Hàng không tăng tải, đáp ứng dịp cao điểm hè

Ngành hàng không đang bắt đầu bước vào giai đoạn cao điểm du lịch hè. Ðể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, các hãng hàng không đang nỗ lực tăng tải trọng cung ứng, nhất là trên một số đường bay có lưu lượng lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Hành khách làm thủ tục tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. (Ảnh HOÀNG ANH)
Hành khách làm thủ tục tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. (Ảnh HOÀNG ANH)

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tỷ lệ đặt chỗ trong vòng một tháng tới trên các đường bay nội địa đạt mức cao hơn trung bình đối với một số đường bay kết nối các điểm du lịch từ các địa phương, nhất là vào cuối tuần và các ngày cận kề thời điểm khởi hành.

Giá vé bay "hạ nhiệt"

Thời gian vừa qua, giá vé máy bay tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường vận tải, nguyên nhân chính được xác định do nhiều máy bay phải dừng khai thác để bảo dưỡng động cơ theo yêu cầu của nhà sản xuất và một số hãng tái cơ cấu, giảm số lượng máy bay.

Tại cuộc hội thảo về liên kết hàng không-du lịch do Báo Nhân Dân tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển (Tổng công ty Hàng không Việt Nam) cho hay, thực tế, giá vé máy bay của các hãng tăng nằm trong xu hướng chung của ngành hàng không toàn cầu do chịu tác động của giá nhiên liệu tăng cao, bình quân năm 2024 tăng 34% so với năm 2019 (từ 76,7 USD/thùng lên 102,8 USD/thùng).

Theo ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Hãng hàng không Bamboo Airways, giá vé máy bay chỉ hạ nhiệt, giảm nhiệt khi số lượng máy bay của các hãng tăng lên. Hiện nay, các hãng hàng không trong nước đang vận hành khoảng 160 máy bay, giảm 60-70 chiếc so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Mặc dù, vẫn có thể thuê được máy bay, nhưng các hãng không muốn đưa về vì càng bay càng lỗ. "Mặt bằng chi phí hiện nay cộng với cơ chế giá trần khiến bay nội địa không có lãi. Cần phải tạo động lực để các hãng đưa máy bay về, mở thêm đường bay, khi đó giá vé mới có thể giảm nhiệt", ông Nam phân tích.

Hiện nay, tỷ lệ đặt chỗ bình quân trên các đường bay từ Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đến các địa phương đạt khoảng hơn 50% trong các ngày cận kề và vào cuối tuần, với các ngày xa hơn tỷ lệ này dao động ở mức chỉ từ 20-40%. Một số đường bay du lịch từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ cao hơn bình quân như Hà Nội-Quy Nhơn (Bình Ðịnh), Hà Nội-Phú Quốc (Kiên Giang), Hà Nội-Nha Trang (Khánh Hòa), Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh-Ðiện Biên.

Về giá vé máy bay, các hãng hàng không Việt Nam công bố nhiều mức cho các chặng bay khai thác, trong đó có nhiều mức giá thấp hơn đáng kể so với mức tối đa theo quy định đối với hạng phổ thông cơ bản.

Ðơn cử, chặng Hà Nội-Quy Nhơn, mức giá chưa gồm thuế, phí dao động từ 1,9 triệu đến 2,4 triệu đồng, tương đương từ 67-83% mức tối đa theo quy định (2,89 triệu đồng). Chặng Hà Nội-Phú Quốc, giá vé chưa gồm thuế, phí dao động từ 2,7 triệu đến 3,4 triệu đồng, tương đương 69-87% mức tối đa theo quy định (4 triệu đồng). Với các ngày khởi hành xa hơn, các hãng cũng công bố nhiều mức giá thấp để hành khách có nhu cầu lựa chọn.

"Có thể thấy, khi có kế hoạch đặt vé máy bay từ sớm và xa ngày khởi hành, ngoài việc có nhiều cơ hội đặt được chỗ trên những chặng bay du lịch đông đúc, hành khách cũng sẽ có nhiều lựa chọn các mức giá phù hợp với điều kiện và nhu cầu di chuyển", đại diện lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho hay.

Việc hành khách xây dựng kế hoạch di chuyển và lựa chọn đặt vé từ sớm cũng tạo điều kiện để các hãng chủ động bố trí nguồn lực, tối ưu hoạt động khai thác máy bay, hạn chế việc hủy chuyến và giảm áp lực trong bối cảnh đội máy bay bị thu hẹp như hiện nay.

Hỗ trợ phát triển đội tàu bay

Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam Ðỗ Hồng Cẩm cho biết, theo nghiên cứu, đánh giá của Hiệp hội Các hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương (AAPA), giá vé máy bay trên thế giới hiện nay và trong thời gian tới đây sẽ có xu hướng tăng cao hơn so thời điểm trước.

"Với tình trạng các hãng hàng không phải đối mặt chi phí nhiên liệu tăng cao, áp lực nâng cấp đội bay, việc bổ sung thuê/mua, bảo dưỡng tàu bay, vấn đề thiết hụt nhân lực, giá phục vụ tại sân bay,... tiếp tục diễn ra như hiện nay, dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo", ông Cẩm nhìn nhận.

Xác định được các khó khăn, thách thức trong năm 2024, ngành hàng không đã triển khai sớm giải pháp hạn chế tối đa tác động tiêu cực, bảo đảm cung ứng phù hợp. Cục Hàng không Việt Nam đã tạo điều kiện cho các hãng hàng không tăng cường hoạt động, khai thác tối ưu đội máy bay hiện hữu; đẩy nhanh quá trình tìm kiếm, đàm phán thuê máy bay bổ sung trong giai đoạn cao điểm; điều phối giờ cất, hạ cánh hiệu quả, điều chỉnh thời gian hoạt động khai thác tàu bay trong ngày của các hãng để chuyển tiếp chặng bay.

Trong việc giảm giá vé, các hãng hàng không đều dành từ thấp đến cao để số đông khách hàng, người dân tiếp cận được với mức chi trả của mình. Trong bối cảnh mới, các hãng hàng không cũng cần tồn tại, phát triển, nếu không có lợi nhuận thì không thu hút được việc mở thêm các hãng hàng không. Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam mong muốn các địa phương quan tâm, kết nối hàng không và du lịch, góp phần để các hãng hàng không tăng thêm đường bay, hỗ trợ giải quyết vấn đề chi phí đầu vào.

Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhìn nhận, dư địa hợp tác để giảm giá vé, nâng cao hiệu quả giữa hàng không và du lịch còn rất nhiều. Các doanh nghiệp du lịch nên xem xét, có chính sách giảm giá lưu trú đêm đầu tiên cho hành khách bay đêm. Hàng không và du lịch cần "bắt tay" nhau thực chất và rõ ràng hơn để thu hút, phát động, tạo thị trường mới, thói quen mới, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng này. Bên cạnh đó, trong bối cảnh ngành hàng không Việt Nam và thế giới thiếu máy bay, giữa các hãng hàng không cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, chia sẻ về kinh nghiệm, cách làm, cố gắng khai thác hiệu quả nhất.

Phó Tổng Giám đốc Hãng hàng không Vietjet Ðỗ Xuân Quang kiến nghị, để hàng không và du lịch Việt Nam phát triển thì cần xây dựng các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia, hỗ trợ phát triển du lịch bền vững, không chỉ dừng lại ở sự kết hợp mang tính thời điểm giữa các doanh nghiệp du lịch, hàng không mà là những cái "bắt tay" lâu dài, trên cơ sở đồng hành, cùng chia sẻ lợi ích chung.

"Trong bối cảnh còn nhiều thách thức đối với cả du lịch và hàng không, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục có cơ chế hỗ trợ về thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm phí cho các đường bay quốc tế mới, ngành ngân hàng giảm lãi suất cho hàng không, khách sạn, du lịch,... Chúng tôi cũng đề xuất Nhà nước có chính sách hỗ trợ về phát triển đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam; nhà chức trách hàng không quản lý slot bay (giờ cất, hạ cánh), quản lý hoạt động khai thác tại các cảng hàng không một cách hiệu quả để tăng năng lực thông qua các cảng hàng không", ông Ðỗ Xuân Quang đề xuất.