Không để cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

Tại kỳ họp thứ 17 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội diễn ra ngày 3/7, phiên chất vấn về nội dung “Thực hiện kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước thuộc thành phố”, nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu và cử tri.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu phát biểu ý kiến tại kỳ họp thứ 17 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16.
Đại biểu phát biểu ý kiến tại kỳ họp thứ 17 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16.

Thời gian qua, Hà Nội tập trung đào tạo cán bộ về kỹ năng làm việc theo vị trí việc làm, tuy nhiên kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ ở một số địa phương, đơn vị còn chưa cao, chưa nghiêm, khiến thành phố bị “thụt lùi” về thứ hạng một số chỉ số đánh giá; tác động đến tiến độ, hiệu quả đầu tư công, cải cách hành chính…

Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, cá biệt có nơi xuất hiện tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc, trách nhiệm, có biểu hiện bàn lùi, sợ sai, sợ trách nhiệm. Một số cán bộ, công chức được phân công nhiệm vụ tham mưu, đề xuất, nhưng không thể hiện quan điểm rõ ràng, nhất quán, thiếu chủ động, trách nhiệm, nhất là trong việc xử lý, giải quyết những việc khó, phức tạp, dẫn tới một số nhiệm vụ đã được Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, giao nhiệm vụ, nhưng còn chậm tiến độ, chất lượng chưa bảo đảm.

Một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn vi phạm, không nghiêm túc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, nội quy, quy chế, phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đây là vấn đề quan trọng, cấp thiết đang được Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và cần được Hội đồng nhân dân thành phố chất vấn để rà soát, đánh giá đúng các ưu điểm, hạn chế, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và lộ trình, giải pháp để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Minh Hải, Ủy ban nhân dân thành phố nhận thức được đây là nội dung rất quan trọng, mang tính trọng yếu, vừa là khâu đột phá, vừa là điểm nghẽn cản trở sự phát triển. Đại biểu Phạm Đình Đoàn, tổ đại biểu huyện Mê Linh đánh giá, công tác cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, then chốt của then chốt.

Thời gian qua, tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức của thành phố được cải thiện đôi chút, nhưng chỉ số PCI năm 2023 của thành phố lại giảm tám bậc so với năm 2022, trong đó chỉ số thành phần Chi phí thời gian giảm 32 bậc. Đại biểu Phạm Đình Đoàn nêu vấn đề: “Trình độ của cán bộ, công chức các cấp của Thủ đô không thấp hơn trình độ công chức các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhưng tại sao chỉ số PCI của thành phố lại thấp hơn rất nhiều?”.

Cụ thể, có năm trong 10 chỉ số thành phần PCI của thành phố Hà Nội năm 2023 bị giảm điểm so với 2022 là: “Tiếp cận đất đai”, “Tính minh bạch”, “Cạnh tranh bình đẳng”, “Đào tạo lao động” và “Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự”. Trên thực tế, tại Hà Nội, vẫn còn tình trạng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để xảy ra quá hạn, kết quả giải quyết một số hồ sơ chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong ba năm qua, đã có hơn 16 nghìn hồ sơ thực hiện thủ tục thành lập và hoạt động doanh nghiệp bị chậm giải quyết; 1.700 hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp bị chậm; 300 hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố cho thấy, trong ba năm, sở để xảy ra tình trạng chậm, muộn hơn 16 nghìn hồ sơ đăng ký kinh doanh, trong tổng số hơn 762 nghìn hồ sơ, tương đương 2,1%. Sở phải giải quyết hơn 1.000 hồ sơ mỗi ngày, đây là khối lượng công việc rất lớn.

Đại biểu Vũ Đức Bảo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy cho biết, trong thời gian qua, Hà Nội tập trung thực hiện nhiều giải pháp khắc phục bất cập về thủ tục hành chính, về quy trình, quy chế và nhất là thực hiện phân cấp, ủy quyền... Thành phố chú trọng đào tạo cán bộ về vị trí việc làm, kỹ năng làm việc. Cán bộ không kém và được đào tạo, song chất lượng công việc do cán bộ thực thi lại không chỉ phụ thuộc vào tri thức, trình độ chuyên môn. Qua thanh tra công vụ, liên quan đến hai dự án tại huyện Hoài Đức, phải mất tới 884 ngày để trả lời một văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Khi kiểm tra thì vấn đề không nằm ở Ủy ban nhân dân thành phố hay nằm ở sở chuyên môn mà xuất phát từ các đồng chí trưởng, phó phòng, chuyên viên.

Thời gian tới, việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai khi xử lý công việc của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ luôn được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Minh Hải cho biết, Hà Nội sẽ rà soát lại toàn bộ thẩm quyền, chức năng của từng sở, ngành; ban hành quy chế, quy trình xử lý công việc, nhất là quy trình liên thông; đẩy mạnh tính minh bạch thông qua chuyển đổi số, giúp cán bộ triển khai nhiệm vụ hiệu quả.

Để khắc phục tình trạng chậm, muộn trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho biết, sở rà soát, ban hành 42 quy trình nội bộ, trong năm 2024, Sở sẽ tiếp tục rà soát ban hành các quy trình nội bộ và sẽ đưa ra bộ phận “một cửa” các quy trình đủ điều kiện để dễ quản lý và tránh để cán bộ gây nhũng nhiều cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy trình liên thông giữa các sở, ngành để hạn chế chậm, muộn trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính.

Về vấn đề một số cán bộ phiền hà, sách nhiễu bị xử lý thế nào nếu vi phạm, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, thời gian qua, sở đã kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, công vụ dựa theo luật, nghị định và quy trình nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học. Trong quá trình kiểm tra công vụ, Sở Nội vụ tập trung kiểm tra quy chế làm việc, quy chế phối hợp, chương trình công tác và phân công, phân nhiệm đối với cán bộ, công chức và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Đối với những cá nhân, tập thể có biểu hiện mà dư luận cho là vi phạm, đoàn kiểm tra công vụ trực tiếp kiểm tra hồ sơ, tài liệu để minh chứng việc giải quyết thực thi công vụ của đồng chí đó có bảo đảm yêu cầu hay không. Từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố tiến hành 4.479 cuộc kiểm tra công vụ; trong đó Đoàn kiểm tra công vụ thành phố thực hiện 139 cuộc kiểm tra, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã và đơn vị hiệp quản thực hiện 4.340 cuộc kiểm tra; xử lý kỷ luật 1.759 trường hợp.

Để nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước, ông Vũ Đức Bảo cho rằng, trách nhiệm vẫn là người đứng đầu. Các quận, huyện, địa phương cần kiểm soát công việc theo trách nhiệm người đứng đầu, vì có tình trạng quy trình công việc rất đầy đủ, nhưng không ai thực hiện và không ai xử lý; cùng với đó, cần quan tâm tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm của công chức cho các trưởng phòng, phó trưởng phòng và cán bộ tham mưu.

Có doanh nghiệp đã phản ánh gặp trưởng phòng, phó trưởng phòng và chuyên viên khó hơn gặp giám đốc. Vì vậy, chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện cần xác định trách nhiệm của mình trong việc đôn đốc, kiểm soát công việc và trong việc quản lý cán bộ cấp dưới. Để đạt được những khát vọng phát triển Thủ đô, cần nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan nhà nước thuộc thành phố Hà Nội. Cán bộ không chỉ làm việc bằng tri thức, mà phải làm việc với ý thức, trách nhiệm và cả trái tim.