Khám phá Bảo vật quốc gia Thăng Long-Hà Nội trong không gian ảo

Trong hơn 70 nghìn hiện vật Bảo tàng Hà Nội đang lưu giữ, có 24 hiện vật thuộc bốn nhóm được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Để đông đảo công chúng có thể tìm hiểu một cách chân thực nhất về những hiện vật quý hiếm này, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức trưng bày 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia Bảo tàng Hà Nội”. Trưng bày nhận được sự ủng hộ của cộng đồng do có thể tìm hiểu chi tiết những Bảo vật quốc gia, không kể đến khoảng cách địa lý.
0:00 / 0:00
0:00
Khách tham quan khám phá Bảo vật quốc gia trong không gian ảo.
Khách tham quan khám phá Bảo vật quốc gia trong không gian ảo.

Hà Nội là vùng đất giàu truyền thống lịch sử. Trước khi Thăng Long được chọn làm kinh đô, mảnh đất Cổ Loa đã hai lần từng làm kinh đô trong quá khứ dưới triều đại Thục Phán An Dương Vương (thế kỷ 2-3 trước Công nguyên) và khi Ngô Quyền dựng nền độc lập sau ngàn năm Bắc thuộc. Do đó, trên địa bàn Hà Nội có hàng chục hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Hệ thống Bảo vật quốc gia của Hà Nội trải dài qua các thời kỳ lịch sử, từ thời Đông Sơn cho đến thời Bắc thuộc và phong phú nhất là thời phong kiến, với những hiện vật nổi tiếng như: Tượng đôi sư tử đá đền-chùa Bà Tấm, 82 tấm bia Văn Miếu-Quốc Tử Giám, tượng Trấn Vũ-đền Quán Thánh, bộ tượng 18 vị la hán ở chùa Tây Phương; tượng Phật Quan Âm nghìn mắt, nghìn tay ở chùa Thánh Ân…

Bảo tàng Hà Nội hiện lưu giữ hơn 70 nghìn tài liệu, hiện vật với nhiều loại hình và chất liệu khác nhau. Trong đó có 24 hiện vật đặc biệt quý hiếm, thuộc bốn nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Bốn nhóm hiện vật này gồm: Trống đồng Cổ Loa và bộ sưu tập lưỡi cày đồng trong trống (thuộc văn hóa Đông Sơn, khoảng 2500-2000 năm cách ngày nay), chuông đồng Thanh Mai (năm 798), chân đèn gốm thời Mạc (năm 1582) và Long đình gốm Bát Tràng (Thế kỷ 17).

Trưởng phòng Giáo dục, Truyền thông và Công chúng Nguyễn Thị Ngọc Hòa cho biết: “Những hiện vật đang lưu giữ và phát huy tại Bảo tàng cũng là một trong những giá trị cốt lõi của Thăng Long-Hà Nội, là cầu nối giữa văn hóa truyền thống với hiện tại, đặc biệt là những Bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện đến tận bảo tàng để chiêm ngưỡng, tìm hiểu. Bởi vậy, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ 3D vào giới thiệu 24 hiện vật này để mọi người có thể tham quan, tìm hiểu những Bảo vật quốc gia từ bất cứ nơi đâu một cách chân thực nhất”.

Không gian trưng bày 3D (https://bthn3d.maiatech.com.vn/) có nhiều nội dung phong phú, gồm phần giới thiệu tổng quát, các hình ảnh, clip, tư liệu về Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng Hà Nội. Đặc biệt nhất là phần tương tác 3D. Người xem có thể xoay từng hiện vật ở mọi góc độ để quan sát cũng như phóng to để xem từng chi tiết. Các hiện vật đều đi kèm phần giới thiệu, thuyết minh một cách dễ hiểu. Chẳng hạn như phần giới thiệu về trống đồng Cổ Loa. Khách tham quan sẽ được cung cấp thông tin về thời gian, địa điểm phát hiện trống (năm 1982 tại cánh đồng Mả Tre (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh); những giá trị văn hóa độc đáo của trống như trống thuộc văn hoá thời đại Đông Sơn, có kích thước lớn: đường kính mặt 73,8cm, chiều cao 53cm, thuộc loại những trống Đông Sơn đẹp nhất; giữa mặt trống là ngôi sao 14 cánh, từ trong ra ngoài có 15 vành hoa văn, xung quanh là những dải trang trí hình lông công, hoạt cảnh đời thường, chim...

Phần giới thiệu về trống đồng Cổ Loa cũng cho biết trong lòng trống khi đào được cách đây 40 năm là hơn 200 hiện vật đồng là công cụ, vũ khí…, đặc sắc nhất là sưu tập lưỡi cày đồng gồm 20 hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia cùng với trống đồng Cổ Loa. Nhóm 20 hiện vật lưỡi cày đồng được giới thiệu trong một thư mục riêng. Các phần giới thiệu về Bảo vật quốc gia khác: Chuông Thanh Mai, chân đèn gốm thời Mạc, long đình gốm Bát Tràng đều có cách thức giới thiệu tương tự. Nếu không muốn đọc văn bản, khách tham quan có thể nghe phần thuyết minh đi kèm được Bảo tàng chuẩn bị sẵn. Ngoài ra, không gian trưng bày còn giới thiệu sách điện tử “Bảo vật quốc gia Thăng Long-Hà Nội” với nhiều thông tin thú vị khác.

Để xây dựng không gian trưng bày này, trên cơ sở thông tin sẵn có, Bảo tàng Hà Nội đã mất khoảng 2 tháng “số hoá”, gồm hiệu chỉnh, đồng bộ dữ liệu file scan 3D hiện vật... Sau khi ra mắt không gian trưng bày “ảo”, Bảo tàng Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa để không gian này hiệu quả, hấp dẫn hơn.