Cùng suy ngẫm

Khai thác hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức

Việc đưa vào vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đã làm thay đổi nhận thức và cung cấp tiện ích lớn đối với mỗi CBCCVC, tạo một sổ tay điện tử thông tin cá nhân có thể dễ dàng truy cập tra cứu, trích xuất, lưu trữ các thông tin về: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quá trình tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, lương, phụ cấp, khen thưởng, lý lịch bất cứ lúc nào.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: nhandan.vn.
Ảnh: nhandan.vn.

Ngoài việc tích hợp dữ liệu thông tin cá nhân, Cơ sở dữ liệu còn giúp cơ quan, tổ chức, người quản lý các cấp về CBCCVC thống kê, báo cáo, phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu hoạch định chính sách đối với đội ngũ CBCCVC, giúp tiết kiệm chi phí, minh bạch hóa công tác quản lý CBCCVC. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cổng dịch vụ công, cơ sở dữ liệu quốc gia khác giúp tổng hợp, phân tích dữ liệu, dự báo hỗ trợ trong việc ban hành chính sách về công tác cán bộ, nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, Cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC đã bộc lộ một số hạn chế. Đáng chú ý, mặc dù đã có quy định về quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu, nhưng việc người dùng khai thác không đúng quy định và sử dụng các thiết bị thông minh không bảo đảm các điều kiện an toàn để truy cập vào hệ thống sẽ dễ dẫn đến lộ lọt dữ liệu, bị đánh cắp thông tin cá nhân.

Sau thời gian thực hiện, Cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC đã bộc lộ một số hạn chế.

Việc vận hành, khai thác đôi khi vẫn bị lỗi, kết nối chưa được đồng bộ, kết nối dữ liệu liên thông còn ít; số lượng CBCCVC sử dụng, khai thác, cập nhật, bổ sung thông tin chưa được như mong đợi.

Khắc phục bất cập, đồng thời khai thác, phát huy giá trị, tính hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC là yêu cầu cấp thiết lúc này. Bộ Nội vụ cần tiếp tục cập nhật, bổ sung, nâng cấp hệ thống phần mềm của Cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC do Bộ quản lý; sớm hoàn thiện việc kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu các ngành khác như: bảo hiểm xã hội, y tế; Công an; lao động-thương binh và xã hội; tổ chức cán bộ... nhằm phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước, điều phối và phát triển nguồn nhân lực, thu hút và trọng dụng nhân tài, thực hiện thủ tục hành chính, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội.

Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm và phát huy vai trò của người đứng đầu trong công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai thực hiện việc quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC trong việc sử dụng phần mềm, công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác, nhất là đội ngũ làm nhiệm vụ liên quan đến công tác tổ chức, quản lý về nhân sự, nhân lực để đáp ứng yêu cầu luôn duy trì dữ liệu “đúng-đủ-sạch-sống”. Ban hành quy định riêng về việc quản lý, khai thác, sử dụng phần mềm và sử dụng Cơ sở dữ liệu CBCCVC phù hợp, trong đó có phân cấp và phân công nhiệm vụ, trách nhiệm giữa tổ chức và cá nhân để bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin.

Việc triển khai thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC là chìa khóa để thực hiện tốt công tác xây dựng thể chế, chính sách và quản lý biên chế, quản lý, sử dụng CBCCVC hiệu quả hơn. Đây cũng là một trong những tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, góp phần quan trọng xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số hướng tới nền kinh tế số, xã hội số ■