Bảo tàng Hà Nội đổi mới để thu hút công chúng

Bảo tàng Hà Nội đang thi công, hoàn thiện các nội dung trưng bày chính nhưng thời gian qua, các trưng bày, triển lãm chuyên đề vẫn thu hút đông khách. Bảo tàng còn là điểm đến hấp dẫn với giới trẻ. Do đó, ngay từ bây giờ, Bảo tàng Hà Nội đã tính đến những giải pháp, định hướng thu hút công chúng trong giai đoạn từ nay đến năm 2028.
0:00 / 0:00
0:00
Rất đông bạn trẻ đến Bảo tàng Hà Nội tìm hiểu về phương pháp làm sơn mài khắc nhân triển lãm Con đường mới được tổ chức.
Rất đông bạn trẻ đến Bảo tàng Hà Nội tìm hiểu về phương pháp làm sơn mài khắc nhân triển lãm Con đường mới được tổ chức.

Sau một thời gian dài phải ngừng hoạt động do dịch bệnh Covid-19, ngay khi mở cửa trở lại, Bảo tàng Hà Nội là điểm đến yêu thích của khách tham quan. Bà Nguyễn Ngọc Hòa, Trưởng phòng Truyền thông Bảo tàng Hà Nội cho biết: “Thời gian gần đây, Bảo tàng Hà Nội trung bình mỗi tháng đón từ 12 đến 15 nghìn lượt người đến tham quan, tìm hiểu về di sản văn hóa, tài liệu, hiện vật về Thăng Long-Hà Nội. Ngoài ra, với thiết kế lạ mắt và cảnh quan đẹp, Bảo tàng Hà Nội còn trở thành một địa chỉ thu hút đông đảo giới trẻ đến tham quan, trải nghiệm”.

Tính đến tháng 10/2022, lượng truy cập hashtag #baotanghanoi trên mạng xã hội TikTok đã lên tới 4,9 triệu lượt.

Trong khi chưa hoàn thành các nội dung trưng bày chính, bảo tàng đã tạo sự hấp dẫn bằng các trưng bày, triển lãm chuyên đề, các buổi trải nghiệm thực tế… Từ đầu năm 2022 đến nay, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức 5 trưng bày chuyên đề, gồm: Cổ vật tiêu biểu Bảo tàng Hà Nội, Nếp xưa, Con đường, Hà Nội - Đất trăm nghề, Triển lãm nghệ thuật điêu khắc, hội họa của họa sĩ Ngô Xuân Bính với chủ đề “Ego - Người”.

Nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972-12/2022), Bảo tàng triển khai trưng bày “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972”.

Trong thời gian tới, việc các nội dung trưng bày chính thức được đưa vào khai thác vừa đem lại sự phấn khởi nhưng cũng đặt ra vấn đề làm sao để hoạt động của bảo tàng hiệu quả nhất.

Do đó, ngày 25/11, Bảo tàng Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Giải pháp, định hướng hoạt động cho Bảo tàng Hà Nội giai đoạn 2023-2028”. Các nội dung chính của tọa đàm gồm: Xây dựng ý tưởng trưng bày chuyên đề đặc sắc gắn liền với lịch sử, văn hóa của thủ đô Hà Nội; công tác xã hội hóa, hợp tác trong hoạt động bảo tàng; hoạt động giáo dục tại Bảo tàng Hà Nội; hợp tác với các công ty lữ hành du lịch xây dựng các mạng lưới các tour tuyến tham quan...

Tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng phân tích, đánh giá tiềm năng, thế mạnh cùng những khó khăn, thách thức mà Bảo tàng Hà Nội cần nỗ lực vượt qua, nhằm đạt được các mục tiêu mà đơn vị đề ra, từ đó mang đến cho công chúng những giá trị văn hóa cốt lõi của Thủ đô trên cơ sở những sưu tập tài liệu, hiện vật mà bảo tàng đang lưu giữ; xây dựng điểm đến hấp dẫn - một thương hiệu cho Bảo tàng Hà Nội.

Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Phó Giáo sư Phạm Mai Hùng cho biết: “Gần đây, Bảo tàng Hà Nội rất đông khách, chứng minh hướng đi đúng khi mở cửa trở lại sau đại dịch. Để có sức hút dài lâu, Bảo tàng Hà Nội cần chuẩn bị những chuyên đề trưng bày có chiều sâu, đặc sắc, được tổ chức kỹ lưỡng; tập trung đào tạo đội ngũ thuyết minh có năng lực, có ngoại ngữ để đón tiếp khách tham quan”.

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Bích Vân góp ý: “Bên cạnh những hoạt động trưng bày, Bảo tàng Hà Nội cần lưu ý xây dựng bộ nhận diện thương hiệu; xuất bản ấn phẩm, catalog; kết nối với các kênh truyền thông xã hội; xây dựng hệ thống các dịch vụ tiện ích, như: Nhà hàng, quán cafe, museum shop (cửa hàng bảo tàng)... Đồng thời, tăng cường liên kết với các tổ chức, cá nhân xã hội hóa các hoạt động, xây dựng đội ngũ tình nguyện viên cho Bảo tàng Hà Nội”.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt Nguyễn Trung Thành đề xuất: “Bảo tàng Hà Nội cần quy tụ và là địa điểm của các làng nghề tổ chức triển lãm; có không gian dành riêng cho giới trẻ sáng tạo, check-in và các dịch vụ tiện ích đầy đủ để thu hút khách đến với bảo tàng”.

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết, được giao quản lý một lượng lớn hiện vật để phục vụ trưng bày, giới thiệu với công chúng là vinh dự của những người làm bảo tàng. Song, đó cũng là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Do đó, Bảo tàng Hà Nội sẽ tiếp thu các ý kiến, nỗ lực để hoạt động của bảo tàng mang tính “động”, có nhiều tương tác để hấp dẫn công chúng trong tương lai.