Theo đó, cơ sở dữ liệu ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ sở dữ liệu do các đơn vị thuộc bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng, phát triển nhằm mục đích phục vụ riêng cho từng lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của đơn vị; phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo bảo hiểm xã hội Việt Nam; phục vụ dữ liệu phân tích vĩ mô, đánh giá tác động chính sách trong các lĩnh vực quản lý của bảo hiểm xã hội Việt Nam và kết nối, cập nhật dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Danh mục cơ sở dữ liệu của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam được xây dựng với mục tiêu làm cơ sở xác định các thành phần, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo quy định tại Nghị định số 47/2024/NĐ-CP ngày 9/5/2024 của Chính phủ quy định về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia và Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, đồng bộ và chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ trong ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam; tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; bảo đảm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của các đơn vị trong ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam; nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu theo điều kiện thực tế của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam; xác định nguyên tắc, yêu cầu, trách nhiệm của các đơn vị thuộc bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), hạn chế rút bảo hiểm một lần
Danh mục cơ sở dữ liệu ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam gồm: Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam và Danh mục cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam bao gồm: Cơ sở dữ liệu tổng hợp về bảo hiểm (Kho dữ liệu tổng hợp của bảo hiểm xã hội Việt Nam - DWH) và Cơ sở dữ liệu quản lý danh mục dùng chung (IAM).
Danh mục cơ sở dữ liệu chuyên ngành gồm 15 danh mục: Cơ sở dữ liệu thu và quản lý sổ, thẻ; Cơ sở dữ liệu kế toán tập trung; Cơ sở dữ liệu xét duyệt chính sách; Cơ sở dữ liệu thẩm định quyết toán; Cơ sở dữ liệu cấp mã số bảo hiểm xã hội và quản lý bảo hiểm y tế hộ gia đình; Cơ sở dữ liệu giám định bảo hiểm y tế; Cơ sở dữ liệu quản lý thuốc; Cơ sở dữ liệu quản lý đầu tư Quỹ; Cơ sở dữ liệu quản lý dòng tiền; Cơ sở dữ liệu thu nộp, chi trả bảo hiểm xã hội điện tử; Cơ sở dữ liệu quản lý tài khoản đầu tư tự động; Cơ sở dữ liệu lưu trữ hồ sơ điện tử; Cơ sở dữ liệu hồ sơ hành chính điện tử (hồ sơ số hóa); Cơ sở dữ liệu quản lý nhân sự và Cơ sở dữ liệu quản lý tài sản tập trung.
Quyết định cũng quy định cụ thể trách nhiệm tổ chức thực hiện của các chủ thể có liên quan. Đó là: Đơn vị chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu; Các đơn vị chủ quản cơ sở dữ liệu; Các đơn vị thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Trung tâm Công nghệ thông tin; Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã; các cơ quan, tổ chức, đơn vị ngoài ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam có hoạt động liên quan đến cập nhật, kết nối, khai thác và sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, 28/6/2024. Theo đó, xác định cụ thể Danh mục cơ sở dữ liệu của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam và các yêu cầu cho việc xây dựng các danh mục cơ sở dữ liệu ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam bảo đảm tính đồng bộ, tính kết nối, liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, bảo đảm tính hệ thống, tiết kiệm và hiệu quả đầu tư; đồng thời nâng cao tính linh hoạt cho các đơn vị thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam khi thực hiện xây dựng, phát triển và khai thác sử dụng các cơ sở dữ liệu nhằm xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về bảo hiểm phù hợp thông lệ quốc tế và tình hình thực tiễn tại Việt Nam; tạo lập nền tảng cho việc xây dựng Chính phủ số.