Gia Lai có diện tích tự nhiên lớn thứ hai cả nước. Tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp của tỉnh hơn 1,4 triệu ha (trong đó có gần 838.000 ha đất sản xuất nông nghiệp). Tỉnh hiện có hơn 100.000 ha cà-phê, sản lượng hơn 315.000 tấn/năm; hơn 7.700 ha hồ tiêu, sản lượng hơn 23.300 tấn/năm; hơn 84.000 ha cao su với sản lượng mủ khô hơn 79.000 tấn/năm; hơn 30.000 ha trái cây các loại (bơ, sầu riêng, chanh leo, chuối, nhãn, mít,...); gần 80.000 ha sắn với sản lượng hơn 1.611.000 tấn/năm… cùng nhiều loại nông sản khác là nguồn nguyên liệu phong phú cho chế biến và xuất khẩu hàng nông sản của tỉnh. Hoạt động xuất khẩu nông sản là một trong 3 lĩnh vực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, chiếm tỷ trọng khoảng trên 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp bằng định hướng thúc đẩy chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 20/1/2022 về phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20/1/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa 16) về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030, với quan điểm: thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để tạo đột phá phát triển kinh tế nông nghiệp nhanh và bền vững. Với định hướng nêu trên, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2020 đạt 580 triệu USD, năm 2021 đạt 630 triệu USD, năm 2022 đạt 660 triệu USD, năm 2023 đạt 680 triệu USD, năm 2024 ước đạt 750 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng nông sản như: Cà-phê, cao su, sắn lát, tiêu, sản phẩm gỗ..., đã có mặt trên thị trường 40 quốc gia. Một số ngành hàng đã đáp ứng được các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản..., điển hình là cà-phê với kim ngạch xuất khẩu trung bình 300 triệu USD/năm.
Hiện, Gia Lai có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, trong đó có 1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu (chiếm 50-60% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh) tiêu thụ phần lớn mặt hàng cà-phê nhân xô, sản phẩm gỗ... Thị trường châu Á chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu với các quốc gia: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia... tiêu thụ chủ yếu cao su, sắn lát, cà-phê, sản phẩm gỗ. Ngoài ra, Gia Lai có hơn 310 sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền tiêu biểu của tỉnh, chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại, có khả năng xuất khẩu như: Cà-phê, hồ tiêu, mật ong, hạt mắc-ca, hạt điều, tổ yến, chè xanh...
Gia Lai đã có nhiều chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, chuyển đổi số, phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị hàng nông sản đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, số lượng nhà máy chế biến nông sản còn ít, công suất nhỏ, hiệu quả thấp; số lượng doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt hội nhập kinh tế quốc tế chưa đáng kể. Bên cạnh đó, phần lớn nông dân vẫn chưa nhận thức đúng về thực hiện quy trình sản xuất khép kín từ cây trồng đến chăm sóc, thu hoạch, chế biến. Bình quân các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh qua chế biến chiếm khoảng 66,72%. Tỷ lệ chế biến sâu còn thấp, như cà-phê mới đạt 23%, hạt tiêu 23,2%, tinh bột mì hơn 5,4%... Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 239.246 ha diện tích các loại cây trồng thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; có 70 doanh nghiệp tham gia chuỗi, 95 hợp tác xã và hơn 23.806 hộ nông dân. Tuy nhiên, tính liên kết vẫn còn lỏng lẻo, chưa đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân nên hiệu ứng chưa cao. Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng về cơ cấu nông nghiệp của tỉnh chưa chuyển biến mạnh mẽ, chủ yếu tăng theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ, tăng năng suất, tạo ra khối lượng lớn, nhiều nhưng hiệu quả trên một đơn vị diện tích còn thấp; vẫn còn dựa vào thâm dụng tài nguyên, chế biến sâu còn hạn chế.
Nhận thức rõ tiềm năng, thế mạnh trong nông sản xuất khẩu, những năm qua, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã chủ trương xây dựng các chương trình thúc đẩy xuất khẩu nông sản địa phương. Sở Công thương tỉnh đã và đang xây dựng kịch bản làm video-clip cho từng sản phẩm chủ lực của tỉnh để giới thiệu, làm việc với tham tán thương mại, doanh nghiệp, các hiệp hội, trình chiếu tại nhà ga, sân bay, các khu thương mại và tham gia hội thảo về hợp tác phát triển thương mại, logistics với các nước. Nhiều chủ thể sản xuất các sản phẩm hồ tiêu, cà-phê, mật ong, hạt điều, chanh dây, bò khô, rượu đinh lăng… được quảng bá, giới thiệu, nghiên cứu, tìm hiểu thị trường mới. Để tiếp tục phát triển ngành hàng cây ăn quả, Gia Lai đã triển khai Đề án “Phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040”, mục tiêu là mở rộng diện tích cây ăn quả lên khoảng 55.000 ha vào năm 2025 và đạt khoảng 100.000 ha
vào năm 2040. Tỉnh khuyến khích doanh nghiệp và cá nhân đầu tư xây dựng để đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu, không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu sang các thị trường phát triển như EU, Mỹ, Australia và Nhật Bản. Tuy nhiên, theo đánh giá ở thời điểm hiện nay, so với tiềm năng, lợi thế của Gia Lai thì những kết quả đạt được trong sản xuất và xuất khẩu nông sản địa phương vẫn chưa đạt được kỳ vọng.
Để xuất khẩu nông sản tiềm năng thành hiện thực, tỉnh Gia Lai đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ chế biến bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa theo quy định của các FTA; tạo điều kiện tối đa về tài nguyên, chính sách hỗ trợ và tập trung phát triển hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao; chú trọng tổ chức các hoạt động liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ để tăng nguồn lực. Tỉnh chủ trương đa dạng hóa các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị bao gồm: Liên kết dọc từ doanh nghiệp đầu tàu đứng đầu chuỗi để dẫn dắt đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa phụ trợ, đến các hợp tác xã và nông dân; liên kết ngang gồm nông dân với nông dân chú ý thu hút các thương lái tham gia; liên kết chéo từ nhóm doanh nghiệp với hợp tác xã, doanh nghiệp với nông dân nhằm đa dạng hình thức liên kết và lợi ích; từng bước thu hút các nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước tham gia chuỗi liên kết. Tỉnh chú trọng thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics để tối giảm chi phí, thời gian và tiếp cận thị trường có lợi nhất để thiết lập mạng lưới dịch vụ trong các công đoạn từ chế biến, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ xuất khẩu; liên kết mạng lưới trong khu vực và tàu biển quốc tế sắp xếp sản phẩm cà-phê và các sản phẩm khác của Gia Lai xuất khẩu tại cảng biển gần nhất để tối đa hóa lợi nhuận.
Tỉnh Gia Lai tiếp tục quan tâm lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quảng bá thương hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, bảo hộ sản phẩm ra thị trường nước ngoài; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tính chủ động trong tìm hiểu thông tin, cơ chế, chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác hoặc phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại để xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai. Tỉnh cũng chú trọng đầu tư phát triển sản phẩm, nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh đáp ứng các quy định của thị trường về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc...; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng về ngoại ngữ, kỹ năng đàm phán, kỹ năng xúc tiến thương mại, nhất là có khả năng nắm bắt xu hướng tiêu dùng hiện đại, cập nhật công nghệ thông tin để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả ■