Trải nghiệm cuối tuần

Bảo tàng Hà Nội thu hút các bạn trẻ

Bảo tàng Hà Nội đã đi vào hoạt động hơn mười năm nay, nhưng gần đây, địa chỉ này trở thành "tọa độ sống ảo" của giới trẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Giới trẻ đến với các khu trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.
Giới trẻ đến với các khu trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội.

Mặc dù vẫn đang trong thời gian thi công các khu trưng bày, chỉ có một số khu vực trưng bày giới thiệu Bảo vật quốc gia, khu triển lãm nghệ thuật... nhưng vào những ngày cuối tuần, Bảo tàng Hà Nội nườm nượp người ra, vào. Khách đến chủ yếu là các bạn sinh viên, học sinh. Bảo tàng Hà Nội hiện vẫn không thu vé, khách chỉ mất phí gửi xe. Vì vậy, giới trẻ gọi đây là "điểm check-in 5k" (do chỉ mất 5.000 đồng tiền gửi xe).

Check-in tại bảo tàng không phải là một trào lưu quá mới của giới trẻ. Nhưng trong thời điểm hiện tại, Bảo tàng Hà Nội là "số 1". Điểm hấp dẫn đầu tiên của Bảo tàng Hà Nội với giới trẻ chính là hình kim tự tháp ngược, với việc giật cấp theo hướng rộng dần khi lên các tầng trên. Kiến trúc này hiện có một không hai ở Việt Nam. Bảo tàng Hà Nội cũng được tạp chí Business đánh giá là một trong những bảo tàng có kiến trúc đẹp trên thế giới. Cho nên, đến với Bảo tàng Hà Nội, các bạn trẻ sẽ có những góc chụp ảnh "không đụng hàng", thỏa sức "diễn" trong khuôn viên rộng lớn hàng nghìn mét vuông. Nếu những năm trước đây, cây cối chưa phát triển khiến hình kim tự tháp ngược trơ trọi, thì hiện nay cây cối xanh tốt, khuôn viên được thiết kế nhiều lối đi lại đẹp mắt, khi lên hình, Bảo tàng Hà Nội trông rất giống các khu nghỉ dưỡng đầy cây xanh. Điểm bất ngờ thứ hai ở Bảo tàng Hà Nội với mọi người là hệ thống cầu thang đi xuống tầng hầm. Những bậc cầu thang bằng đá, bức tường ốp đá trông rất bắt mắt. Chưa kể, những loại cây trang trí bên cầu thang, nhất là cây cúc tần Ấn Độ rủ xuống càng khiến những góc chụp ảnh trở nên thú vị. Bảo tàng có lối đi xuống tầng hầm dành riêng cho người khuyết tật, những lối đi này tạo thành hình dích dắc, rất "ăn hình".

Ngoài kiến trúc và trang trí bên ngoài, Bảo tàng Hà Nội còn có rất nhiều khu vực khác để cho khách "check-in". Trong khuôn viên Bảo tàng có mô hình cổng làng Mông Phụ (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) - một chiếc cổng làng nổi tiếng. Ở một khu vực khác, Bảo tàng tái hiện một đoạn phố cổ. Tại đây có các gian hàng trưng bày sản phẩm làng nghề. Đây là không gian yêu thích với nhiều bạn trẻ khi không cần đi đâu xa cũng có những bức ảnh đầy tính hoài cổ.

Khi đi vào bên trong, Bảo tàng Hà Nội cũng không thiếu những không gian đẹp và nhiều điều để khám phá. Sảnh trung tâm ở tầng 1 hiện là nơi trưng bày những Bảo vật quốc gia phiên bản gốc mà Bảo tàng lưu giữ. Nổi bật nhất trong đó là chiếc trống đồng Cổ Loa và bộ lưỡi cày đồng trong trống (phát hiện tại tòa thành Cổ Loa lịch sử), quả chuông Thanh Mai (đúc vào năm 798, phát hiện tại Bãi Rồng, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai) hay cây đèn gốm men lam xám thế kỷ XVI của tác giả Đặng Huyền Thông, một nghệ nhân gốm tài hoa tiêu biểu thời Mạc... Ngay bên cạnh khu trưng bày Bảo vật quốc gia là những khu triển lãm các di sản văn hóa, các tác phẩm nghệ thuật với chủ đề thường xuyên thay đổi. Hiện nay, các tầng trên của Bảo tàng vẫn đang thi công để hoàn thiện các khu trưng bày.

Mặc dù giới trẻ đến với Bảo tàng Hà Nội hiện nay chủ yếu với mục đích "check-in", song đó là tiền đề mà Bảo tàng có thể tạo sức hút khi các phần trưng bày về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, phong tục-tập quán... của Hà Nội được đưa vào khai thác chính thức trong thời gian tới.