* Hai anh em Nghệ sĩ Ưu tú Quốc Cơ, Quốc Nghiệp với tiết mục "Sức mạnh đôi tay" đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế (ảnh nhỏ).
Cuộc chơi với… tử thần!
Tiết mục “Tạo hình trên sà đơn” làm cả khán phòng trầm trồ khi cô gái trẻ ngửa người, hai tay để ra hai trụ phía sau, miệng ngậm sợi dây để giữ một cây xà đơn đang treo lơ lửng ba cô gái khác không bị rơi. Hồi hộp hơn, khi cái trụ đỡ dưới chân cô quay tít như chong chóng. Một khán giả trong ngành nghệ thuật biểu diễn bình luận: “Khi còn trẻ, hàm răng có thể đỡ được một lực lớn như thế, nhưng khi có tuổi, sức khỏe chắc chắn bị ảnh hưởng. Hơn nữa, cô ấy đang nắm vận mệnh của ba người, vì chỉ cần sơ suất một chút là các đồng nghiệp gặp nguy hiểm”. Có lần, tận mắt chứng kiến một nam diễn viên đeo vào cổ khối đá nặng vài chục ki-lô-gam, đi pa-tanh rồi cả người và đá đều quay tròn trên bàn xoay, tôi cũng thấy thót tim, cảm giác như khối đá có thể làm anh gãy cổ bất cứ lúc nào. Khối đá đó chính là khối lượng của một diễn viên mà anh sẽ đeo lên rồi cho quay tròn trên cổ mình, trong khi cơ thể anh cũng đang tít mù trên chiếc bàn tròn chuyển động liên hồi. Với tốc độ đó, nếu không cẩn thận, người diễn viên trên cổ anh có thể bị văng ra ngoài như… viên đá. Cuối năm 2016, tại nhà thờ Giorna, Tây Ban Nha, nhiều khán giả quốc tế chứng kiến hai anh em NSƯT Giang Quốc Cơ, Giang Quốc Nghiệp chồng đầu lên nhau (người ở dưới, người chồng cây chuối ở trên, hai đầu chạm vào nhau) chạy phăm phăm trên 90 bậc cầu thang chỉ trong 52 giây, lập kỷ lục Guinness thế giới mới. Ít ai biết, hai anh em họ đã phải mất hơn chục năm trời rèn luyện để tiết mục ngày càng hấp dẫn, hồi hộp hơn. Trong một lần biểu diễn tại nước ngoài, Quốc Cơ hụt chân khiến Quốc Nghiệp cắm đầu xuống đất, bị thương nặng. Cũng do đặc trưng công việc mà hai nghệ sĩ trẻ đang phải sống chung với căn bệnh thoái hóa đốt sống lưng và cổ. Dương Quyên, diễn viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam tâm sự, ngày đang học tại Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, bố mẹ cô từ quê lặn lội lên thăm con gái. Nhìn đứa con bé bỏng tập luyện khổ sở, đau đớn đã lập tức lên gặp thầy cô xin cho con về, nhưng Quyên không nghe. Bố mẹ làm hết cách song không cấm được, đành thôi. Đến khi nghe nói tiết mục “Đu siêu nhân” của cô được Giải vàng tại Liên hoan Xiếc quốc tế tại Tây Ban Nha, mẹ cô cũng đến rạp để coi. Nhưng nhìn con gái quăng quật thân mình trên tít nóc nhà, bay từ góc này sang góc khác, bà đã phải bỏ ra ngoài. “Từ đấy, mẹ không bao giờ dám xem em diễn nữa”, Quyên thổ lộ. Nếu như bố mẹ Dương Quyên luôn sống trong nỗi hồi hộp về con gái thì bố mẹ của NSƯT Tuyết Hoàn đã hết hy vọng. Cách đây mấy năm, khi đang tập tiết mục đu người trên không, bỗng một phút sơ sểnh, không biết là do đâu - kỹ thuật, đạo cụ hay chính mình, chị bị rơi từ trên cao. Lúc ấy, Tuyết Hoàn vừa cưới được bốn tháng. Chị nằm bất động một thời gian, trước khi ngồi xe lăn. Hơn ba năm qua, hai vợ chồng trẻ đã lấy lại sự ổn định, song bố mẹ chị ở quê vẫn chưa hết “sốc”, không muốn tin rằng cô con gái giỏi leo trèo ngày xưa giờ đây chỉ biết ngồi. Không biểu diễn được nữa, chị được Liên đoàn Xiếc chuyển sang làm việc tại phòng nghệ thuật; hằng ngày ngồi trên xe lăn hướng dẫn các bạn trẻ tập luyện. Dẫu sao, cũng có một niềm an ủi: Nhiều năm lao động miệt mài với những kinh nghiệm xương máu, chị đã và đang góp phần không nhỏ giúp các chương trình xiếc mới hấp dẫn hơn, giúp lớp trẻ biết cách tự bảo vệ mỗi khi biểu diễn - "cuộc chơi với tử thần" trong cái nghiệp đầy nghiệt ngã.
Phát huy bản sắc dân tộc trong sáng tạo tiết mục
Trước kia, xiếc từng bị xem nhẹ bởi chưa xứng tầm nghệ thuật. Nhưng giờ đây, trong khi nhiều loại hình đậm tính bác học khác đang tụt hậu, xiếc Việt Nam lại luôn được vinh danh trên các đấu trường quốc tế. Khoảng mười năm gần đây, xiếc Việt đã đạt được những thành công vang dội. Từ năm 2012 đến nay, năm nào Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đoạt ba đến bốn Huy chương vàng, Huy chương bạc tại các cuộc thi quốc tế. Năm 2016, sau 10 năm gặt hái nhiều thành công trên đấu trường xiếc quốc tế, tiết mục “Sức mạnh đôi tay” của hai anh em Giang Quốc Cơ, Giang Quốc Nghiệp lập Kỷ lục Guinness thế giới về giữ thăng bằng trên đầu, phá kỷ lục năm 2014 của hai nghệ sĩ người Trung Quốc. Năm 2017 này, Liên đoàn vừa giành giải bạc tại Liên hoan xiếc quốc tế Rô-ma, I-ta-li-a với tiết mục “Dây da đôi nghệ thuật”; Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đoạt giải vàng tại Liên hoan xiếc quốc tế Circuba với tiết mục “Cánh chim Việt” lấy cảm hứng từ cây tre và bài dân ca “Bèo dạt mây trôi”… Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tạ Duy Ánh cho biết, trong các cuộc thi quốc tế, ban giám khảo thường chấm theo hai thang điểm: kỹ thuật và sáng tạo nghệ thuật. Về kỹ thuật, chúng ta chỉ ngang ngửa hoặc gần bằng các nước; nhưng sự khác biệt trong sáng tạo đạo cụ, biểu diễn luôn độc đáo và đậm bản sắc dân tộc là điều xiếc Việt được hội đồng giám khảo quốc tế đánh giá cao.
Mỗi năm, trên thế giới có khoảng bốn đến năm cuộc thi xiếc lớn được tổ chức, với sự tham dự của 18 đến 20 quốc gia. Các đơn vị dự thi phải gửi tiết mục dưới dạng vi-đê-ô để ban giám khảo lựa chọn. Năm 2014, nếu không sáng tạo tiết mục “Đu quan họ” lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của dân ca quan họ Bắc Ninh thì Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã có thể bị loại khi đăng ký tham dự Liên hoan xiếc quốc tế Rô-ma, I-ta-li-a, vì có quá nhiều quốc gia chọn thi đu dây. Hầu hết những tác phẩm xiếc Việt Nam đoạt giải quốc tế đều được dàn dựng dựa trên nền nét đẹp văn hóa dân gian. Khán giả xem xiếc Việt không đơn thuần là xem nghệ sĩ biểu diễn các động tác nguy hiểm mà là xem họ kể câu chuyện về chính cuộc sống của người dân bản địa. Tre, nứa, rơm rạ, vó câu… được đưa vào làm đạo cụ. Trang phục, âm nhạc dân gian, đặc biệt là biểu đạt của diễn viên phải đậm chất Việt Nam. Để dàn dựng được tiết mục hay, đẳng cấp quốc tế, các đạo diễn xiếc phải đạt trình độ của một đạo diễn nghệ thuật với vốn văn hóa thâm sâu. Khi tham dự các cuộc thi tài quốc tế là cơ hội để các nghệ sĩ xiếc trong nước cọ xát với các cường quốc, khi trở về có dịp nhìn lại mình; để bên cạnh việc đầu tư kỹ thuật còn cần sự sáng tạo về lối diễn, cách thức riêng mang bản sắc dân tộc.
Cần chính sách đặc thù
Hầu hết các tiết mục đoạt giải của Việt Nam đều nhận được lời mời biểu diễn tại nước ngoài. Thù lao cho những tiết mục này cao gấp nhiều lần biểu diễn trong nước. “Ở Việt Nam, khán giả rất ít khi đi xem xiếc, chủ yếu phục vụ thiếu nhi, bởi thế cuộc sống diễn viên còn khó khăn. Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ tập luyện và biểu diễn chưa đáp ứng được yêu cầu”, nghệ sĩ Dương Quyên tâm sự.
Một buổi tập của học sinh Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam. Ảnh: MINH QUÂN
Được vinh danh tại các đấu trường quốc tế, nhận nhiều show biểu diễn khắp thế giới không đồng nghĩa với việc các diễn viên xiếc đang có cuộc sống sung túc. Thực tế, khi ký được hợp đồng biểu diễn quốc tế, các nghệ sĩ phải trích nộp phần trăm về cho Liên đoàn bởi đơn vị đã đứng ra đầu tư sáng tạo, dàn dựng tiết mục và bản thân các diễn viên vẫn được hưởng lương như đang công tác. Năm 2015, sự kiện 12 diễn viên biểu diễn trong tiết mục “Làng tôi” đồng loạt xin nghỉ việc để tìm cơ hội làm ăn sinh sống tốt hơn là báo động về chế độ dành cho nghề này. Để đào tạo được một diễn viên xiếc giỏi hết sức gian khó, kỳ công với những đòi hỏi khắt khe về cấu tạo cơ thể, sức khỏe cũng như năng khiếu bẩm sinh và khả năng chịu đựng đau đớn, nghiệt ngã khi theo nghề. Mỗi năm, Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam phải lựa chọn từ 7.000 đến 8.000 hồ sơ, qua nhiều vòng kiểm tra, thẩm định để lấy khoảng 35 học sinh đủ tiêu chuẩn vào học. Trong quá trình học tập, số sinh viên tốt nghiệp chỉ khoảng 20 người. Số diễn viên xiếc nổi tiếng, nhận cát-xê cao hoặc được ở nhà lầu, đi xe hơi lại càng hiếm.
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Phạm Đình Thắng cho biết, ngoài nghị định sửa đổi về chế độ phụ cấp thanh sắc và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật, hiện nay chưa có cơ chế, chính sách riêng cho nghệ thuật xiếc. Theo ông, Nhà nước luôn khuyến khích các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Nghệ thuật xiếc, múa và múa rối đều có những đặc thù riêng vì tuổi nghề diễn viên rất ngắn. Hiện, các loại hình nghệ thuật biểu diễn này đều gặp khó khăn, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của lãnh đạo cũng như diễn viên theo đuổi đam mê với nghề. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn phải xây dựng một chính sách cho những loại hình nghệ thuật đặc thù, trong đó có xiếc. Điều này là cần thiết. Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ nghiên cứu và tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có chính sách cụ thể cho từng loại hình.