Sơn mài là chất liệu đặc biệt của mỹ thuật Việt Nam, nhưng sáng tạo với sơn mài cũng là thử thách không hề đơn giản, nhất là với các họa sĩ trẻ. Không chỉ đòi hỏi nhiều bước thủ công, thời gian hoàn thiện dài, tranh sơn mài có chất liệu độc đáo và đắt đỏ hơn nhiều loại hình khác.
Tuy vậy, Chu Nhật Quang cũng không phải “tay mơ” lần đầu chạm ngõ nghệ thuật. Chàng trai sinh năm 1995 được nuôi dưỡng và trưởng thành trong “chiếc nôi” mỹ cảm đậm đà bản sắc Việt, đồng thời đã có nhiều năm tu nghiệp trong những môi trường học thuật bài bản và tinh hoa của thế giới như Australia, Hoa Kỳ.
Ngắm những tác phẩm sơn mài khổ lớn của Chu Nhật Quang, những “sơn son thếp vàng” truyền thống vẫn hiển hiện, nhưng được họa sĩ pha trộn thêm nhiều mảng mầu, nhấn nhá độ sáng, biến tấu đường nét... mang hơi thở thời đại. Họa sĩ Thành Chương nhận xét rằng, nhìn tranh biết ngay cá tính, phong cách của tác giả, không trộn lẫn. Theo ông, Chu Nhật Quang đã đưa nét hiện đại vào truyền thống một cách tự nhiên, hài hòa.
Trò chuyện với Chu Nhật Quang, họa sĩ trẻ thừa nhận mình may mắn sống trong môi trường nghệ thuật thuận lợi. Ông nội của Chu Nhật Quang là Nghệ sĩ Nhân dân Chu Mạnh Chấn, một họa sĩ cũng nổi tiếng với sơn mài, đam mê khôi phục và bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam. Cha anh là Nghệ sĩ Ưu tú, đạo diễn Chu Lượng, nguyên Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long, người dành cả cuộc đời cho nghệ thuật rối nước - nơi những chú rối cũng được bàn tay nghệ nhân sơn mài trau chuốt.
Chu Nhật Quang kể, từ thuở nhỏ đã có cơ hội theo ông đi phục chế tranh và triển lãm nhiều nơi. Khi đó những hình tượng như đình làng, bến nước, chợ quê, đàn trâu, ruộng đồng... dần in sâu vào tâm trí. Tuổi thơ của Quang cũng là những trải nghiệm được cha đưa về làng nghề làm rối, phường nghề diễn rối. Vốn dĩ làm con rối có nhiều công đoạn tương đồng với làm tranh sơn mài, nên cảm hứng với văn hóa truyền thống trong anh như hạt giống được vun trồng, chăm bẵm, tưới tắm kiên trì và cẩn thận.
Họa sĩ chia sẻ một kỷ niệm sâu sắc, đó là khi cậu bé Chu Nhật Quang nhỏ xíu được ngồi cạnh ông nội trong phòng vẽ tranh, bỗng nhiên được ông cho một tấm vóc nhỏ và dạy cách gắn vỏ trứng. Từ giây phút ấy, một thế giới diệu kỳ của sáng tạo nghệ thuật đã mở ra với Chu Nhật Quang.
Dù kế thừa nền tảng gia đình vững chãi, nhưng tư duy và góc nhìn về nghệ thuật của anh chưa bao giờ được định hướng mà chỉ có sự động viên, khích lệ từ gia đình. Sau này, dù lần lượt thử sức với mầu nước, sơn dầu, than chì... nhưng chỉ có sơn mài “như thỏi nam châm cuốn hút tôi” - họa sĩ chia sẻ. Sơn mài cho người nghệ sĩ những cảm xúc hồi hộp và thăng hoa khó tả, từ việc tỉ mẩn gắn vỏ trứng, tới khi các lớp mầu được chồng lên nhau, cho đến tác phẩm cuối cùng là kết quả không thể đoán trước, không thể lặp lại.
Qua các tác phẩm, Chu Nhật Quang không chỉ thể hiện sự tôn trọng và yêu mến giá trị văn hóa mà còn mang đến góc nhìn mới mẻ, hiện đại cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Với sơn mài phong cảnh, họa sĩ tái hiện nhiều hình ảnh đặc trưng của nông thôn miền bắc, sinh hoạt đời thường với bố cục ấn tượng và nhiều mầu sắc hiện đại. Bên cạnh đó, tranh sơn mài tĩnh vật của anh cũng được đánh giá cao với những bình sen gốm, đĩa trái cây mang hương sắc mùa thu, ấm trà trên bàn... đẹp dung dị và sâu lắng.
Sắp tới, vào dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954-10/10/2024), 50 tác phẩm sơn mài của họa sĩ Chu Nhật Quang sẽ được trưng bày tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. 50 bức tranh là bấy nhiêu ký ức, hoài niệm và tình cảm của Chu Nhật Quang, với cảm hứng xuyên suốt là tinh thần dân tộc, nghệ thuật múa rối nước, hình ảnh Hà Nội - nơi họa sĩ sinh ra và dành nhiều tình yêu.
Theo họa sĩ, tất cả những ý tưởng đều được anh ấp ủ từ lâu, với những nghiên cứu và ý thức sâu sắc về văn hóa, chỉ chờ một chất liệu phù hợp để thăng hoa - đó là sơn mài. Họa sĩ Chu Nhật Quang bày tỏ mong muốn góp phần phát triển, mở rộng cộng đồng các họa sĩ trẻ đam mê nghệ thuật sơn mài truyền thống. Anh dự định phối hợp một số đơn vị giáo dục, đào tạo nghề, công tác xã hội... để mở lớp dạy vẽ cho trẻ em, trẻ tự kỷ.
Trong lần triển lãm cá nhân đầu tiên, họa sĩ Chu Nhật Quang không đặt nặng vấn đề thu hút các nhà sưu tập mà chỉ thiết tha muốn gửi tới công chúng thông điệp về mối liên kết chặt chẽ giữa bản sắc dân tộc với nghệ thuật đương đại, lan tỏa niềm tự hào về sơn mài Việt Nam trong nhịp sống hối hả ngày nay.