Đây là kết quả tương đối khả quan trong bối cảnh các hãng hàng không đang phải đối mặt với khó khăn từ giá nhiên liệu cao, biến động tỷ giá bất lợi, tính mùa vụ thấp điểm vào quý II và tình trạng thiếu hụt máy bay do nhà sản xuất Pratt & Whitney triệu hồi động cơ trên toàn cầu.
Kết quả ấn tượng
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu hàng không vẫn đang ở mức cao, bình quân 102,14 USD/thùng, tăng 30,3% so năm 2019, khiến chi phí của các hãng hàng không phát sinh rất lớn, đơn cử Vietnam Airlines chi phí bị “đội” thêm gần 2.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ giá VND/USD ở mức 24.856 đồng, tăng 7% so với năm 2019 khiến chi phí của các hãng trong 6 tháng qua tăng cao và tỷ giá đồng yên Nhật giảm sâu cũng gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng doanh thu của các hãng ở thị trường trọng điểm này.
Ngoài ra, tình trạng thiếu máy bay trầm trọng cũng tác động lớn đến doanh thu, lợi nhuận của hãng hàng không. Trước đại dịch, ngành hàng không Việt Nam có 230 máy bay, nhưng hiện nay chỉ còn 160 máy bay, giảm 32% nguồn lực do ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc thiếu hụt máy bay làm tăng giá thuê máy bay, chi phí bảo dưỡng, vật tư phụ tùng máy bay, đồng thời kéo dài thời gian máy bay nằm đất, gây thiệt hại về doanh thu.
Dù vậy, các hãng hàng không đã tận dụng tốt đà tăng trưởng của thị trường quốc tế để nhanh chóng phục hồi và phát triển. Đối với Vietnam Airlines, tổng thị trường quốc tế 6 tháng đầu năm đạt gần 20 triệu lượt khách, tăng 42% so cùng kỳ năm 2023, phục hồi gần bằng mức trước dịch Covid-19. Tại thị trường nội địa, Vietnam Airlines gia tăng các chuyến bay đêm và triển khai ưu đãi liên kết hàng không-du lịch giúp kích thích mạnh mẽ nhu cầu du lịch trong nước.
Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất hơn 53.126 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 5.674 tỷ đồng; trong đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh gần 1.143 tỷ đồng và lợi nhuận khác hơn 4.531 tỷ đồng. Theo lãnh đạo hãng, khoản lợi nhuận này có sự đóng góp rất lớn từ việc Pacific Airlines được các đối tác xóa nợ. Về kết quả khai thác, hãng vận chuyển gần 11,5 triệu lượt hành khách và 143 nghìn tấn hàng hóa bưu kiện, tăng lần lượt 10% và 42,1% so cùng kỳ 2023.
Lãnh đạo hãng hàng không Vietjet cho biết, trong sáu tháng đầu năm 2024, hãng đã trở lại hoạt động khai thác cao hơn giai đoạn năm 2019, thời kỳ cực thịnh trước đại dịch Covid-19. Trong nửa đầu năm 2024, hãng đã vận chuyển 13,1 triệu hành khách, khai thác 70.154 chuyến bay an toàn. Vietjet đã đóng góp các khoản thuế, phí trực tiếp và gián tiếp cho ngân sách trong 6 tháng đạt gần 3.700 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, doanh thu vận tải hàng không của hãng đạt 32.893 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 1.174 tỷ đồng, tăng 690% so với cùng kỳ.
Về kết quả kinh doanh hợp nhất, 6 tháng đầu năm, Vietjet đạt doanh thu hơn 34 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.311 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 15% và 433% so với cùng kỳ, vượt 21% so với kế hoạch năm. “Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 91.755 tỷ đồng; chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 2 lần (so với mức thông thường trên thế giới là 5 lần); số dư tiền và tương đương tiền tại thời điểm cuối quý II đạt hơn 4.100 tỷ đồng”, đại diện lãnh đạo Vietjet cho biết.
Theo cập nhật của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập Saigon Ratings, Vietjet được duy trì bậc xếp hạng tín nhiệm dài hạn vnBBB-với triển vọng “Ổn định”. Hãng được đánh giá có sự phục hồi rõ rệt, đồng thời với sự chủ động chuẩn bị các điều kiện và tiền đề quan trọng trong các năm 2022, 2023, Vietjet có thể bứt phá phát triển nhanh hơn và bền vững hơn trong trung và dài hạn.
Mở nhiều đường bay quốc tế
Năm 2024 ghi dấu mốc phát triển toàn diện của hãng hàng không Vietjet với mạng bay quốc tế tầm trung mở ra rộng khắp, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vận chuyển trong nước và tiếp tục cho những kế hoạch mở rộng mạng bay quốc tế xa hơn. Tính đến nay, hãng hàng không Vietjet đang khai thác 149 đường bay khắp Việt Nam và quốc tế, bao gồm 38 đường bay quốc nội và 111 đường bay quốc tế.
Từ đầu năm đến nay, hãng đã mở đường bay kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), khai trương đường bay từ Phú Quốc đi Đài Trung và Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc), khai trương đường bay Thành phố Hồ Chí Minh-Viêng Chăn (Lào). Hãng cũng công bố đường bay Nha Trang-Daegu (Hàn Quốc), dự kiến khai thác từ tháng 10 tới, trở thành hãng có nhiều đường bay nhất giữa Việt Nam và Hàn Quốc, ghi dấu hành trình 10 năm kết nối Việt Nam-Hàn Quốc, chuyên chở 10 triệu lượt hành khách tại hơn 37 đường bay giữa hai quốc gia.
Đối với chặng bay xuyên lục địa Á-Australia, Vietjet khai trương hai đường bay từ Hà Nội đi Melbourne và Sydney, nâng đường bay giữa Việt Nam-Australia lên con số 7. Cùng với 5 đường bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đến 5 thành phố lớn nhất của Australia, Vietjet là hãng hàng không khai thác nhiều đường bay nhất giữa Việt Nam-Australia với 58 chuyến bay mỗi tuần. Khai thác đội tàu bay hơn 105 chiếc (bao gồm Vietjet Thái Lan), lượng khách vận chuyển tăng trưởng liên tục hằng năm, Vietjet đang tích cực mở rộng mạng bay của mình trên bầu trời các châu lục, phát triển đội bay mới và hiện đại, thân thiện môi trường.
Nhằm tăng cường năng lực khai thác, phục vụ phát triển mạng bay toàn cầu, tại Triển lãm Hàng không quốc tế Farnborough Airshow 2024 diễn ra mới đây, Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus đã ký hợp đồng đặt mua 20 máy bay thân rộng thế hệ mới A330neo (A330-900) với tổng trị giá 7,4 tỷ USD.
Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng mở thêm các đường bay quốc tế mới đến Manila (Philippines), Thành Đô (Trung Quốc) và nâng cấp máy bay thân rộng trên
các đường bay đến Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore,... Không chỉ bảo đảm hiệu quả kinh doanh, Vietnam Airlines tiếp tục phát huy vai trò của Hãng hàng không quốc gia kết nối Việt Nam với thế giới và giữa các vùng, miền trên cả nước, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nhận định, bằng việc đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới thông qua các hoạt động quảng bá và xúc tiến hàng không-du lịch, các hãng hàng không đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Trong 6 tháng cuối năm, bên cạnh một số yếu tố thuận lợi như đà phục hồi của thị trường quốc tế, môi trường kinh doanh hàng không vẫn sẽ phải đối mặt với các vấn đề như giá nhiên liệu ở mức cao, biến động tỷ giá bất lợi, giá thuê máy bay tăng mạnh và nguồn lực máy bay trong nước suy giảm.
Ngoài ra, có thể xuất hiện các diễn biến mới như: kết quả bầu cử ở một số quốc gia tác động đến các mối quan hệ và sự phát triển của thế giới; xung đột lan rộng ở châu Âu và Trung Đông; cạnh tranh ở thị trường quốc tế gia tăng nhanh chóng khi các hãng hàng không quốc tế tăng cường hoạt động khai thác đến Việt Nam,... “Để vượt qua khó khăn và hoàn thành mục tiêu, các hãng hàng không cần tiếp tục nâng cấp chất lượng dịch vụ, tập trung triển khai hiệu quả công tác điều hành, chuẩn bị tốt nguồn lực trong tương lai và giữ vững an toàn trong khai thác. Đồng thời, tập trung quản trị, kiểm soát chi phí trong tất cả các lĩnh vực, cũng như có các phương án xây dựng và kiểm soát kế hoạch dòng tiền”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam lưu ý.