Kè biển Cẩm Nhượng “kêu cứu”

NDO - Sau 20 năm gồng mình chống chọi với triều cường và các cơn bão cường độ mạnh, kè biển Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không những giải pháp nâng cấp, sữa chữa kịp thời, những giải pháp ứng phó kiểu “giật gấu vá vai” của người dân địa phương sẽ không cứu nổi kè biển Cẩm Nhượng, kéo theo đó cuộc sống của hơn 10 nghìn hộ dân nơi luôn được đặt trong tình trạng báo động trước mỗi mùa mưa bão.
0:00 / 0:00
0:00
Các cấu kiện bê-tông ở mái kè bị triều cường đánh sập, cuốn trôi.
Các cấu kiện bê-tông ở mái kè bị triều cường đánh sập, cuốn trôi.

Dẫn chúng tôi tận mắt thấy các vết nứt gãy, lỗ thủng sâu ngoắm dưới thân kè, ông Nguyễn Trọng Bá ở thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng than thở, từ khi kè biển bị triều cường xâm thực gây sụt lún, xói mòn và tạo thành các hàm ếch rỗng giữa thân kè, người dân nơi đây luôn sống trong nỗi bất an. Sau một đợt có mưa lớn, triều cường dâng cao, các điểm sụt lún ngày càng được mở rộng. Nếu không sửa chữa kịp thời, kè biển rất dễ bị triều cường đánh gãy, cuốn phăng các cấu kiện trôi theo dòng nước.

“Mỗi khi nghe đài báo thời tiết xấu, chúng tôi lại rục rịch lương thực, đồ đạc di dời, đi trú tránh nơi khác”, ông Bá chia sẻ.

Cùng chung tâm trạng với ông Nguyễn Trọng Bá và hàng nghìn hộ dân địa phương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, Nguyễn Văn Hùng cho biết, từ khi tuyến kè biển được xây dựng, cuộc sống của người nơi đây được bảo đảm ổn định, tuyến kè không chỉ là bức tường chắn sóng, ngăn triều cường mà còn là tuyến đường phát triển du lịch, dịch vụ trọng điểm của bà con nhân dân. Tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, kè Cẩm Nhượng đã bắt đầu bị hư hỏng và xuống cấp, các vết nứt, điểm sạt lở được tạo ra từ cơn bão số 10 năm 2017 ngày càng lan rộng.

Cá biệt, trong tổng số 12 điểm sụt lún trên tuyến kè chạy dọc từ thôn Xuân Nam đến thôn Hải Nam (Cẩm Nhượng) có 4 điểm sạt lở, tạo thành hố sâu với diện tích từ 50-100m2. Tại những điểm sạt lở này, hầu hết các cấu kiện bê-tông đã bị nước biển đánh dạt, cuốn trôi.

Kè biển Cẩm Nhượng “kêu cứu” ảnh 1

Những giải pháp khắc phục tạm thời không đủ độ an toàn bởi các điểm sụt lún, hố sâu trên thân kè ngày càng mở rộng.

Để ứng cứu khẩn cấp tuyến kè cứng này, thời gian qua, xã Cẩm Nhượng đã huy động nhân lực dùng bao tải đựng cát, rọ đá lấp bề mặt và trám lại chỗ bị sụt lún, đứt gãy. Tuy nhiên, với tình trạng bị sóng biển tấn công liên tục thì các đoạn bờ kè gia cố tạm bợ này không thể chịu đựng được, những điểm đã gia cố vẫn tiếp tục bị sụt lún và hình thành ngày càng điểm hố sâu, hàm ếch ăn sâu vào thân kè.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên, Nguyễn Hoàng Anh cho biết thêm, tuyến Kè biển Cẩm Nhượng có chiều dài 2.100m đã được đầu tư từ năm 2003, với nhiệm vụ chống gió bão cấp 10. Trong gần 20 năm qua, tuyến kè này đã phát huy hiệu quả, bảo đảm ổn định dân sinh; an toàn cho người, tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão góp phần ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế-xã hội của huyện Cẩm Xuyên.

Mặc dù tuyến kè được thiết kế chống gió bão cấp 10, tuy nhiên do trải qua thời gian dài sử dụng và thường xuyên chống các cơn bão mạnh cấp 12, 13, giật trên cấp 13 nên hiện nay trên toàn tuyến hầu hết mái kè bị trôi xói và hư hỏng khi có gió mạnh, sóng lớn. Hiện nay, mái kè một số đoạn đã sập cấu kiện gia cố mái; xói sâu thân kè. Đặc biệt nhiều vị trí, nhiều đoạn mái kè đã bị lún sập sâu làm cho tuyến đê mất khả năng chống bão. Với tình trạng hiện nay, tuyến kè đã không bảo đảm nhiệm vụ chống bão theo tần suất thiết kế, đặc biệt khi mùa mưa bão năm 2022 đang đến gần.

Kè biển Cẩm Nhượng “kêu cứu” ảnh 2

Người dân xã Cẩm Nhượng gia cố thân kè sau khi bị cơn bão số 10 năm 2020 cuốn trôi các cấu kiện bê-tông ở mái kè

“Những năm trước đây, địa phương cũng đã trích một phần kinh phí để sữa chữa, gia cố những điểm sụt lún, bong bật, tuy nhiên các điểm sửa chữa mang tính chất tạm thời không có độ kết dính liên hoàn nên sau mỗi đợt triều cường mạnh những “vết thương” trên thân kè xuất hiện ngày càng trầm trọng khiến tuyến kè chắn sóng này tỏ ra mong manh trước sự uy hiếp của thiên tai, mưa bão”, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên chia sẻ.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh, Nguyễn Bá Đức, kè Cẩm Nhượng là công trình bảo vệ bờ trực diện với biển, thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, nước dâng trong bão, những năm gần đây với sự biến đổi khí hậu, hình thái thời tiết cực đoan, bất thường, gây hư hỏng, sạt lở, xói sâu vào thân kè tại nhiều vị trí, gây mất ổn định tuyến kè không bảo đảm khả năng chống bão, lũ.

Bên cạnh đó, khu vực thị trấn Thiên Cầm và xã Cẩm Nhượng là nơi có mật độ dân cư sinh sống đông đúc, là điểm du lịch với nhiều nhà hàng, khách sạn. Việc khắc phục, sửa chữa kịp thời những hư hỏng của tuyến kè để bảo vệ cơ sở hạ tầng và bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân là hết sức cần thiết và cấp bách.

Sau cuộc kiểm tra thực tế của các đồng chí lãnh đạo tỉnh vào thời điểm tháng 7/2022, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan kiểm tra, soát xét cụ thể phương án, khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện, tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý theo quy định. Tuy vậy, đến thời điểm hiện nay, chưa một giải pháp nào được đưa ra trước sự lo lắng của chính quyền và người dân địa phương.

Mùa mưa lũ đang cận kề, trước những diễn biến bất thường của thời tiết cực đoan người dân vùng biển Cẩm Nhượng đang mong ngóng tỉnh Hà Tĩnh sớm thực hiện giải pháp an toàn, bảo đảm cuộc sống ổn định cả trước mắt cũng như lâu dài cho bà con.