Trong 20 năm qua, GDP Việt Nam cứ tăng trưởng 1% thì ngành hàng không sẽ tăng trưởng khoảng từ 1% đến 1,5%. Sự tồn tại, phát triển và vị thế của ngành hàng không cũng là dấu hiệu, biểu tượng cho vị thế của mỗi quốc gia. Vì vậy, ngay cả những quốc gia không có hãng hàng không thuộc sở hữu nhà nước vẫn duy trì những hãng hàng không quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi nhất để củng cố uy tín, hình ảnh của hãng hàng không này như những thương hiệu quốc gia.
Quan hệ hai chiều hàng không-du lịch
Đối với ngành du lịch, ngành hàng không có quan hệ rất mật thiết, chặt chẽ và là quan hệ hai chiều. Ngành hàng không cung cấp dịch vụ vận chuyển thiết yếu một cách an toàn, nhanh chóng cho du lịch cả trong điều kiện bình thường cũng như hoàn cảnh đặc thù, khẩn cấp, không chỉ giúp ngành du lịch mở rộng thị trường, thu hút thêm khách hàng, đa dạng hóa khách hàng mà còn tạo cảm giác an toàn cho du khách. Ngành hàng không là đối tác quan trọng giúp du lịch mở ra những điểm đến du lịch mới, các hình thức du lịch mới.
Đối với các nước phát triển, Chính phủ luôn coi trọng phát triển ngành hàng không. Bởi lẽ, hàng không không chỉ là cầu nối giao thương đi lại trong từng quốc gia mà còn giúp rút ngắn khoảng cách giữa các châu lục và là ngành mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế. Hàng không và du lịch là hai ngành có quan hệ hữu cơ, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau, khoảng 70%-80% khách du lịch quốc tế lựa chọn phương tiện đi lại bằng đường hàng không. Có thể nói, hàng không là bệ phóng của ngành du lịch, thu hút đầu tư, giao thương, quan hệ quốc tế,... Cũng chính vì vai trò quan trọng này, nhiều quốc gia coi hàng không là một trong những lĩnh vực để điều chỉnh ngành du lịch và kinh tế.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, dự kiến năm 2024, sản lượng vận chuyển hành khách ước đạt 80,3 triệu khách; trong đó, hành khách quốc tế đạt 41,8 triệu (tăng 30,6% so với năm 2023). Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển ước đạt 58 triệu khách (tương đương năm 2023); trong đó hành khách nội địa là 38,5 triệu, hành khách quốc tế là 19,5 triệu (tăng 30% so với năm 2023). Các hãng hàng không Việt Nam hiện đang khai thác 66 đường bay kết nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng với 19 cảng hàng không địa phương khác với hơn 650 chuyến bay mỗi ngày.
Thách thức sau đại dịch
Thời gian qua, trước biến động kinh tế-chính trị quốc tế và việc nhà sản xuất triệu hồi sửa chữa động cơ, ngành hàng không thế giới và Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề khi các chi phí đầu vào tăng mạnh, đáng chú ý nhất gồm chi phí nhiên liệu, thuê động cơ, bảo dưỡng máy bay hay biến động của tỷ giá và tắc nghẽn hạ tầng sân bay.
Cụ thể, giá nhiên liệu hiện neo cao ở mức hơn 100 USD/thùng, dự báo chi phí vận tải hàng không của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trong năm 2024 sẽ tăng thêm 5.527 tỷ đồng so với năm 2019. Bên cạnh đó, tỷ giá biến động bất lợi trong khi nhiều chi phí của hãng thanh toán bằng USD và thu bán bằng bản tệ tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc,… Dự báo giá thuê động cơ máy bay năm 2024 tăng gấp hai lần; giá phụ tùng vật tư tăng từ 10-13% so với năm 2019…, cũng gây thiệt hại lớn đối với các hãng hàng không.
Theo thông tin từ Báo cáo xu hướng toàn cầu do FCM Consulting (một công ty cung cấp dịch vụ lữ hành đa quốc gia) cung cấp, thời điểm cuối năm 2023, giá vé máy bay quốc tế hạng phổ thông đã tăng 17%-25% so với năm 2019, FCM Consulting dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3-7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo.
Trên thực tế, giá vé máy bay không chỉ tại Việt Nam, trên thế giới cũng được ghi nhận xu hướng tăng so với thời điểm đại dịch Covid-19. Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, giá vé trên các chặng bay nội địa (trục chính và du lịch) hạng phổ thông cơ bản (chưa gồm thuế, phí) được các hãng hàng không Việt Nam công bố đang thấp hơn đáng kể so với mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa hạng phổ thông cơ bản theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thành ngành mũi nhọn vào năm 2030, các chính sách mới ban hành của Chính phủ về việc cấp thị thực điện tử, nâng thời hạn thị thực lên 45 ngày với 13 quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách khi đi/đến Việt Nam.
Đây là những tín hiệu tích cực, tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng ngành hàng không, các doanh nghiệp trong ngành mong muốn sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ Chính phủ, cơ quan quản lý và các địa phương trong việc phát động điểm đến Việt Nam với chiến lược đầu tư mạnh mẽ và bài bản. Những chính sách hỗ trợ cho ngành hàng không và du lịch sau đại dịch cần được tiếp tục quan tâm và duy trì, trước mắt đến hết năm 2025.
Song song với việc đẩy mạnh các hoạt động quảng bá điểm đến, trước hết, Chính phủ cần tiếp tục các giải pháp ứng dụng công nghệ số để đồng bộ hóa và kiểm soát dữ liệu nhằm tối ưu công tác quản lý và chia sẻ thông tin của các cơ quan, hãng hàng không, công ty lữ hành-du lịch cũng như giúp khách hàng nắm bắt đầy đủ thông tin, tiết kiệm thời gian và bảo đảm an toàn trong quá trình đi máy bay và trải nghiệm các dịch vụ du lịch tại các địa phương.
Thứ hai, xây dựng chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn ngành du lịch trong sự kết nối với các ngành khác và cần có cơ quan theo dõi, đốc thúc việc triển khai các chương trình cụ thể.
Thứ ba, đa dạng hóa thị trường nguồn khách du lịch và loại hình du lịch nhằm giảm rủi ro phụ thuộc vào một số thị trường hay một số đối tượng khách nhưng đồng thời xác định các thị trường trọng điểm để đầu tư thích đáng và có hiệu quả cao; chú trọng phát triển du lịch xanh, bền vững.
Thứ tư, từng bước mở rộng số lượng quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh vào Việt Nam; đơn giản hóa, tự động hóa các thủ tục liên quan đến cấp thị thực và nhập cảnh.
Với sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị cùng các chính sách hữu hiệu của Chính phủ, thị trường hàng không và du lịch chắc chắn sẽ sớm khôi phục và phát huy tối đa tiềm năng vốn có. Các doanh nghiệp vận tải hàng không sẽ tiếp tục thể hiện vai trò động lực, là đôi cánh của du lịch, cùng ngành du lịch phục hồi và tăng trưởng, hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, tạo nguồn thị trường quan trọng, giúp hàng không phát triển cả mạng đường bay nội địa và quốc tế.