Mối quan hệ cộng sinh
Nhằm tìm giải pháp tháo gỡ cho hai ngành, chiều 12/6, Báo Nhân Dân phối hợp tổ chức hội thảo "Hàng không-Du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững". Các chuyên gia, nhà quản lý đã cùng nhìn nhận: giá vé tăng cao khiến việc đi lại bằng máy bay giảm đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của các hãng hàng không. 5 tháng đầu năm 2024, tổng thị trường hành khách trong lĩnh vực hàng không ước đạt 38,1 triệu khách, tăng 6,7% so cùng kỳ 2023, tuy nhiên thị trường nội địa chỉ đạt 17 triệu khách, giảm 19,4% so cùng kỳ 2023. Trong số lượng khách sụt giảm này có một phần lớn là khách du lịch.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành chia sẻ, giá vé máy bay tăng cao buộc đơn vị phải “né” đường bay để giảm giá tour. Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Hội đồng Thành viên - Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết: Công ty phải linh hoạt mở rộng các sản phẩm tour đường bộ, đường sắt, tuyến cao tốc, các gói combo, dịch vụ lẻ… Tuy nhiên, về lâu dài, ngành du lịch và hàng không cần xác định mối quan hệ hợp tác cộng sinh chặt chẽ, cùng chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích, phối hợp linh hoạt trong xây dựng sản phẩm - gồm sản phẩm mới, sản phẩm cao cấp, khuyến mãi, kích cầu… Nếu không có sự bắt tay của hai bên, thị trường sẽ tự dịch chuyển và làm thay đổi thói quen, hành vi của khách hàng, các tuyến du lịch đường bay sẽ bị ảnh hưởng.
Chia sẻ thêm về giải pháp trong giai đoạn hiện tại, đại diện Saigontourist cho biết, công ty đang phối hợp Vietnam Airlines nghiên cứu xây dựng sản phẩm ưu đãi với chuyến bay khởi hành sau 21 giờ hằng ngày đến các điểm du lịch trong nước với mức giá vé máy bay giảm hơn 50% và miễn phí đêm khách sạn đầu tiên trong chương trình tour. Dự kiến, dòng sản phẩm này sẽ góp phần tăng nhu cầu du lịch đường bay của du khách trong mùa hè năm nay.
Là hãng hàng không chiếm thị phần lớn nhất hiện nay, Vietnam Airlines đã xây dựng cơ chế hợp tác với ngành du lịch địa phương nhằm tạo ra sản phẩm hướng tới khách du lịch nội địa ngay trong cao điểm hè này. Hãng đã đề xuất tới các tỉnh, thành phố kêu gọi, giới thiệu các công ty lữ hành-du lịch, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, điểm tham quan… trên địa bàn cùng tham gia vào chiến dịch kích cầu các chuyến bay đêm.
Cần “nhạc trưởng”
Sự phát triển của ngành hàng không luôn song hành sự phát triển của ngành du lịch. Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng ngành hàng không, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho rằng, những chính sách hỗ trợ cho hàng không và du lịch sau đại dịch nên được tiếp tục quan tâm và duy trì, trước mắt đến hết năm 2025. TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VABA cho rằng: Du lịch là chuỗi liên kết của nhiều đơn vị từ công ty lữ hành, các hãng hàng không, cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan… Để hình thành các sản phẩm du lịch kích cầu, cần có sự tham gia, đồng thuận và triển khai đồng loạt từ tất cả các bên, chứ không chỉ có hãng hàng không. Các phương tiện vận tải khác hay các cơ sở lưu trú, nhà hàng… cũng cần cân đối các mức giá hợp lý mới có thể tạo nên những gói tour phù hợp khách hàng, qua đó thúc đẩy du lịch phát triển.
Đại diện cho đơn vị lữ hành, hàng không tiên phong tại Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn Du lịch - Hàng không Vietravel chia sẻ: Liên kết chặt chẽ giữa địa phương, du lịch và hàng không chính là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam. Sự phối hợp đồng bộ này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách mà còn thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế và bảo vệ môi trường. Khi các địa phương cùng bắt tay với ngành du lịch và hàng không, chúng ta xây dựng một hệ sinh thái du lịch hài hòa và bền vững, nâng cao trải nghiệm của du khách, đồng thời những giá trị thiên nhiên và văn hóa quý báu được bảo tồn cho thế hệ mai sau.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: Ngành hàng không tăng trưởng, thúc đẩy du lịch và là cơ hội cho hành khách khám phá các điểm đến mới. Ở chiều ngược lại, du lịch đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của hàng không, hình thành nhu cầu cũng như dịch vụ, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, tạo ra cơ hội cho sự đổi mới và cải tiến. "Hiện nay, sự hợp tác giữa du lịch và hàng không chủ yếu là do Cục Du lịch quốc gia, các hãng hàng không, địa phương, công ty du lịch tự bắt tay liên kết. Việc hợp tác này còn quy mô nhỏ, mang tính sự vụ, chưa có cơ chế phối hợp, hợp tác ở quy mô lớn", nhà báo Lê Quốc Minh nhận định.
Tại hội thảo "Hàng không-Du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững", nhiều đề xuất đã được các chuyên gia đưa ra nhằm giúp Chính phủ hình thành các chính sách, giải pháp mới, góp phần đưa ngành hàng không, du lịch phát triển bền vững. Đặc biệt, trong bối cảnh liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp còn hết sức khó khăn, nhiều chuyên gia cho rằng rất cần thiết xây dựng kế hoạch tổng thể, cấp quốc gia để có tác động dài lâu.
Chiều 12/6, trong khuôn khổ hội thảo, Vietnam Airlines, TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đồng hành trong chiến dịch này. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Vietnam Airlines sẽ phối hợp các địa phương triển khai thêm sản phẩm bay giờ sáng sớm và tối muộn với giá vé giảm lên đến 30% so thông thường.