ra đời. Đây là một tổ chức xã hội tập hợp, đoàn kết những cá nhân, tổ chức có tâm huyết, tự nguyện hoạt động, với mục đích giúp cho trẻ em được hưởng các quyền cơ bản; tham gia ngăn chặn mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em. Tính tới nay, QNACR có các cơ sở hoạt động tại 4 thành phố, 2 thị xã và 8 huyện trong toàn tỉnh với 13 Chi hội, 2 CLB trực thuộc và hơn 500 hội viên.
Kể từ khi thành lập, mỗi năm, chi hội đã kết nối với hàng nghìn trẻ em, các nhà giáo dục, những người hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, các doanh nhân, nữ tri thức nhằm thúc đẩy quyền trẻ em tại Quảng Ninh cũng như trong cả nước. Hoạt động của các chi hội đã góp phần tích cực trong công tác chăm sóc và bảo vệ quyền trẻ em.
Dưới sự điều hành của bà Luận, Liên Chi hội cũng đã phối hợp với các đơn vị, tổ chức xây dựng các mô hình như: CLB Robotics Quảng Ninh; CLB Phóng viên nhỏ Hạ Long; phối hợp cùng Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Công ty CP Cảng Quảng Ninh tổ chức Cuộc vận động “Những ô cửa xanh - Hành trình kết nối yêu thương” với chuỗi các hoạt động. Sự tích cực, khát khao được chia sẻ những yêu thương tới trẻ em của bà Luận đã nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của các thành viên Liên Chi hội và nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
QNACR đã đồng hành cùng trẻ em Quảng Ninh trong suốt 8 năm qua. |
Mang tâm niệm phụ nữ và trẻ em rất cần được quan tâm, bảo vệ và che chở, bà Luận luôn mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình cùng với cộng đồng chung tay hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội hòa nhập cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống.
Với những đóng góp của mình cho hoạt động chia sẻ, bảo vệ trẻ em, bà Luận đã nhận được nhiều khen thưởng, như Huy chương Chiến sĩ vẻ vang của Chủ tịch Nước, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Bằng khen của Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam; được công nhận là Nữ trí thức Việt Nam tiêu biểu giai đoạn 2016-2018; giải Ba Báo cáo viên Hội nghị Nữ khoa học và công nghệ toàn quốc lần thứ nhất năm 2019.
KHI CÔNG NGHỆ HỖ TRỢ TRẺ EM KẾT NỐI VÀ BẢO VỆ CHÍNH MÌNH...
Một trong những sáng kiến quan trọng của QNACR sau 8 năm hoạt động chính là Hệ thống tương tác và hỗ trợ các vấn đề về quyền trẻ em.
Theo Chủ tịch QNACR, trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển của công nghệ số đã và đang diễn ra ở khắp mọi vùng miền của đất nước. Do đó, trẻ em sớm có kỹ năng số sẽ có được nhiều lợi thế trong học tập, hoạt động xã hội và tạo tiền đề cho phát triển nghề nghiệp sau này. Bên cạnh đó, qua thực tế tiếp xúc, bà Luận nhận thấy: Trong môi trường hiện đại, trẻ em đang đối mặt với nhiều áp lực từ xã hội, cũng như chính sự kỳ vọng của người thân, gia đình.
“Không ít em tâm sự rằng 'con đã cố gắng rồi mà điểm số vẫn không được như mẹ mong muốn', 'đến bao giờ con mới được làm điều con mong muốn ạ?”, “con mong bố hãy lắng nghe con dù chỉ một lần'. Chính những chia sẻ thầm kín của các em đã thôi thúc QNACR nhanh chóng nghiên cứu và đưa vào triển khai hệ thống tương tác và hỗ trợ các vấn đề về quyền trẻ em tại Quảng Ninh sớm đi vào hoạt động”, Chủ tịch QNACR nói.
Đại diện QNACR trao học bổng cho học sinh tại huyện Bình Liêu nhân dịp năm học mới. |
Hệ thống tương tác và hỗ trợ các vấn đề về quyền trẻ em bao gồm 3 ứng dụng: Trang thông tin điện tử tổng hợp dành cho trẻ em, phần mềm trực tuyến và các trang mạng xã hội giúp thu hẹp khoảng cách số; đồng thời, đáp ứng tối đa khả năng tiếp cận và tương tác đến mọi đối tượng quan tâm đến các vấn đề về bảo vệ quyền trẻ em, cũng như phát triển kỹ năng số cho trẻ em ở Quảng Ninh.
Giải thích rõ hơn, Chủ tịch QNACR cho biết, trọng điểm của dự án chính là việc xây dựng thành công trang tin điện tử đầu tiên dành cho đối tượng trẻ em tại Quảng Ninh có địa chỉ truy cập https://treemhalong.vn, do bà Luận là người trực tiếp phụ trách hoạt động.
Kênh thông tin đã góp phần xây dựng một hệ thống thư viện thông tin tổng hợp dành riêng cho đối tượng chuyên biệt trẻ em, nhằm cung cấp thông tin về đời sống, xã hội, các vấn đề thiết thực liên quan đến trẻ em như: giáo dục, y tế, kỹ năng sống, trẻ em thế giới, giải trí,... cung cấp các thông tin về chính sách, pháp luật, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, tạo một diễn đàn để trẻ em Quảng Ninh nói lên tiếng nói, quan điểm của chính mình về các vấn đề của trẻ em. Đồng thời, tạo cơ hội để các em mở rộng kết nối, phát triển tài năng và là nơi chia sẻ, đồng cảm, cộng cảm của phụ huynh đối với con em mình.
Giao diện trang tin điện tử treemhalong.vn. |
Trang tin điện tử cũng là cầu nối thông tin giữa các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quan tâm đến đối tượng trẻ em nói chung, trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Từ đó kêu gọi hỗ trợ, sự chung tay góp sức của cộng đồng trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em tại Quảng Ninh.
Bên cạnh trang tin điện tử kể trên, QNACR cũng đã chủ động xây dựng các trang mạng xã hội trên các mạng xã hội phổ biến và có nhiều lượt người dùng tại Việt Nam, bao gồm Facebook, Youtube và Zalo. Hệ thống này giúp QNACR tiếp cận nhiều đối tượng hơn để phổ biến chính sách, pháp luật, công ước và thông tin về quyền trẻ em, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Đặc biệt, các mạng xã hội là kênh quan trọng để tiếp nhận các phản ánh, tố cáo về các vụ việc, hành vi vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là xâm hại trẻ em, một vấn đề nhạy cảm; đồng thời kết nối đến các đối tượng tham gia hoạt động về quyền trẻ em do Liên Chi hội tổ chức qua các nhóm Zalo chat để việc tuyên truyền, vận động được hiệu quả hơn.
HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH MỚI
Thực tế thời gian qua, Liên Chi hội đã tiếp nhận được nhiều phản hồi và xin trợ giúp từ trẻ em qua các kênh truyền thông. Bà Luận vẫn chưa thể quên trường hợp của em P.T.N (sinh năm 2005) tại xã Bắc Sơn, Móng Cái. Bé là nạn nhân của hành vi quấy rối tình dục và xúc phạm bằng lời nói. Thông qua mạng xã hội, P.T.N đã kết nối được với Facebook của đơn vị.
Nhờ đó, Liên Chi hội đã kịp thời nắm bắt tình hình, tư vấn tâm lý cho em, đồng thời có cơ sở để gửi văn bản thông tin đến các cơ quan, ban ngành, đoàn thể để làm rõ và giải quyết vụ việc của em. Đến nay, P.T.N đã cảm thấy an tâm và đã quay trở lại cuộc sống, sinh hoạt bình thường như trước.
Bà Luận trao quà cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Quảng Ninh. |
Bên cạnh đó là trường hợp của em B.T.M (SN 2007) tại Hồng Gai, Hạ Long. Em B.T.M phải chịu tác động tâm lý từ chính những câu nói của mẹ do kết quả học tập không được như ý. Sau khi tìm kiếm các đơn vị bảo vệ trẻ em trên Facebook, em B.T.M đã tìm ra fanpage của Liên Chi hội, nhắn tin vào hộp thoại về trường hợp của bản thân và xin được tư vấn.
Liên Chi hội đã kết nối em B.T.M với chuyên gia tư vấn tâm lý của đơn vị thông qua Zalo, qua trao đổi tương tác và tư vấn hằng ngày, em B.T.M đã tháo gỡ được những khó khăn của bản thân.
Đánh giá về hiệu quả của sáng kiến, bà Luận cho biết: Từ khi ra đời, Hệ thống tương tác và hỗ trợ các vấn đề về quyền trẻ em xác định mục tiêu và sứ mệnh: Kết nối-Thực thi-Đào tạo. Các mục tiêu này tạo thành một vòng tròn vàng khép kín, xuất phát điểm với đối tượng thụ hưởng chính là trẻ em, các dự án, chương trình hành động được triển khai triệt để, tác động một cách bền vững, thông qua việc tiếp nhận các vấn đề nổi trội tại hệ thống tương tác và hỗ trợ các vấn đề về quyền trẻ em.
Hệ thống tương tác và hỗ trợ các vấn đề về quyền trẻ em đã giúp trẻ em có thêm công cụ để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng xã hội. (Ảnh minh họa) |
“Công nghệ số hiện đang phát triển và thay đổi nhanh chóng hơn bao giờ hết. Trong thời gian tới đây, Liên Chi hội sẽ nỗ lực cập nhật thường xuyên những thay đổi của công nghệ để điều chỉnh cách thức tiếp cận và là người đồng hành hỗ trợ trẻ em nhằm đạt hiệu quả cao nhất, tiến đến tạo dựng một môi trường xã hội phát triển tốt nhất dành cho trẻ em”, Chủ tịch Liên Chi hội Nguyễn Thị Luận bày tỏ.
“Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize” do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp cùng sự đồng hành của ngân hàng TMCP Bắc Á, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).
Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững. Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org
Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize