Khẳng định vị thế xiếc Việt trên sân chơi quốc tế

Ngay sau khi xuất sắc giành giải Vàng tại Liên hoan quốc tế Công chúa xiếc và giải Ngựa đồng tại Liên hoan Xiếc quốc tế không biên giới vừa diễn ra ở Liên bang Nga, xiếc Việt lại tiếp tục ghi dấu ấn đậm nét với Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 tổ chức ngay trên sân nhà - Rạp Xiếc Trung ương, Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Tiết mục Dây căng cao (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) giành Huy chương vàng Liên hoan Xiếc quốc tế 2022. (Ảnh ĐÀO ANH)
Tiết mục Dây căng cao (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) giành Huy chương vàng Liên hoan Xiếc quốc tế 2022. (Ảnh ĐÀO ANH)

Những tiết mục được dàn dựng công phu, phô bày được độ khó của kỹ thuật đã khẳng định sự phát triển của xiếc Việt trên hành trình hội nhập, chinh phục công chúng trong nước và thế giới.

Sau gần một tuần diễn ra sôi nổi (từ ngày 2 đến 7/12), Liên hoan Xiếc quốc tế 2022 với sự tranh tài của bốn đơn vị nghệ thuật trong nước (gồm: Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam) và năm đơn vị nghệ thuật quốc tế đến từ các nước: Canada, Belarus, Lào, Campuchia, Ai Cập đã cống hiến cho khán giả gần 30 tiết mục xiếc đặc sắc ở nhiều thể loại như: Nhào lộn, tung hứng, thăng bằng, ảo thuật, hề xiếc…

Những đêm diễn chật kín khán giả, những tràng pháo tay vang lên không ngớt, những ánh mắt trầm trồ thán phục của người xem là minh chứng cho sức hấp dẫn của Liên hoan, cũng như tình cảm, sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả đối với nghệ thuật xiếc.

So với kỳ trước, chất lượng Liên hoan lần này được nâng cao một cách rõ rệt. Các giám khảo khá ngạc nhiên khi có nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ mới xuất hiện cùng nhiều tiềm năng hứa hẹn.

Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, , Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan

Được tổ chức lại sau thời gian dài ngành nghệ thuật biểu diễn toàn cầu chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 cho nên số lượng các đơn vị quốc tế tham dự Liên hoan không nhiều như kỳ vọng, song công chúng yêu xiếc vẫn được thưởng thức những tiết mục mãn nhãn, đạt tới tính chuyên nghiệp cao cả về biểu diễn và dàn dựng.

Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan cho biết, so với kỳ trước, chất lượng Liên hoan lần này được nâng cao một cách rõ rệt. Các giám khảo khá ngạc nhiên khi có nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ mới xuất hiện cùng nhiều tiềm năng hứa hẹn.

Liên hoan đã hội tụ được nhiều thể loại tiết mục đa dạng, phong phú như Tung bóng (Campuchia); Dây da 2 (Lào); Dây lụa (Canada); Đu vòng (Belarus); Thăng bằng trên dây căng cao, Đế trụ, Đu quăng 2 (Liên đoàn Xiếc Việt Nam)… Trong đó, nhiều tiết mục thể hiện được những sáng tạo trong dàn dựng, các nghệ sĩ được nâng cao nhiều về kỹ thuật, nghệ thuật và phong cách biểu diễn.

Đặc biệt, trong vai trò nước chủ nhà, nhiều tiết mục của các nghệ sĩ xiếc Việt Nam đã chinh phục được cả khán giả trong nước và nghệ sĩ quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà Hội đồng nghệ thuật Liên hoan với 3/5 thành viên người nước ngoài đều nhất trí cao khi trao toàn bộ Huy chương vàng cho ba tiết mục của Việt Nam, bao gồm: Dây căng cao (Liên đoàn Xiếc Việt Nam); Lời của biển (Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam); và Hồi sinh (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam).

Không dừng ở mức độ trò khéo hay phô diễn những động tác khó, đòi hỏi kỹ thuật hình thể chính xác, điêu luyện, các tiết mục còn cho thấy sự đầu tư nghiêm túc trong dàn dựng với thông điệp chuyển tải rõ ràng và màu sắc văn hóa truyền thống rõ nét thể hiện qua đạo cụ, phục trang, âm nhạc dân tộc…

Những tìm tòi trong kỹ thuật biểu diễn và hình thức thể hiện cũng là dấu ấn dễ nhận thấy ở nhiều tiết mục khác như: Âm vang cổng trời, Hồn Lạc Việt (Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam), Hồn quê (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam); Sắc màu vùng cao (Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội); Đu nón (Liên đoàn Xiếc Việt Nam)…

Trưởng đoàn Xiếc quốc gia Ai Cập Waild Taha đánh giá rất cao những tiết mục xiếc của Việt Nam với cách làm rất khác với châu Âu khi khai thác được những nét văn hóa truyền thống đưa vào tiết mục để tạo ấn tượng và phong cách riêng. Chẳng hạn, cũng là tiết mục xiếc với xe đạp nhưng các nghệ sĩ Việt Nam đã mang được nhiều vẻ đẹp của làng quê vào tiết mục…

“Qua đây, các nghệ sĩ Ai Cập chúng tôi cũng học hỏi được nhiều từ cách tổ chức dàn dựng tiết mục cho tới kỹ thuật biểu diễn của các đồng nghiệp”- Trưởng đoàn xiếc quốc gia Ai Cập khẳng định.

Tại Liên hoan, bên cạnh hệ thống giải thưởng chính, Giám đốc Trung tâm phát triển Xiếc Mông Cổ Nergui Erdene còn dành giải thưởng riêng cho tiết mục Đu nón của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Điều này cũng cho thấy sự ghi nhận của các nghệ sĩ xiếc quốc tế đối với những nỗ lực sáng tạo của xiếc Việt.

Theo Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cho tới Liên hoan lần này, những người làm nghệ thuật xiếc Việt Nam đã thật sự tìm được “chìa khóa” để tạo nên màu sắc, phong cách riêng, từ đó khẳng định vị thế và giá trị của xiếc Việt. Xiếc Việt đã đi đúng hướng khi các tiết mục được dàn dựng luôn đề cao tính mạo hiểm và sự dũng cảm của nghệ sĩ.

Cho tới Liên hoan lần này, những người làm nghệ thuật xiếc Việt Nam đã thật sự tìm được “chìa khóa” để tạo nên màu sắc, phong cách riêng, từ đó khẳng định vị thế và giá trị của xiếc Việt. Xiếc Việt đã đi đúng hướng khi các tiết mục được dàn dựng luôn đề cao tính mạo hiểm và sự dũng cảm của nghệ sĩ.

Nghệ sĩ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam

Đây là yếu tố vô cùng quan trọng của xiếc để chinh phục khán giả. Tuy nhiên, để đạt tới điều này, đòi hỏi các nghệ sĩ phải có sự khổ luyện không ngừng. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của công chúng hiện đại, nhiều tiết mục đã được nâng tầm, tăng cường tính giải trí với sự hỗ trợ của các thiết bị công nghệ, âm thanh, ánh sáng để trở thành sản phẩm nghệ thuật mang tính tổng thể, gia tăng sự hồi hộp, thu hút được sự chú ý, yêu thích của đông đảo công chúng.

Phát biểu tại Lễ bế mạc Liên hoan Xiếc quốc tế 2022, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng: Bên cạnh những thành công của các tiết mục được đầu tư công phu cả về kịch bản, dàn dựng, kỹ thuật biểu diễn, vẫn còn một số tiết mục chưa được đầu tư một cách nghiêm túc.

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, để nghệ thuật xiếc Việt Nam phát triển hơn, các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan cần chú ý để phần kỹ thuật và phần thể hiện của các tiết mục có sự gắn bó chặt chẽ; tăng cường tính kỹ thuật để tiếp cận với trình độ của quốc tế; bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư kỹ lưỡng cả về con người và vật chất cho các tiết mục; có chính sách đặc thù để thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các diễn viên trẻ, tài năng…