Khát vọng của cô gái Cơ Tu

“Vườn đảng sâm của em trên đồi, lên đấy năm phút thôi. Anh chị lên thăm vườn, góp ý cho em nhé”, cô gái người Cơ Tu Koor Thị Nghệ tha thiết. Dường như sợ khách đổi ý, vừa nói đôi chân Nghệ thoăn thoắt dẫn đường. Cuối tháng mười, xã Ga Ri, huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam vào mùa mưa, đường dốc núi trơn trượt làm nhụt chí những người muốn lên đỉnh núi. “Năm phút nữa thôi ạ”, chất giọng rắn rỏi của Nghệ tiếp sức cho mọi người vượt núi cao.
0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Rừng Xanh Rau Sạch Koor Thị Nghệ bên vườn dược liệu vùng núi huyện Tây Giang.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Rừng Xanh Rau Sạch Koor Thị Nghệ bên vườn dược liệu vùng núi huyện Tây Giang.

Nghệ “năm phút”

Con đường mòn từ dưới đường cái quan liên xã lên núi hẹp, chỉ đủ lối cho từng người đi qua. Phía dưới dốc nhìn lên, đồi núi dựng đứng. Mùa mưa nước suối lẫn nước mưa làm con đường bùn trơn nguy hiểm. Mưa liên tục những ngày trước khiến rừng ẩm ướt, xơ xác hơn.

Koor Thị Nghệ đi trước dẫn đường, khoảng mười phút lên quả đồi đầu tiên. Vườn gừng sẻ và chuối của hộ dân vừa thu hoạch còn ngổn ngang cây, lá nằm la liệt. Nghỉ chân chốc lát, Nghệ tiếp tục hành trình lên vườn đảng sâm, vườn dược liệu dưới tán rừng của mình.

Qua con suối và băng rừng cây nguyên sinh, chặng đường lên đỉnh núi thêm ba mươi phút nữa đến vườn dược liệu của Nghệ. Căn nhà nhỏ là nơi ở của vợ chồng chị gái Nghệ mỗi khi lên rừng chăm sóc, thu hoạch cây trái.

Vườn đảng sâm khoảng 2.000m2 xanh mướt. Dây và lá sâm quấn chặt nhau nằm rạp dưới mặt đất tạo thành lớp thảm xanh dưới tán rừng. “Vườn bên kia đẹp hơn nữa chị ạ”, vừa nói chân Nghệ đã băng qua rừng cây già. Đi thêm quãng núi, một vườn đảng sâm nữa hiện ra. Vườn đảng sâm thứ hai xanh mướt, lá to và dày hơn phủ dày trên mặt đất và bán trên các cây khô giữa rừng. Vườn đảng sâm dưới tán rừng như thảm cỏ xanh phủ trên đỉnh núi biên giới.

Sinh ra ở rừng núi cao biên giới tỉnh Quảng Nam, cô gái người Cơ Tu Koor Thị Nghệ theo học Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam. Trở về xã biên giới Ga Ri Nghệ nhìn rừng, nhìn làng. Nơi đây, đồng bào Cơ Tu còn nghèo khó, nông sản của rừng không có nơi tiêu thụ. Mong được thoát nghèo, có của ăn, của để với đồng bào, nhất là phụ nữ Cơ Tu ở xã Ga Ri, huyện biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam còn nhọc nhằn. Nghệ muốn dựa vào núi rừng ấp ủ khát vọng đổi đời.

Khát vọng của cô gái Cơ Tu ảnh 1

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tây Giang cùng các thành viên Hợp tác xã thăm mô hình dược liệu từ nguồn vốn vay chính sách

Thông tin, dữ liệu trên internet, tìm vốn từ các chính sách… Nghệ bắt đầu chuyện nông sản ở làng. Mạnh dạn vay vốn, cô gái Cơ Tu trồng đảng sâm, gừng, trồng măng, cam, chuối…Vườn dược liệu, nông sản đa dạng sản phẩm dần hình thành.

Nước da ngăm đen, tinh thần, ý chí quyết tâm trong ánh mắt sáng cô gái Koor Thị Nghệ. “Ở đây nông sản nhiều lắm, chuối, táo mèo, măng, gừng… chưa kịp bán về xuôi là đổ bỏ. Vợ chồng em vay tiền mua máy sấy nông sản đầu tiên hơn mười triệu đồng. Ngoài việc bán hàng tươi, thì em thu mua của bà con sấy khô, đóng gói”, Nghệ nhớ lại.

Máy sấy đầu tiên của Nghệ là “cuộc cách mạng” ở làng biên giới, khi chuyện trái cây tươi từng hư hỏng, đổ bỏ đã trở thành quá khứ. Thu mua sản phẩm của bà con, sấy khô, đóng gói Nghệ tìm cách bán cho các cửa hàng đặc sản trong tỉnh và đến thành phố du lịch Đà Nẵng.

“Ai lên thăm vườn Nghệ cũng bảo năm phút. Nếu nói xa, leo núi cao nhiều người sẽ ngại đi. Vườn sâm, dược liệu thường trên đỉnh đồi, núi gần cũng mất ba bốn mươi phút. Anh em hay bảo “Nghệ năm phút”, một cán bộ xã Ga Ri giải thích.

Nắm tay cùng bà con vùng biên giới

Giúp bà con trong thôn thay đổi thói quen tự trồng trọt, tiêu dùng để đưa nông sản thành hàng hóa là ước muốn lớn của Nghệ. Sau những ngày giải thích, hướng dẫn bà con Cơ Tu trong thôn liên kết cùng Nghệ mở rộng diện tích trồng dược liệu, vườn cam, chuối, măng… Tìm nơi tiêu thụ, tất cả nông sản từ rừng bà con thu hoạch được Nghệ thu mua, sấy và chuyển về xuôi. “Chị Nghệ giỏi lắm, biết tập hợp chị em, rồi đứng ra thu mua nông sản cho bà con. Việc gì chị cũng đi đầu, hướng dẫn, giúp đỡ bà con trong thôn. Giờ vào hợp tác xã cũng thay đổi nhiều, không còn lo thất nghiệp, nghèo khó như trước kia”, chị Pơ Loong Thị Mới, thôn Ating, xã Ga ri bộc bạch.

Thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Rừng Xanh Rau Sạch với 21 xã viên đều là đồng bào Cơ Tu trong xã, Giám đốc Koor Thị Nghệ tận tình hướng dẫn cách trồng, chăm sóc măng để đạt năng suất, sản lượng cao nhất. Đồng thời, chia sẻ kiến thức giúp chị em hiểu cùng gắn bó với hợp tác xã, khai thác sản vật nông sản sạch trong rừng tự nhiên ở vùng biên giới Việt Lào để mang lại thu nhập.

Khát vọng của cô gái Cơ Tu ảnh 2
Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Rừng Xanh Rau Sạch với 21 xã viên chủ yếu là phụ nữ người Cơ Tu.

Sau hai năm gầy dựng, Hợp tác xã nông nghiệp sinh thái Rừng Xanh Rau Sạch thu mua và phân phối khoảng 40 đến 50 mặt hàng nông, lâm đặc sản vùng cao. Với sản phẩm đa dạng và giá bán ổn định, các thành viên hợp tác xã có thu nhập từ 7-10 triệu đồng mỗi tháng.

Nguồn nông sản ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng uy tín được nhiều nơi tiêu thụ, Nghệ mạnh dạn vay 600 triệu đồng để đầu tư hệ thống máy sấy nông sản.

Nữ Giám đốc hợp tác xã mở rộng 4 ha cam bản địa, táo mèo, bưởi da xanh trên vùng biên giới. Hợp tác xã của cô gái người Cơ Tu mở thêm quầy hàng nông sản, thổ cẩm ở thành phố Đà Nẵng. Những mặt hàng tiêu biểu của bà con dân tộc Cơ Tu, thực phẩm đặc sắc như thịt trâu gác bếp, thịt heo xông khói, bắp nếp, dứa mật... được nhiều nơi đón nhận.

Mình chịu khó đi đầu. Có khó khăn mấy cũng không được lùi bước, vì còn nhiều chị em, bà con làng bản đi sau mình. Mong ước nhất là làm sao để bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm tự cung tự cấp trong thôn, xã chuyển sang mua bán hàng hóa thì mới thoát nghèo, mới làm ăn khá hơn ở vùng biên giới này”, Nghệ mơ ước.

Nông sản sạch, an toàn của Nghệ và bà con xã Ga Ri có mặt tại các hội chợ, triển lãm ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Và Nghệ đang có nhiều dự định để đưa nông sản sạch của đồng bào miền núi huyện Tây Giang đến với thị trường rộng lớn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. “Nghệ là một tấm gương sáng của phụ nữ xã Ga ri nói chung và phụ nữ huyện Tây Giang nói riêng. Hội cùng nhiều đơn vị hỗ trợ Nghệ vay vốn, kinh nghiệm sản xuất, làm ăn. Chúng tôi cũng đưa hội viên đến để tham quan mô hình hợp tác xã của chị Nghệ để chia sẻ, nhân rộng”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam Briu Thị Nem chia sẻ.

Khát vọng đổi mới cuộc sống chốn rừng sâu cùng ước muốn làm giàu từ rừng vẫn cháy trong đôi mắt của cô gái Cơ Tu Koor Thị Nghệ. Khát vọng ấy luôn được tiếp sức để Nghệ cùng người dân Cơ Tu miền biên giới sát cánh trên đường đi tìm cuộc sống tươi sáng.