"Dấu thiêng" là hành trình khám phá và tôn vinh vẻ đẹp trường tồn của nghệ thuật sơn mài Việt Nam - một di sản quý giá, kết tinh từ sự khéo léo, kiên nhẫn và tâm hồn của Chu Nhật Quang.
Qua những tác phẩm độc đáo, triển lãm mở ra một thế giới đậm chất truyền thống, nơi mỗi nét vẽ, mỗi lớp sơn đều chứa đựng câu chuyện riêng, thể hiện chiều sâu của văn hóa và tinh thần dân tộc.
Họa sĩ Chu Nhật Quang phát biểu mở đầu khai mạc triển lãm. |
Không dừng lại ở phạm vi một triển lãm tranh, "Dấu thiêng" còn là nhịp cầu kết nối giữa truyền thống và hiện đại, đưa nghệ thuật sơn mài đến gần hơn với người yêu nghệ thuật đương đại.
Triển lãm trưng bày 52 tác phẩm sơn mài về phong cảnh quê hương, các địa danh di sản dân tộc với phong cách nghệ thuật kết hợp truyền thống và hiện đại, được trưng bày theo bốn chủ đề.
Chủ đề "Khởi" mở đầu triển lãm với 14 bức tranh, không chỉ tìm cách tái hiện các vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày mà còn mang lại một sự sống mới cho chúng thông qua sự kết hợp tinh tế giữa màu sắc và kết cấu sơn mài.
Chủ đề "Cội" gồm 17 bức tranh, đưa người xem vào một hành trình sâu xa để khám phá văn hóa và di sản của dân tộc Việt Nam như Hoàng thành Thăng Long, Tháp Rùa, Chùa Một Cột, chùa Thầy.... Với hình tượng mẹ Âu Cơ và nghệ thuật múa rối nước, họa sĩ gợi lên những câu chuyện về nguồn gốc thiêng liêng và sự hy sinh thầm lặng của những người nông dân - những người đã nuôi dưỡng và giữ gìn văn hóa lâu đời.
Dàn nhạc giao hưởng dân tộc được chỉ huy bởi nhạc trưởng Đồng Quang Vinh. |
Chủ đề "Linh" với chín bức tranh, tiếp tục khơi gợi sự hoài niệm về văn hóa và di sản. Họa sĩ tái hiện cảnh sân khấu thủy đình xưa với những buổi diễn rối nước, ngôi chùa Thầy nổi tiếng, và những cảnh đời thường tại các ngôi làng cổ. Hoàng thành Thăng Long và Tháp Rùa cũng được khắc họa một cách sinh động, thể hiện sự trường tồn của văn hóa Việt Nam qua mọi thăng trầm lịch sử.
Chủ đề cuối cùng- "Nôi" với 12 bức tranh, gợi lên ký ức về quê hương, những ngôi đình làng và nghệ thuật rối nước - những biểu tượng văn hóa đặc trưng của cộng đồng nông dân Việt Nam. Các bức tranh về rối nước không chỉ tái hiện đời sống và tập quán của nền văn minh lúa nước, mà còn khắc họa rõ nét bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.
Ca sĩ Phạm Thu Hà với phần biểu diễn ấn tượng, thăng hoa tại triển lãm. |
Phát biểu tại buổi khai mạc, họa sĩ Chu Nhật Quang bày tỏ: "Tôi thấy vô cùng xúc động khi mọi người tới tham dự, bày tỏ sự quan tâm tới triển lãm của tôi. Tôi trân trọng giá trị truyền thống của sơn mài Việt Nam, và thấy mình có trách nhiệm kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống, khám phá ra cách tiếp cận, biểu đạt mới cho sơn mài Việt Nam. Điều tôi mong muốn là tranh sơn mài của mình có thể đưa công chúng chạm vào các cung bậc cảm xúc từ cổ xưa tới hiện đại và mang tới hơi thở mới cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam".
"Trong những năm học tập ở Mỹ tôi được thử nghiệm nhiều công nghệ và tri thức khoa học ứng dụng trong nghệ thuật nói chung, hội hoạ nói riêng. Sau khi về nước tôi bắt tay thí nghiệm trên sơn mài truyền thống và đã phần nào tạo ra được những màu sắc đặc biệt, phù hợp với ý tưởng của mình. Tôi muốn ai cũng thấy vẻ đẹp của truyền thống không phải lúc nào cũng là cũ kỹ" - họa sĩ Chu Nhật Quang chia sẻ.
Tiếp nối "Dấu thiêng", Chu Nhật Quang cũng đang trong quá trình hoàn thiện bộ tranh sơn mài khổ lớn về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước và kỷ niệm 80 năm Quốc khánh Việt Nam tại Thủ đô Hà Nội. Anh hy vọng được đi khắp mọi miền Tổ quốc, học hỏi, trau dồi, góp phần nhỏ sức sáng tạo của mình để tái hiện vẻ đẹp của non sông đất nước.
Xác định đó là một hành trình dài, gian nan, đòi hỏi nhiều nỗ lực, nên họa sĩ cho rằng, mỗi bức tranh chính là một bước tiến nhỏ để anh chinh phục mọi giới hạn. Qua triển lãm, họa sĩ mong muốn có thể truyền lửa, lan tỏa tâm huyết và tư duy nghệ thuật tới công chúng.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam có mặt từ rất sớm để thưởng thức vẻ đẹp tranh sơn mài. |
Chu Nhật Quang sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật. Ông nội anh là Nghệ nhân nhân dân, họa sĩ Chu Mạnh Chấn – người có niềm đam mê sâu sắc đối với nghệ thuật, đã gắn bó với việc khôi phục và bảo tồn di sản văn hóa của làng quê Bắc Bộ qua nghệ thuật sơn mài.
Chu Nhật Quang thể hiện tâm huyết, tài năng qua những tác phẩm công phu. |
Cha anh là Nghệ sĩ ưu tú Chu Lượng, nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, đã dành cả đời cho sự nghiệp múa rối nước truyền thống. Dù theo học và nghiên cứu về nghệ thuật nhiều năm ở nước ngoài nhưng Chu Nhật Quang vẫn chọn tiếp nối truyền thống gia đình bằng việc phát triển nghệ thuật tranh sơn mài với tư duy và cách thức hiện đại.
Các tác phẩm sơn mài càng trở nên huyền ảo, có chiều sâu khi màn đêm buông xuống. |
Họa sĩ Chu Nhật Quang cũng cho biết, anh và cộng sự đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để nghiên cứu, khám phá cách thực hiện tranh sơn mài khổ lớn, đồng thời thử nghiệm các phương án chiếu sáng cho tranh trưng bày ngoài trời để đem đến trải nghiệm tốt nhất cho công chúng.