Khẩn trương khắc phục hậu quả hoàn lưu bão số 3

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 26/8, hoàn lưu bão số 3 đã làm ngập cục bộ tại một số nơi, sạt lở cục bộ 10 điểm, khoảng 50 cây xanh trên một số tuyến phố của thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) bị gãy đổ.
0:00 / 0:00
0:00
Mưa lớn tại thành phố Hạ Long, nhiều khu vực cống thoát nước cuộn thành xoáy nguy hiểm cho người tham gia giao thông. (Ảnh: TTXVN)
Mưa lớn tại thành phố Hạ Long, nhiều khu vực cống thoát nước cuộn thành xoáy nguy hiểm cho người tham gia giao thông. (Ảnh: TTXVN)

Tại thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) có hơn 120 cây xanh bị gãy đổ trên các tuyến phố; ngập khoảng 14 ha lúa, màu; ngập cục bộ khu vực Hải Hòa. Thành phố đã di dời các hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng sạt lở đến vị trí an toàn. Lực lượng vũ trang của tỉnh đã huy động 1.510 cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ và hiệp đồng lực lượng của Bộ Quốc phòng và Quân khu 3 đóng trên địa bàn; 14 xe ô-tô, 6 tàu, 22 xuồng và các loại trang thiết bị, phương tiện khác. Mưa lớn kèm theo gió giật mạnh cũng làm cho nhiều tuyến đường ở thành phố Hải Phòng bị ngập nặng, cây xanh gãy đổ. Sáng 26/8, nhiều trường phải cho học sinh nghỉ để tránh gặp nguy hiểm.

Tại tỉnh Sơn La, trên địa bàn các huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Phù Yên, thành phố Sơn La đã có mưa rất to gây sạt lở ta-luy, hư hỏng công trình đường bộ. Thống kê ban đầu, mưa to trên diện rộng đã làm sạt sụt ta-luy dương, sa bồi gần 250 vị trí/ hơn 5.600m3; sụt âm sáu vị trí/63m, ngập nước sáu vị trí/450m, hư hỏng công trình cầu, cống 17 cái.

Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, trận mưa lớn do ảnh hưởng của vùng áp thấp suy yếu từ bão số 3 đã khiến nhiều diện tích trồng lúa, rau màu, cây ăn quả bị ngập úng. Mưa to khiến hơn 3.400ha lúa bị ngập úng; trong đó ngập trắng là 732ha, ngập khoảng 3/4 cây là 573ha. Mưa lớn cũng khiến hơn 1.900 ha rau màu và cây ăn quả bị ngập úng.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, mưa lớn đã làm 16 ngôi nhà của người dân bị thiệt hại; hơn 324ha diện tích lúa và hoa màu bị ngập; 2,5ha ao nuôi thủy sản bị tràn bờ; hơn 22 ha cây hằng năm bị ngập. Nhiều tuyến đường, cầu tràn giao thông trên địa bàn huyện Sơn Dương, Yên Sơn bị ngập, sạt lở đất khiến các phương tiện ô-tô, xe máy chưa đi lại được.

Do ảnh hưởng bởi mưa lớn từ hoàn lưu bão số 3, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã xuất hiện các điểm ngập cục bộ và sạt lở đất đá, ảnh hưởng việc tham gia giao thông của các phương tiện. Tại các điểm ngập úng, tỉnh đã huy động các lượng lực chức năng để hướng dẫn, hỗ trợ phương tiện di chuyển sang các hướng tuyến khác. Đồng thời, tổ chức trực để cảnh giới và khắc phục các sự cố ngập úng.

Trên địa bàn làng Đê-sơ, xã Ia Me huyện Chư Prông (Gia Lai), mưa to và dông sét đã làm hai người chết (do bị sét đánh). Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương tại tỉnh Gia Lai đã đến thăm hỏi, chia buồn và hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân hai triệu đồng để lo hậu sự.