Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh Trung Bộ

Những ngày qua, tại các tỉnh Trung Bộ, nhất là tại tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra mưa đặc biệt lớn. Có ngày tổng lượng mưa lên tới 800-900 mm, có nơi cao hơn, đã gây ngập lụt diện rộng. Sau mưa lũ, các tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đang khẩn trương huy động lực lượng giúp người dân dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả lũ với phương châm “nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó”.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thăm hỏi, tặng quà người dân tại vùng "rốn lũ" huyện Quảng Điền.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế thăm hỏi, tặng quà người dân tại vùng "rốn lũ" huyện Quảng Điền.

Ngập lụt trên diện rộng

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (gọi tắt là PCTT) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ ngày 13 đến ngày 15/11, tại tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra mưa rất to trên diện rộng, kéo dài. Riêng huyện Nam Đông và một số nơi của huyện Phú Lộc có mưa đặc biệt to, với lượng mưa phổ biến 600-900 mm, có nơi cao hơn.

Mưa lớn khiến mực nước trên các sông dâng cao. Tại sông Hương ghi nhận đạt đỉnh +4,34m, trên mức báo động 3 là 0,84m vào chiều ngày 15/11. Nước sông dâng cao, chảy mạnh, nhiều rác thải, cành cây bị đẩy từ thượng nguồn dồn về khu vực hạ lưu.

Mưa lớn kéo dài những ngày qua khiến nhiều khu vực ngập lụt trên diện rộng, gây sạt lở đất và thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến nhân dân khó khăn. Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT tỉnh, trên địa bàn có 17.453 ngôi nhà bị ngập. Đợt mưa lũ này làm 1 người chết, 1 người mất tích; sạt lở đất đá làm bị thương 2 người dân. Tại thành phố Huế, có 8.540 nhà dân bị ngập; khoảng 85% tuyến đường của 36 phường, xã bị ngập từ 0,5-1,2m.

Mưa lớn kéo dài những ngày qua khiến nhiều khu vực ở Thừa Thiên Huế ngập lụt trên diện rộng, gây sạt lở đất và thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến nhân dân khó khăn. Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCTT tỉnh, trên địa bàn có 17.453 ngôi nhà bị ngập. Đợt mưa lũ này làm 1 người chết, 1 người mất tích; sạt lở đất đá làm bị thương 2 người dân. Tại thành phố Huế, có 8.540 nhà dân bị ngập; khoảng 85% tuyến đường của 36 phường, xã bị ngập từ 0,5-1,2m.

Hàng loạt tuyến đường bị ngập nặng như Chi Lăng, Bạch Đằng, Bến Nghé, Vạn Xuân, Đống Đa, Tố Hữu, Trường Chinh… Đợt mưa lần này diễn biến nhanh, lũ trên các sông Hương, sông Bồ đạt mức báo động 3, đặc biệt tại sông Hương đạt đỉnh 4,34m, vượt đỉnh lũ năm 2020. Nước lũ lên nhanh, ngập sâu khiến nhiều người dân “trở tay không kịp”, thiệt hại nhiều tài sản.

Ông Nguyễn Doanh, trú tại phường Đông Ba (thành phố Huế) cho biết, khoảng 21 giờ đêm 14/11, nước lũ tràn qua sông Đông Ba, đến 23 giờ đêm thì tràn vào nhiều nhà dân. “Gia đình tôi cũng như nhiều hộ khác đã chuẩn bị từ trước nhưng không nghĩ nước ngập sâu và lên nhanh như vậy. Nước ngập vào nhà gần 1m, lại rút chậm khiến nhiều đồ đạc, vật dụng trong gia đình hỏng nặng”, ông Doanh chia sẻ.

Tại vùng “rốn lũ” Quảng Điền, do lượng mưa to đến rất to nên đã làm ngập nhiều tuyến giao thông và nhà dân vùng thấp trũng. Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã cho học sinh nghỉ học từ ngày 15-17/11. Các địa phương đã tổ chức cảnh báo, rào chắn không cho người và phương tiện qua lại các đoạn ngập sâu, nước chảy xiết, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ ứng phó mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”.

Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Lê Ngọc Bảo cho biết, đến 17 giờ ngày 16/11, tình hình ngập lụt trên địa bàn có giảm so với 2 ngày trước với độ ngập sâu tại các tuyến đường giảm từ 20-40 cm. Tuy nhiên, các tuyến tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn các xã vùng trũng còn ngập sâu 0,5-1,5m, giao thông đi lại khó khăn. Toàn huyện có gần 2.000 nhà dân ngập sâu 0,2-0,8m. Mưa lớn, ngập lụt làm hư hỏng hoàn toàn 60 ha rau màu vụ đông. Hiện tại, nước lũ đang ngập cao nên chưa thể thống kê thiệt hại.

Tương tự, tại tỉnh Quảng Trị từ ngày 13 đến 15/11 có mưa, mưa vừa đến mưa to, riêng phía nam tỉnh có mưa rất to. Mưa lớn gây ngập lũ cục bộ một số khu vực và tuyến đường, ngầm tràn làm chia cắt giao thông tạm thời. Cụ thể, tại huyện Đakrông có 10 điểm, huyện Triệu Phong ngập lũ cục bộ một số điểm khu dân cư và các thôn, xóm vùng thấp trũng, vùng ven sông thuộc xã Triệu Ái, Triệu Giang, Triệu Long, Triệu Phước; huyện Hải Lăng một số điểm khu dân cư và các thôn, xóm vùng thấp trũng, vùng ven sông ngập 0,2-0,8m. Toàn tỉnh có hơn 1.300 ngôi nhà bị ngập lũ, tập trung ở các huyện Cam Lộ và Hải Lăng.

Đáng lưu ý mưa lũ gây ra 1 người chết và 2 người mất tích. Các lực lượng chức năng nỗ lực tìm thấy thi thể ông Lê Đức Hùng ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh bị chết tại hồ La Ngà và bố trí lực lượng tìm kiếm người mất tích.

Nước rút đến đâu, dọn dẹp đến đó

Ghi nhận của phóng viên, đến chiều 16/11, lũ trên sông Hương và sông Bồ của Thừa Thiên Huế xuống dưới mức báo động 3. Một số tuyến đường của thành phố Huế nước đã rút, chính quyền địa phương huy động lực lượng hỗ trợ người dân dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, đường sá, sớm ổn định cuộc sống. Hàng chục công nhân thuộc Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã được huy động để dọn dẹp sông Hương. Đối với số rác thải mắc kẹt trên sông được các công nhân khơi thông, tránh dồn ứ thêm.

Ngày 16/11, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cùng Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và lãnh đạo các sở, ban, ngành, thành viên Ban Chỉ huy PCTT tỉnh đi thực tế hiện trường, chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt tại vùng “rốn lũ” huyện Quảng Điền và các xã vùng trũng của TP Huế; thăm hỏi người dân, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ. Lãnh đạo yêu cầu chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, lực lượng công an, quân đội giúp đỡ bà con nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra; đồng thời thống kê, kiểm đếm thiệt hại để tỉnh có hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân yên tâm ổn định cuộc sống.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT do ông Vũ Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo đã có chuyến kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ, ngập lụt tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi đi kiểm tra công tác vận hành điều tiết hồ chứa nước Tả Trạch, ông Vũ Xuân Thành đề nghị tỉnh cần tập trung theo dõi, đặc biệt là chú ý nguy cơ cao sạt lở đất tại các khu vực miền núi, cần có phương án đề phòng sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân”.

Theo dự báo, mưa lũ tại Thừa Thiên Huế và các tỉnh Trung Bộ còn diễn biến phức tạp. Các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai phương án giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng thời hỗ trợ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, tuyệt đối không để người dân thiếu đói; phòng trừ dịch bệnh; bảo đảm an toàn tại khu vực xung yếu, nơi nguy cơ xảy ra sạt lở.

Theo dự báo, mưa lũ tại Thừa Thiên Huế và các tỉnh Trung Bộ còn diễn biến phức tạp. Các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai phương án giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng thời hỗ trợ nhân dân dọn dẹp nhà cửa, tuyệt đối không để người dân thiếu đói; phòng trừ dịch bệnh; bảo đảm an toàn tại khu vực xung yếu, nơi nguy cơ xảy ra sạt lở.

Tại Khánh Hòa, từ đêm 15/11 đến sáng 16/11, có 9 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh điều tiết xả lũ, lượng mưa trên địa bàn tỉnh khá lớn. Tại khu vực sông Cái thuộc địa phận thành phố Nha Trang, nước lũ khiến nhiều vùng ven sông bị ngập sâu. Tuy nhiên, lũ cũng nhanh chóng rút, mực nước trên các sông giảm. Theo Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Khánh Hòa, có gần 100 ha hoa màu của thị xã Ninh Hòa bị ngập úng.

Tại huyện Cam Lâm công trình thoát lũ ở xã Cam Thành Bắc đã bị sạt lở với chiều dài 30m; 10m kênh mương thoát nước xã Cam Phước Tây bị hư hỏng, 20m đường xã Cam An Bắc bị sạt lở. Lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn hiện đạt 78% dung tích thiết kế. Các đơn vị quản lý, khai thác hồ chứa nước đã tiến hành xả điều tiết nước ở 9 hồ chứa với lưu lượng cao nhất ở mức hơn 57m3/giây (hồ Suối Dầu).

Tình trạng ngập úng cục bộ đã xảy ra ở thành phố Cam Ranh, các huyện Cam Lâm, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và thị xã Ninh Hòa. Chính quyền các địa phương đã cắt cử lực lượng lập chốt chặn tại các điểm xung yếu như cầu tràn, bến sông, cảnh báo an toàn cho người dân. Thành phố Nha Trang, huyện Khánh Vĩnh đã phải di dời, sơ tán tổng số 28 hộ dân với hơn 110 người đến nơi ở tạm.

Tại xã Ba Tiêu, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), mưa lớn kéo dài những ngày qua đã gây sạt lở nghiêm trọng trên đèo Violak qua địa bàn xã khiến giao thông trên Quốc lộ 24 từ Quảng Ngãi đi Kon Tum bị chia cắt. Để bảo đảm an toàn giao thông qua khu vực, UBND xã Ba Tiêu đã huy động lực lượng tổ chức chốt chặn ở gần khu vực xảy ra sạt lở, nứt đường, không cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực.

Thông tin từ Đội Cảnh sát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Nam, lực lượng chức năng đã khắc phục xong điểm sạt lở do mưa lớn trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Trước đó, lúc 19 giờ 30 phút ngày 15/11, tại Km1377+550 đường Hồ Chí Minh, qua địa phận huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, mưa lớn đã làm sạt lở mái taluy dương với khối lượng đất đá khoảng 15.000m3. Ngay sau khi xảy ra sạt lở, lực lượng chức năng đã huy động công nhân, phương tiện khẩn trương khắc phục.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT các tỉnh, thành phố, từ ngày 13 đến 15/11, mưa lớn, dông lốc, lũ, ngập lụt đã làm 17.877 nhà ngập (Quảng Trị 1.309 nhà, Thừa Thiên Huế 16.345 nhà; Đà Nẵng 83 nhà, Quảng Ngãi 140 nhà). Hiện Quảng Trị, Thừa Thiên Huế còn ngập từ 0,3- 0,6m; có 34 nhà bị hư hại, tốc mái (Hà Tĩnh 17; Thừa Thiên Huế 2; Quảng Nam 11, Quảng Ngãi 4).
Về nông nghiệp có 122 ha cây ăn quả, hoa màu (Quảng Trị 118 ha; Đà Nẵng 4 ha) và 50.000 cây giống lâm nghiệp, 5.000 cây hoa cúc giống (Quảng Trị); 1.100 con gia súc, gia cầm; 2 ha nuôi trồng thuỷ sản (Quảng Trị) bị thiệt hại.
Về hồ chứa thủy điện, khu vực Bắc Trung Bộ có 4 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn. Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có 16 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn. Khu vực Tây Nguyên có 17 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn.
Về hồ chứa thủy lợi, đối với các hồ có dung tích hơn 1 triệu m3, khu vực Bắc Trung Bộ có 104 hồ tích nước đạt hơn 70% dung tích thiết kế. Khu vực Nam Trung Bộ có 50 hồ tích nước đạt hơn 70% dung tích thiết kế. Khu vực Tây Nguyên có 59 hồ tích nước đạt hơn 70% dung tích thiết kế.