Vẫn chỉ là cạnh tranh trong "ao làng"
Liên hoan Xiếc quốc tế 2019, thực tế, chỉ có đại diện chín quốc gia trong đó có cả Việt Nam tham dự. Theo ý kiến của một số nghệ sĩ thì việc thông báo tổ chức liên hoan quá gấp nên số lượng đơn vị nghệ thuật quốc tế đăng ký tham dự liên hoan còn ít, đã vậy, phần lớn các đoàn nghệ thuật bạn chỉ mang sang dự thi những tiết mục cá nhân hoặc chỉ một nhóm nhỏ hai đến ba nghệ sĩ biểu diễn. Ðây là một trong những lý do khiến các đơn vị nghệ thuật của Việt Nam trở nên áp đảo về số lượng cũng như giải thưởng của liên hoan lần này, với tổng số 12/14 giải thưởng chính thức trao cho các đoàn của Việt Nam.
Nhìn vào mặt bằng chất lượng chung của các tiết mục tham dự liên hoan lần này, TS, NSND Hoàng Minh Khánh nhận định: "Chất lượng tiết mục tham dự liên hoan lần này không cao. Các đoàn nghệ thuật của bạn mang sang Việt Nam các tiết mục cũ không có nhiều sáng tạo nổi trội so các tiết mục cùng thể loại này trên thế giới. Nghệ sĩ Việt Nam chắc chắn là không lạ nếu như thường xuyên xem các chương trình xiếc quốc tế trên truyền hình, trên mạng xã hội hoặc trực tiếp khi ra nước ngoài. Một số tiết mục tham dự liên hoan lần này đã từng tham dự Liên hoan Xiếc toàn quốc 2018 và đến giờ không có nhiều thay đổi về mặt hình thức cũng như kỹ thuật".
Vì thời gian tham gia gấp nên hầu hết các tiết mục xiếc quốc tế sang tham dự đều mang tính nhỏ lẻ, ít người, dẫn tới sự trùng lắp về thể loại tiết mục.
Nâng tầm thương hiệu nghệ thuật quốc tế
Việc gây dựng thương hiệu cho một liên hoan nghệ thuật mang tính chất quốc tế là yêu cầu rất lớn đặt ra với Ban tổ chức Liên hoan Xiếc quốc tế 2019, để tạo đà cho những cuộc liên hoan lần sau. Có rất nhiều những vấn đề bất cập đặt ra từ công tác tổ chức cũng như trao giải: Việc trao giải thưởng quá tỷ lệ quy chế tổ chức Liên hoan, số lượng giải thưởng vượt tới gần 50% số tiết mục dự thi; Nghệ sĩ biểu diễn đã được trao giải cá nhân qua các tiết mục nhưng lại lọt vào một giải trong thành phần sáng tạo xuất sắc (lâu nay giải cho thành phần sáng tạo xuất sắc chỉ thuộc về tác giả, đạo diễn, huấn luyện viên).
Ngoài một Huy chương Vàng của đoàn Hungari thì các đoàn nước ngoài đều "trắng tay". Dẫu có lý giải số lượng tiết mục và đoàn nghệ thuật quốc tế tham gia ít, chất lượng lại không cao nên việc số lượng huy chương thuộc về nghệ sĩ xiếc trong nước là tất yếu. Tuy nhiên, với tính chất là một cuộc thi mang tầm cỡ quốc tế thì vấn đề lớn hơn đặt ra đó là làm sao có thể xây dựng và củng cố phát triển thương hiệu, thay vì biến cuộc liên hoan này trở thành cuộc so găng của chính các đơn vị trong nước.
Trong bối cảnh trên thế giới, trong khu vực có rất nhiều các liên hoan, cuộc thi dành riêng cho loại hình nghệ thuật xiếc có uy tín, để định danh và tạo thương hiệu cho Liên hoan Xiếc quốc tế tại Việt Nam cần đổi mới từ cách tổ chức cho tới cách trao giải, hướng tới thu hút được nhiều hơn các đoàn quốc tế có nền nghệ thuật xiếc phát triển.
Rạp Xiếc Trung ương với hơn 1.200 chỗ ngồi hầu như luôn chật kín và sôi động với những tràng pháo tay dài không dứt. Khán giả đặc biệt dành nhiều tình cảm đối với các tiết mục xiếc quốc tế bởi ấn tượng ngay từ vóc dáng, hình thể cân đối của nghệ sĩ. Ðiều này cho thấy việc tổ chức Liên hoan Xiếc quốc tế nói riêng và các loại hình nghệ thuật của quốc tế tại Việt Nam là vô cùng cần thiết, không những khán giả có cơ hội thưởng thức mà nghệ sĩ Việt Nam cũng có cơ hội học hỏi, giao lưu, tìm tòi những phương thức sáng tạo mới để hội nhập với nghệ thuật của thế giới. Làm sao thu hút được các nước có nền nghệ thuật tiên tiến trên thế giới tham gia để nâng tầm thương hiệu cho hoạt động tổ chức tại Việt Nam là điều mà các đơn vị tổ chức cần quan tâm. Xin đừng bằng lòng với những gì đã đạt được nếu muốn nâng tầm xiếc Việt vươn ra biển lớn, hội nhập với nền nghệ thuật xiếc tiên tiến của thế giới.