Thành phố cố gắng không để việc sắp xếp đơn vị hành chính ảnh hưởng đến tâm tư của cán bộ, đồng thời giải quyết kịp thời nguyện vọng của cán bộ, công chức, người lao động trong giai đoạn này.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh cho biết, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là cần thiết nhằm tạo điều kiện tập trung các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung mở rộng sản xuất, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế-xã hội. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi được tập trung hơn, tránh việc đầu tư xây dựng dàn trải, nhất là đối với sự nghiệp giáo dục, y tế. Đồng thời, việc sắp xếp góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tinh giản biên chế; tiết kiệm chi cho ngân sách, góp phần cải cách chính sách tiền lương, nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.
Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025, số lượng đơn vị hành chính cấp xã tại Hà Nội giảm từ 579 đơn vị xuống còn 518 đơn vị, giảm 61 đơn vị, gồm 46 xã, 15 phường tại 20 quận, huyện, thị xã. Hà Nội là địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã được sắp xếp lớn nhất giai đoạn này.
Về công tác cán bộ, sau sắp xếp, có 1.031 cán bộ cấp xã, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư. Sau khi đề án được Chính phủ, Bộ Nội vụ phê duyệt, thành phố sẽ tập trung sắp xếp về tổ chức, bộ máy, để chính quyền tại các xã, phường, thị trấn thực hiện sắp xếp đi vào hoạt động bình thường, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; tạo thuận lợi nhất cho hoạt động của nhân dân trong giao dịch, giải quyết các thủ tục hành chính, cũng như thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.
Ông Đinh Trường Thọ, tổ đại biểu quận Đống Đa cho biết, việc lấy ý kiến của cử tri về đề án được tổ chức tốt, tạo sự đồng thuận cao, tỷ lệ các cử tri toàn thành phố đồng ý phương án sắp xếp đạt hơn 97%. Ông Đinh Trường Thọ đề nghị các sở, ngành có hướng dẫn, quy định cụ thể để thực hiện chủ trương, đặc biệt là cần có cơ chế đặc thù cho cán bộ dôi dư, cán bộ phải nghỉ sớm, nghỉ trước tuổi do sắp xếp các đơn vị hành chính.
Bà Bùi Thu Hiền, tổ đại biểu huyện Ứng Hòa cho biết, huyện có 14 xã trong diện phải sắp xếp đơn vị hành chính và là địa bàn có số xã giảm nhiều nhất trong các quận, huyện của thành phố. Sau sắp xếp, huyện Ứng Hòa sẽ dôi dư 144 cán bộ. Địa phương này cũng đề nghị Sở Nội vụ Hà Nội sớm có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về sắp xếp cán bộ, công chức để địa phương có thời gian sắp xếp đối với cán bộ dôi dư.
Đối với đội ngũ cán bộ, ông Trần Đình Cảnh cho biết, trước mắt, thành phố hợp nhất nguyên trạng bộ máy. Tất cả cán bộ, công chức của các lĩnh vực tại các đơn vị thuộc địa phương sáp nhập đơn vị hành chính được giữ nguyên, hoạt động ổn định nhằm phục vụ tốt nhất cho hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Thành phố cố gắng không để việc sắp xếp đơn vị hành chính ảnh hưởng đến tâm tư của cán bộ, đồng thời giải quyết kịp thời nguyện vọng của cán bộ, công chức, người lao động trong giai đoạn này. Sau đó, với cán bộ đủ tuổi nghỉ hưu, gần đến tuổi nghỉ hưu, thành phố cho nghỉ chế độ theo quy định của pháp luật. Cán bộ có nguyện vọng nghỉ công tác, chuyển công tác được giải quyết kịp thời. Đồng thời, thành phố sắp xếp, điều động cán bộ đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn từ nơi thừa sang nơi thiếu trong cùng địa giới hành chính.
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.