Khi tấm màn màu xanh dương được kéo lên, phía trên sân khấu, một chú rối trong trang phục quần áo đỏ bắt đầu nhảy múa trên nền nhạc rộn ràng.
“Chào các bạn! Rất vui được gặp các bạn. Tôi là Minh. Các bạn có biết rằng, mỗi chúng ta, ai cũng quý giá không? Thế mà có những kẻ xấu lại làm hại thân thể quan trọng của chúng ta đấy!”
Chú rối vừa lắc lư, vừa cất lời. Phía dưới, hàng chục cô bé, cậu bé tròn xoe mắt, xôn xao hồi đáp đầy hào hứng.
Đó là một hoạt cảnh mà những người thực hiện dự án Kịch rối chống xâm hại trẻ em của tổ chức Good Neighbors vẫn thường gặp khi tới các điểm trường khắp miền bắc. Thông qua cách tiếp cận thú vị và đặc biệt này, trong suốt gần 9 năm qua, nhiều kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em đã được truyền đi một cách hiệu quả.
DẠY TRẺ BIẾT PHẢN KHÁNG BẰNG CÂU CHUYỆN CỦA... BÚP BÊ
Sau rất nhiều thời gian chờ đợi, show diễn của những chú búp bê chính thức đã được bắt đầu…
Phía dưới khoảng sân rộng của trường học, lũ trẻ mở to mắt, háo hức nhìn về phía sân khấu đang được kéo dần lên. Từ phía trong, “cô” rối nhỏ mang tên Hoa xuất hiện. Trở về nhà sau khi tan trường, cô bé vừa đi, vừa hát: “Trên thế giới này, chỉ có một người như ta. Ta phải bảo vệ cơ thể ta”.
Lúc này, từ phía xa, một “chú” búp bê lớn hơn dần tiến đến. Qua cuộc chuyện trò, Hoa nhận ra đây là người quen với ba mẹ mình, nên đồng ý đi cùng về nhà. Nhưng khi tới một đoạn đường vắng, “búp bê chú” đã cố gắng tìm cách xâm hại Hoa khiến cô bé òa khóc.
Một tình huống thực tế trong "show diễn" giáo dục của những chú búp bê. (Ảnh: GNI) |
May mắn, đúng vào khoảnh khắc ấy, Hoa nhớ lại lời cô giáo dạy: “Cho dù là người con quen cũng không được phép động vào người con đâu. Con phải nói dõng dạc: Cháu không thích! Chú đừng làm vậy! Sau đó con hãy chạy thật nhanh đi tìm người lớn”. Chính bài học ấy đã khiến cô bé vùng thoát ra khỏi tay “búp bê chú” kịp thời.
Phía dưới, lũ trẻ xôn xao bàn bạc về tình huống vừa xảy ra trên sân khấu. Ai cũng bảo: Nếu là tớ, tớ sẽ làm thế này này. Rồi: Chúng ta nên đi cùng nhau mỗi lúc đi học về nhé…
Chia sẻ về cách thức truyền thông kiến thức giới tính khá đặc biệt này, chị Nguyễn Thị Hiên, đại diện của Good Neighbors (GNI) cho hay: Xâm hại tình dục trẻ em hay xâm hại trẻ em nói chung là một trong những vấn đề báo động tại Việt Nam.
Dẫn báo cáo của Bộ Công an, đại diện GNI thông tin: Năm 2014 có 1.544 vụ xâm hại tình dục trẻ em; 1355 vụ năm 2015; 1248 vụ năm 2016 và đến năm 2017 là 1.370 vụ việc được phát hiện và báo cáo. Con số này chưa thực sự phản ánh đúng thực trạng khi mà trên thực tế, có rất nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại không được phát hiện hoặc không báo cáo.
Báo cáo của UNDP năm 2019, 9 tuổi là độ tuổi trung bình mà trẻ em bị xâm hại tình dục trên toàn thế giới trong đó, cứ 4 bé gái có 1 bé bị xâm hại tình dục, cứ 6 bé trai có 1 bé bị xâm hại tình dục, trung bình cứ 8 tiếng lại có thêm một trẻ em bị xâm hại tình dục và đặc biệt 93% đối tượng phạm tội là người thân quen với gia đình nạn nhân, 47% thủ phạm là người thân của nạn nhân.
Trước thực trạng đó, từ năm 2014, tổ chức Good Neighbors đã phát triển một dự án giáo dục trực quan, mang tên “Kịch rối phòng chống xâm hại trẻ em” (GPS).
“Chúng tôi hiểu và tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em trong đó có quyền được bảo vệ. Trẻ em theo Luật trẻ em tại Việt Nam là những người dưới 16 tuổi; giai đoạn mà các em chưa hoàn thiện cả về sự phát triển thể chất, tâm lý và xã hội. Hậu quả của xâm hại nói chung và xâm hại tình dục nói riêng ảnh hưởng rất lớn đến sự hoàn thiện nhân cách của trẻ, cách trẻ tự nhìn nhận và đánh giá bản thân, sự sai lệch về nhận thức hay dẫn đến các tổn thương tâm lý kéo dài đến giai đoạn trưởng thành và sau đó”, chị Hiên nói.
Ngay sau khi dự án ra đời, ở những điểm trường đầu tiên, GPS đã thu hút sự quan tâm của nhiều đối tượng, tầng lớp trong xã hội. Ban đầu, nhiều người không khỏi thắc mắc, tại sao dự án lại sử dụng kịch rối và búp bê để giáo dục phòng, chống xâm hại trẻ em?
Những nhân vật trong các show diễn của búp bê là bạn bè, người lớn... chung quanh trẻ. (Ảnh: GNI) |
Chị Hiên giải thích thêm: Khi trẻ bắt đầu đi học sẽ tiếp xúc nhiều hơn với thế giới. Đây cũng là lúc trẻ bắt đầu phát triển khả năng tự đánh giá, làm chủ hành vi của mình; đồng thời đối diện với nhiều nguy cơ hơn. Do đó, giai đoạn này đặc biệt phù hợp để trang bị những kiến thức về cơ thể, các khu vực nhạy cảm, hay các hình thức xâm hại có thể gặp ngay trong đời sống để trẻ hình thành ý thức và phản xạ tự bảo vệ bản thân.
Một trong những trăn trở của chúng tôi đó là làm sao có thể tìm kiếm đơn vị thiết kế và sản xuất nhân vật rối phù hợp về chất lượng cũng như gần gũi với người Việt. Hiện tại các bộ công cụ vẫn được đặt trực tiếp tại Hàn Quốc và cũng khá khó khăn để sản xuất thêm nhân vật mới với chi phí cao vào thời gian lâu.Chị Nguyễn Thị Hiên, đại diện dự án
Bên cạnh đó, việc giáo dục các kỹ năng an toàn nếu đi theo “lối mòn” sẽ khiến trẻ không thực sự hứng thú khi tiếp thu. Chính vì vậy, đội ngũ thực hiện dự án đã quyết định chọn kích rối, sử dụng những chú búp bê gần gũi để thu hút sự chú ý, khơi dậy hứng thú của trẻ với các bài giảng.
“Các nhân vật được xây dựng dựa trên các mối quan hệ hàng ngày của trẻ như mẹ-con; bạn bè; chú-cháu; cô giáo-học sinh,… Thiết kế linh hoạt về chân, tay, miệng,… cũng tạo nên sự sinh động của nhân vật cùng với cốt truyện thực tế, hiệu ứng âm thanh chân thực giúp các em cảm thấy gần gũi và thân thuộc. Điều này thu hút và duy trì sự tập trung của các em cũng như giúp các em liên tưởng tốt hơn đến các trường hợp thực tế của bản thân mình từ đó có thể tiếp thu một cách tự nhiên và ghi nhớ nội dung lâu hơn”, đại diện GNI chia sẻ.
Theo chị Hiên, một trong những khó khăn lớn nhất trong giai đoạn đầu tiên của dự án là thiết kế nội dung bài dạy.
Các em học sinh hào hứng với những màn kịch rối. (Ảnh: GNI) |
“Trong chương trình đề cập đến tên khoa học của các bộ phận quan trọng trên cơ thể của bạn nam và bạn nữ thông qua quy tắc đồ bơi. Điều này cũng khiến nhiều người e ngại vì đề cập trực tiếp đến các bộ phận “nhạy cảm” trên cơ thể. Vậy nên, sẽ cần nhiều thời gian hơn để nâng cao nhận thức chung của cộng đồng và chứng minh hiệu quả của chương trình đối với trẻ em hưởng lợi”, đại diện GNI chia sẻ.
Mặc dù, sẽ dễ dàng hơn cho trẻ khi nhớ tên các bộ phận sinh dục theo tên gọi ở nhà, tên gọi dân gian... Tuy nhiên, ở mặt khác, những tên gọi quen thuộc này, tại một số khu vực dự án của GNI, cũng thường xuyên xuất hiện trong các câu nói tục, câu chửi bậy hay các câu chuyện đùa mang tính dục…
Điều này có thể dẫn đến các suy nghĩ lệch lạc của trẻ về chức năng, vai trò và ý nghĩa của bộ phận sinh dục cũng như thiếu cởi mở, e ngại khi cần đề cập đến trong một số trường hợp cần thiết. Từ đó, GNI quyết định sử dụng tên khoa học của các bộ phận này trong việc giáo dục trẻ cũng như phổ biến đến các giáo viên, cha mẹ học sinh cùng tham gia chương trình để người lớn cũng có góc nhìn nghiêm túc hơn về vấn đề này.
Bên cạnh các show diễn thú vị, GNI cũng đồng bộ giảng dạy về Quyền trẻ em và Bảo vệ trẻ em cho các học sinh cấp tiểu học. (Ảnh: GNI) |
Bên cạnh đó, để hình thành kỹ năng thành thục, trẻ cần có sự thực hành nhắc lại thường xuyên. Những năm đầu tiên, với tần suất tổ chức 1 lần/năm thì trẻ thường quên nhiều kiến thức và kỹ năng, chương trình chưa cho thấy được hiệu quả rõ rệt. Để đạt được hiệu quả lâu dài, Kịch rối phòng chống xâm hại trẻ em chỉ là bước khởi đầu.
“Cho đến nay, GNI đã đồng bộ giảng dạy 3 chương trình về Quyền trẻ em và Bảo vệ trẻ em cho toàn bộ 5 khối của cấp tiểu học nhằm đảo bảo kiến thức và các kỹ năng của các em được nhắc lại thường xuyên và mở rộng theo lứa tuổi”, chị Hiên thông tin thêm.
HÀNH TRÌNH GẦN 10 NĂM KHÔNG NGỪNG NGHỈ
Trong hành trình suốt gần 10 năm qua, những cán bộ, tình nguyện viên của dự án đã vượt qua rất nhiều khó khăn để đem những “show diễn” thú vị tới với các bạn nhỏ. Họ không ngại núi cao, đèo dốc; không ngại nắng mưa, cách trở để bền bỉ thực hiện phần việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” của mình.
Chính nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, tính từ năm 2014 tới nay, GNI đã triển khai đồng bộ hàng trăm show diễn tại các trường tiểu học thuộc địa bàn dự án tại Hà Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thanh Hóa. Hiện nay, GNI đã bắt đầu mở rộng triển khai ra các trường ngoài dự án tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Những kết quả đạt được trong hành trình bền bỉ kéo dài gần 10 năm... (Ảnh: GNI) |
“Hiện chúng tôi đã triển khai được 536 buổi biểu diễn kịch rối phòng, chống xâm hại trẻ em trên 176 trường học với 69.000 lượt học sinh tham gia”, đại diện dự án cho biết.
Về kết cấu, các buổi diễn sẽ tập trung vào 2 màn kịch chính. Màn kịch thứ nhất là về “Tình huống xâm hại tình dục”, từ đó giáo viên tổng kết nội dung và giảng dạy về “Quy tắc đồ bơi”, quy tắc “3 bước bảo vệ bản thân”.
Màn kịch thứ hai là “Tình huống dụ dỗ bắt cóc”, sau khi trình diễn xong giáo viên tổng kết, hướng dẫn quy tắc “Khi có người lạ, người quen rủ đi chơi”, và thực hành một số tình huống như: Từ chối sự nhờ vả từ người lạ mặt, phản kháng mạnh mẽ khi bị động chạm/sờ mó cơ thể; bỏ chạy kịp thời và nhấn mạnh việc trẻ nhất định phải báo lại sự việc cho bố mẹ hoặc giáo viên… Từ đó, trẻ hình thành thói quen biết cách đối phó thích hợp.
Một "show diễn" của búp bê dành riêng cho trẻ em của GNI. (Ảnh: GNI) |
Điều đáng mừng là ngay từ ngày đầu khi dự án được triển khai, các em học sinh đã đón nhận các “show diễn” với niềm háo hức, tò mò lớn, đặc biệt là ở những điểm trường khu vực nông thôn, miền núi.
Chị Vũ Thị Thùy Dương, cán bộ phụ trách của dự án vẫn chưa thể quên kỷ niệm tại một điểm trường tại Hà Giang. Trong lần đầu tiên biểu diễn, cả căn phòng nhỏ đã được lấp đầy không chỉ bởi các em học sinh mà còn cả cha mẹ và những người dân trong bản. Đây là điều khiến đội ngũ thực hiện rất bất ngờ bởi sự quan tâm của các bậc phụ huynh trong việc nâng cao kỹ năng cũng như các biện pháp bảo vệ trẻ em ở những nơi điều kiện còn nhiều hạn chế.
Đánh giá hiệu quả chương trình, thầy Phạm Duy, Hiệu trưởng trường Trung học và Trung học cơ sở Bắc Sơn (Tân Lạc, Hòa Bình) cho hay: "Đây là chương trình kịch rối đầu tiên mà các em học sinh ở trường được xem. Các em ở đây có kinh tế khó khăn, xa thị trấn (hơn 25km), điều kiện tiếp cận và học hỏi kiến thức và kỹ năng về phòng chống xâm hại hạn chế. Nhờ có GNI đem chương trình kịch rối đến đây để các em có thêm kiến thức bổ ích".
Cô Hồng Mai, giáo viên trường Marie Curie (Hà Nội) tâm đắc: “Trước khi tham gia chương trình, các con đã vô cùng hào hứng. Đến khi xem kịch, các con rất tập trung lắng nghe và sôi nổi trả lời các câu hỏi mà ban tổ chức đưa ra. Các con nhớ rất rõ những bộ phận quan trọng của cơ thể nam, nữ; cũng như một số kỹ năng phòng, chống xâm hại. Chương trình rất bổ ích và ý nghĩa. Với hình thức kịch rối, các con đã được tiếp nhận nguồn kiến thức khoa học một cách gần gũi, dễ hiểu và dễ nhớ”.
Phần tương tác với các khán giả nhí trong một show diễn giáo dục kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em. (Ảnh: GNI) |
Trong khi đó, đại diện trường Tiểu học và trung học cơ sở Gia Mô (Hòa Bình) đánh giá: "Các tiết học của dự án rất hay, có công cụ trực quan nên các em dễ tiếp thu hơn. Nhà trường mong muốn dự án sẽ tiếp tục đưa chương trình giảng dạy này đến với học sinh và mở rộng hơn với học sinh toàn trường để tất cả các em đều biết về các kiến thức Quyền trẻ em."
Riêng với những người… múa rối của GNI, có lẽ không niềm vui nào sánh bằng việc GPS đã trở thành 1 chương trình thường niên hàng năm của các em HS khối 1,2 không chỉ ở các trường địa bàn dự án của GNI mà còn mở rộng tại các trường trong và ngoại thành Hà Nội khác.
“Đối với chúng tôi, đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy sự chuyển biển của nhiều CMHS, Nhà trường trong việc quan tâm nhiều hơn đến sự an toàn của trẻ em trong bối cảnh xã hội hiện nay”, chị Hiên nói.
Ngày mai, những show múa rối chống xâm hại trẻ em sẽ lại được bắt đầu…
“Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize” do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp cùng sự đồng hành của ngân hàng TMCP Bắc Á, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).
Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững. Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org
Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize