Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tây Giang

Là huyện biên giới của tỉnh Quảng Nam, Tây Giang thường xuyên chịu ảnh hưởng của sạt lở, lũ quét. Không để đồng bào Cơ Tu cùng bà con dân tộc thiểu số khác sống ở triền núi, sông suối có nguy cơ sạt lở, chính quyền địa phương lập làng mới, đưa dân về nơi an toàn. Với phương châm "lo xa để tránh họa gần", việc xây dựng làng mới và khu định cư không chỉ tạo nơi ở an toàn của nhân dân mà còn có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới Tây Giang.
0:00 / 0:00
0:00
Ðồng bào miền núi Tây Giang biểu diễn văn hóa truyền thống.
Ðồng bào miền núi Tây Giang biểu diễn văn hóa truyền thống.

Huyện Tây Giang có diện tích 91 nghìn ha, là nơi sinh sống của 14 dân tộc anh em; trong đó, người Cơ Tu chiếm 91%, và người Kinh, Mường, Tày, Thái, Tà ôi, Giẻ Triêng… Toàn huyện có 21.400 người sinh sống ở 10 xã, trong đó có tám xã biên giới. Do địa hình đồi núi cao, huyện Tây Giang thường xuyên đối diện sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Vì vậy, chính sách nhất quán trong nhiều năm về quy hoạch, sắp xếp dân cư tập trung gắn với sản xuất nông, lâm nghiệp đã định cư, định canh an toàn cho nhân dân nơi đây.

Di dời người dân về nơi an toàn

Dù đã bước vào mùa mưa nhưng bà con thôn Pơr’ning, xã Lăng vẫn hằng ngày chăn nuôi, đi về khu sản xuất chăm sóc cao su, nương rẫy. Khu dân cư thứ hai của thôn hoàn thành vào năm 2019, bà con Cơ Tu nơi đây không còn lo lắng, thấp thỏm di dời trước mỗi đợt mưa bão. Trưởng thôn Pơr’ning Bling Phát cho biết: Sau khi 45 hộ đầu tiên rời triền núi, định cư trên mặt bằng mới vào năm 2008, những năm sau đó, bà con sống vùng sạt lở, ven sông suối trong thôn tiếp tục chuyển về khi khu dân cư xây dựng hoàn thành.

Mươi năm trước, đồi Xombôn cao hơn 30m được san ủi, hạ thấp để lập làng mới Pơr’ning. Trên mặt bằng 2 ha này, bà con Cơ Tu nhận đất, làm nhà bao quanh làng. Ðường bê-tông trong làng nối với đường liên thôn, giữa làng là ngôi nhà truyền thống Gươl của đồng bào Cơ Tu được dựng nguyên bản. Nhà Gươl và không gian bên trong làng mới là nơi tổ chức lễ hội, sinh hoạt chung của thôn. Không còn cảnh sống rải rác ven triền núi, vùng nguy cơ sạt lở, 160 hộ dân thôn Pơr’ning về hai làng mới ở núi cao. Tuyến đường nối từ các thôn vào khu sản xuất của bà con sắp hoàn thành, giúp đồng bào nơi đây an cư, lạc nghiệp lâu dài.

Gần 70 tuổi, ông Cơlâu Cho’l cùng 6 người con và các cháu trải qua nhiều mùa mưa, bão lớn ở khu dân cư Pơr’ning. Chăn nuôi, trồng cao su, bao năm qua cuộc sống của gia đình ông bình yên ở vùng sâu cách trở này. Ông Cơlâu Cho’l nhớ lại, nơi ở cũ cách nơi đây hơn hai giờ đi bộ đường rừng, cũng là vùng khó khăn nhất xã Lăng. Thiếu nước uống, mùa mưa sạt lở núi đe dọa dân làng, việc học hành của con cháu nguy cơ bỏ dở nên ông quyết định đưa cả nhà về làng mới. Cứ mươi ngày, các con ông lại vào rừng chăm sóc, thu hoạch 3 ha cao su, ba kích rồi quay về làng. Tuổi già, ông an tâm với sự lựa chọn từ nhiều năm trước.

Cách đường biên giới Việt-Lào 4 km, dưới chân núi Arung, xã biên giới Tr’Hy có sáu thôn, hơn 340 hộ đồng bào Cơ Tu sinh sống. Ðồng chí Cơlâu Rinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tr’Hy cho biết: Bà con ở đây trồng quế, làm rẫy, chăn nuôi bò, dê ở vùng đồi đất dốc, rừng núi nhiều; nếu không sắp xếp, ở nương tựa nhau thì sạt lở, mất an toàn quanh vùng cao biên giới. Mỗi năm xây dựng một khu dân cư và bắt đầu từ vùng khó khăn nhất, đến nay sáu làng mới ở sáu thôn khang trang, an toàn cho 1.500 nhân khẩu. Bà con được tập trung về nơi ở mới, cuộc sống du canh, thưa thớt cùng nhiều hiểm nguy không còn nữa. Ðể giúp dân phát triển kinh tế, chính quyền địa phương đầu tư đường giao thông liên thôn vào khu sản xuất của nhân dân. Hiện hai tuyến đường từ làng mới vào vùng sản xuất thôn Voong và thôn Dâm đã hoàn thành, phục vụ vận chuyển hàng hóa và đi lại của bà con. Tiếp tục giải quyết nơi ở cho 41 gia đình trẻ mới tách hộ, chính quyền địa phương khảo sát, xây dựng khu dân cư ở thôn Achua trên diện tích 1,4 ha. Ðồng thời, hoàn thành ba tuyến đường từ làng vào khu sản xuất bảo đảm an cư, an toàn cho bà con vùng biên giới xã Tr’Hy, huyện Tây Giang.

Từng bước định canh, định cư bền vững

Huyện miền núi Tây Giang thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, đặc biệt là sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Cấp ủy, chính quyền huyện xác định công tác sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Không chỉ phòng, tránh sạt lở bảo đảm an toàn cho nhân dân; chủ trương này còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc, tác động trong phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn văn hóa làng bản và góp phần củng cố, giữ vững an ninh biên giới quốc gia.

Ðể triển khai công tác định canh, định cư cho nhân dân, huyện Tây Giang đưa ra các tiêu chí lập làng trên mặt bằng mới bảo đảm nhiều yếu tố về phong tục, tập quán, lối sống của đồng bào địa phương. Chọn nơi lập làng bảo đảm an toàn, do nhân dân lựa chọn; nơi ở mới phù hợp với văn hóa làng của đồng bào Cơ Tu, gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng, nhất là khu vực biên giới; làng mới gần khu sản xuất, chăn nuôi được quy hoạch tập trung; đầu tư hạ tầng ban đầu tuy lớn nhưng sẽ tạo được mặt bằng rộng để đầu tư các công trình dân sinh thiết yếu trong khu dân cư, tiết kiệm tối đa ngân sách nhà nước; ưu tiên đầu tư đối với thôn, xã vận động tốt, bà con đồng thuận hưởng ứng tạo lan tỏa cho nhiều vùng khác.

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", huyện vận động người dân hiến đất, hoa màu, di dời nhà cửa; đền bù, hỗ trợ một phần đối với ruộng, ao vườn bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền huyện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, chính sách của Trung ương, cấp tỉnh hợp lực để xây dựng làng bản, sắp xếp dân cư. Thực hiện từ năm 2006, với tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng, đến nay Tây Giang hoàn thành sắp xếp, bố trí dân cư tập trung trên 120 khu dân cư ở 68 thôn, với tổng diện tích gần 400 ha. Chiến lược dời làng thực hiện sau nhiều năm đã ổn định nơi ở an toàn cho gần 4.700 hộ dân các xã vùng sâu, biên giới, với hơn 19 nghìn khẩu; đạt 90% tổng số hộ trong toàn huyện biên giới Tây Giang.

Ðồng chí Bling Miên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lăng chia sẻ: Khi dân còn ở thưa thớt, rời rạc ở vùng núi công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật hay tập hợp bà con rất khó khăn; chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh không kịp thời. Tập trung về làng mới, tuyên truyền, vận động, họp dân nhanh gọn, hiệu quả; sức khỏe bà con được thăm khám thường xuyên, trường học gần làng, an ninh trật tự bảo đảm. Tuyến đường vào khu sản xuất của hai thôn Nal và Arơ’h đã hoàn thành, hiện xã tiếp tục làm đường đến khu sản xuất của ba thôn Ar’o, Pơr’ning và Tary để thuận lợi cho nhân dân làm kinh tế.

Bố trí dân cư tập trung gắn với sản xuất nông nghiệp, huyện làm tốt công tác định canh, định cư; hệ thống cơ sở hạ tầng điện, giao thông, nước sinh hoạt… tại các điểm bố trí dân cư đầu tư khá đồng bộ. Hiện nay, 88% thôn, khu dân cư có đường bê-tông; 50% khu sản xuất, chăn nuôi tập trung bê-tông hóa; 95% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Nhờ làm tốt công tác sắp xếp, bố trí dân cư nên nhiều năm qua, tại Tây Giang không xảy ra tình trạng sạt lở núi, lũ quét gây thiệt hại về người, tài sản. Các trận mưa bão lớn từ năm 2020 đến nay, nhiều huyện miền núi lân cận, tương đồng đều xảy ra sạt lở, lũ quét thiệt hại về người, tài sản, tại huyện Tây Giang làng bản dân cư an toàn, không bị sạt lở nghiêm trọng.

Ðồng chí Mạc Như Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang cho biết: Năm 2023, huyện tiếp tục san ủi mặt bằng, xây dựng sáu khu dân cư, bố trí gần 210 hộ dân của tám xã về nơi ở an toàn. Huyện đang tiếp tục giải quyết khó khăn như quỹ đất bố trí dân cư ngày càng khó khăn, độ dốc cao, phải kè sạt lở mái ta-luy chi phí đầu tư lớn; ngân sách hạn chế nên một số nơi chưa đồng bộ hạ tầng. Sau nhiều năm sắp xếp, bố trí lại dân cư vùng núi bảo đảm nơi ở an toàn cho bà con Cơ Tu và đồng bào các dân tộc thiểu số, một việc nhưng đạt được nhiều mục tiêu. Ðịnh canh, định cư tốt thì triển khai các chính sách, đầu tư, xây dựng nông thôn mới cho miền núi cũng tập trung, tiết kiệm hơn.