Xiếc Việt Nam cần gì để bứt phá ?

Cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc năm 2018 vừa được tổ chức tại Hà Nội đã mang đến nhiều cảm xúc khó quên. Ðây cũng là cơ hội để các nhà quản lý, nghệ sĩ, diễn viên xiếc có dịp nhìn lại một chặng đường phát triển, tìm hướng cho tương lai.

Một tiết mục đoạt Giải nhì tại Cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc - 2018.
Một tiết mục đoạt Giải nhì tại Cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc - 2018.

Sau 12 năm ngắt quãng, một sân chơi chuyên nghiệp dành cho các nghệ sĩ xiếc cả nước mới lại được tổ chức. Không phụ lòng mong đợi, bao tinh hoa xiếc Việt đã có dịp hội tụ, tỏa sáng tại Cuộc thi Tài năng diễn viên xiếc toàn quốc năm 2018.

67 nghệ sĩ, diễn viên xiếc của sáu đơn vị nghệ thuật đã cống hiến cho khán giả những màn trình diễn ngoạn mục, hấp dẫn về cả kỹ thuật, sự khéo léo và yếu tố ly kỳ, mạo hiểm. Trong đó, phải kể đến những tiết mục được dàn dựng công phu như: Ðu bay, Ðu sen, Vòng xoay mạo hiểm, Cầu bật (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), Khát vọng, Nhịp điệu trẻ (Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam), hay Tình yêu trên đôi giầy trượt (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam)... Ðúng như nhận định của NSND Lưu Văn Phúc, Chủ tịch Hội đồng giám khảo: Cuộc thi đã thể hiện rõ sự bứt phá của xiếc Việt Nam so với những năm trước. Không còn thuần túy là sự chắp nối mộc mạc kỹ thuật xiếc, các tiết mục dự thi đều được đầu tư kỹ càng, từ kịch bản đến kết hợp các loại hình nghệ thuật như múa, âm nhạc, đạo cụ, trang phục ăn khớp với kỹ thuật và đặc thù tiết mục. Từ đây, có quyền tự hào rằng nghệ thuật xiếc Việt Nam hiện đang có một đội ngũ đạo diễn dàn dựng giỏi, đào tạo nghề chính quy và những gương mặt nghệ sĩ trẻ giàu tài năng, phong cách biểu diễn chững chạc. Chính họ đã làm nên sự lộng lẫy, huy hoàng của sân khấu xiếc hôm nay.

Tuy nhiên, đằng sau những lộng lẫy ấy là nhiều vấn đề ngành xiếc cần đối mặt mà ngay từ cuộc thi đã phần nào bộc lộ. Ấy là sự chênh lệch về trình độ nghệ sĩ giữa các đơn vị xiếc trung ương và địa phương, sự yếu thế của những thể loại như xiếc hề, xiếc thú. Việc mạnh dạn đưa xiếc mèo tham gia dự thi cho thấy những cố gắng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong xây dựng tiết mục xiếc theo định hướng chuyển dần từ sử dụng thú hoang dã sang thú nuôi. Nhưng để các tiết mục thật sự hấp dẫn, còn cần sự cố gắng và đầu tư kỹ lưỡng hơn nữa cả về mặt thời gian và kỹ thuật huấn luyện. Tại tọa đàm "Nghệ thuật xiếc Việt Nam trong xu thế hội nhập" được tổ chức trong khuôn khổ cuộc thi, nhiều chuyên gia không ngần ngại chỉ ra hàng loạt những khó khăn đang kìm hãm sự phát triển của ngành xiếc. Và có lẽ nhức nhối nhất là vấn đề bảo đảm chế độ cho nghệ sĩ. NSƯT Phi Vũ, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam cho biết, ở đơn vị của ông, có những nghệ sĩ xiếc đã ngoài 40, 50 tuổi vẫn phải ra sân khấu biểu diễn, ấy là bởi thiếu hụt những gương mặt nghệ sĩ trẻ kế cận. Xiếc là loại hình biểu diễn đặc thù, tính chất nghề nguy hiểm, tuổi nghề ngắn nhưng chế độ đãi ngộ nghệ sĩ quá thấp nên không đủ động lực để thu hút tài năng trẻ cống hiến, gắn bó với nghề. Ðiều này cũng giải thích tại sao các cơ sở đào tạo xiếc ngày càng khó khăn trong tuyển sinh đầu vào. Vấn đề này không mới nhưng là nút thắt mang tính cơ bản cần được quan tâm tháo gỡ. Ðồng quan điểm, NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng chia sẻ, bản thân vô cùng vất vả để làm sao nghệ sĩ của đơn vị mình có thu nhập đáp ứng được cuộc sống. "Tôi rất thương các diễn viên trẻ khi ăn bát mì "không người lái" mà phải nhào lộn ba, bốn vòng, tập luyện nguy hiểm"... Bởi thế, rất cần những chính sách riêng về sử dụng, đãi ngộ nghệ sĩ xiếc cũng như chế độ bảo hiểm đặc thù liên quan…

So với nhiều thể loại sân khấu khác, ngôn ngữ của xiếc được đánh giá là có tính quốc tế và khả năng hội nhập cao hơn. Thời gian qua, nhiều nghệ sĩ xiếc Việt Nam như Trà My, Quốc Cơ, Quốc Nghiệp… đã khẳng định được dấu ấn của mình ở những sân chơi quốc tế. Nhiều chương trình xiếc Việt như Làng tôi, Sông trăng… đã gây tiếng vang lớn ở nhiều nước trên thế giới. Ðiều này cho thấy, khi được đầu tư bài bản, có chiến lược, xiếc Việt không khó để khẳng định vị thế của mình trong dòng chảy hội nhập. Song trong khi những loại hình nghệ thuật khác thường có những cuộc thi, liên hoan chuyên môn được tổ chức định kỳ thì phải sau hơn mười năm, các nghệ sĩ xiếc trong nước mới lại có một sân chơi nghề nghiệp đúng nghĩa. Ðây là bất cập mà theo nhiều chuyên gia, cần phải nhanh chóng thay đổi để những nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp thường xuyên có những cơ hội để cọ xát, giao lưu, học hỏi, từ đó tạo động lực nâng cao kỹ năng biểu diễn, chất lượng tiết mục. Bên cạnh đó, muốn phát triển, xiếc Việt phải tìm mọi cách để tiếp cận công chúng.

NSND Vũ Ngoạn Hợp, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng: Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa xiếc với các loại hình sân khấu, giải trí khác, hình thức tiếp cận khán giả hiện nay theo kiểu ôm loa đi rao khắp phố phường hay treo băng-rôn quảng cáo đã quá lạc hậu. Các đơn vị cần tiếp cận công nghệ 4.0 để tranh thủ hiệu quả lan tỏa của truyền thông in-tơ-nét, đồng thời tìm và phối hợp với những đơn vị có chuyên môn về truyền thông quảng cáo mới có thể tiếp cận khán giả một cách chuyên nghiệp. NSND Vũ Ngoạn Hợp cũng chỉ ra nguồn diễn viên xiếc hiện tại đang co cụm từ các trường xiếc công lập. Ðể thu hút nhân tài, còn cần chú ý đến cả những nhân tố phát lộ trong các gameshow, chương trình giải trí, hiện tượng mạng…, từ đó tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo, phát triển các ngôi sao cho ngành xiếc.

Về tổng thể, NSND Tạ Duy Ánh cho rằng: Xiếc Việt Nam cần có một chiến lược phát triển đồng bộ, dài hạn trong tương lai để khắc phục những hạn chế và đề ra phương hướng phát triển ổn định, vững mạnh về mọi mặt. Chiến lược phát triển phải tận dụng được hết nội lực hiện có, thúc đẩy sáng tạo, định hướng phong cách nghệ thuật để xây dựng các chương trình, tiết mục có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả trong xu thế mới, khẳng định chỗ đứng của nghệ thuật xiếc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu giao lưu, hợp tác trong thời kỳ hội nhập.