Kè mềm bảo vệ bờ biển tại Bến Tre

NDO - Sau 2 năm triển khai thí điểm dự án kè mềm sử dụng túi geotube giảm sóng bảo vệ bờ biển khu vực Cồn Bửng (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đó, đã giúp chống xói lở, giúp bồi lắng cát để tạo hệ sinh thái rừng ven biển.
0:00 / 0:00
0:00
Rừng tự nhiên phía trong kè mềm bắt đầu phát triển khi có cát bồi lắng.
Rừng tự nhiên phía trong kè mềm bắt đầu phát triển khi có cát bồi lắng.

Tác dụng của kè mềm

Dự án kè mềm giảm sóng được triển khai xây dựng từ tháng 2 đến tháng 10/2020 hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tổng kinh phí đầu tư, xây dựng gần 15 tỷ đồng với chiều dài 1.100m, cách bờ biển khoảng 100m để giảm sóng, bảo vệ bờ biển.

Qua khảo sát của cơ quan chức năng, dự án thí điểm này đã mang lại hiệu quả cao, giúp bảo vệ bờ biển và tạo hệ sinh thái rừng tự nhiên sau thời gian bị sạt lở do sóng biển.

Ông Trần Văn Dũng, sinh sống bằng nghề bắt hến ven biển tại khu vực Cồn Bửng cho biết: “Khu vực này trước đây sạt lở rất dữ do sóng biển làm rừng phòng hộ bị chết. Từ khi có kè giảm sóng từ phía xa đã giảm thiểu sạt lở, tạo bãi bồi cho các sinh vật biển, cây mắm, đước tự nhiên phát triển”.

Tiến sĩ Lê Văn Tuấn, Trưởng phòng nghiên cứu Hải dương học (Viện Kỹ thuật biển) cho rằng, hệ thống kè mềm sử dụng túi geotube rộng 3m, cao hơn 2,5m được sử dụng cát tại chỗ để bơm đầy tạo thành bờ chắn sóng từ xa; mỗi túi dài khoảng 25m và giữa các túi có khoảng hở để nước biển tràn qua làm giảm sóng.

Sau 2 năm đưa vào sử dụng đã cho thấy hiệu quả ngoài mong đợi. Trong đó, tạo bãi bồi để hình thành cồn cát phía trong có rừng tự nhiên phát triển. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả cần tuyên truyền người dân bảo vệ túi chứa cát để sử dụng lâu dài, trồng thêm rừng phía trong…

Tiếp tục đầu tư giải pháp kè mềm

Khu vực Cồn Bửng (thuộc xã Thạnh Phong và Thạnh Hải) có khoảng 1.100 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và trồng các loại hoa màu, cây ăn quả trên vùng cát ven biển. Mấy năm qua, bờ biển liên tục xuất hiện những đợt triều cường dâng cao cùng với sóng to, gió lớn gây sạt lở đất, sạt lở bờ đê bao làm thiệt hại nhiều tài sản của người dân.

Kè mềm bảo vệ bờ biển tại Bến Tre ảnh 1

Cơ quan chức năng khảo sát kè mềm bằng túi vải để giảm sóng, bảo vệ bờ biển.

Theo thống kê, trong 4 năm trở lại đây, sạt lở tại khu vực Cồn Bửng khá nghiêm trọng với chiều dài gần 10km, nước biển xâm thực vào đất liền khoảng 100m. Sạt lở đã làm 97 hộ dân bị mất đất với diện tích hơn 100ha.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cho biết, trên địa bàn huyện Thạnh Phú có khoảng 25km bờ biển, trong đó, sạt lở nặng nhất khoảng 7,5km.

Trong thời gian qua, địa phương đã được đầu tư xây dựng 3,2km kè cứng và 1,1km kè mềm phát huy hiệu quả khá cao trong việc bảo vệ bờ biển. Trong đó, kè mềm thí điểm đã phát huy hiệu quả, chi phí lại rẻ (chỉ bằng 1/5 so với kè cứng).

Hiện tại nóng nhất của sạt lở là ở khu vực Cồn Lợi kéo dài đến điểm du lịch Cồn Bửng, nên địa phương kiến nghị tỉnh tiếp tục đầu tư giải pháp kè mềm vừa phát huy hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí trong thời điểm như hiện nay.

Qua khảo sát thực tế kè mềm tại khu vực Cồn Bửng, các cơ quan chức năng đánh giá cao hiệu quả giải pháp kè mềm mang lại để bảo vệ bờ biển.

Trong đó, công trình có nhiều mặt tích cực là thân thiện với môi trường, không chỉ chống sạt lở mà giúp hệ sinh thái rừng ven biển phát triển để tạo sinh kế cho người dân và cộng đồng. Mô hình có thể nhân rộng ở những vùng tương tự tại tỉnh Bến Tre. Tuy nhiên, giải pháp xử lý tiếp theo sau khi công trình hết hạn sử dụng để phát huy hiệu quả tốt nhất khi đã hình thành hệ sinh thái rừng ven biển nhằm bảo vệ bờ, chống sạt lở.

Phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Bùi Văn Thắm cho rằng, qua 2 năm thí điểm dự án kè mềm ven biển đã phát huy hiệu quả cao. Công trình chi phí xây dựng thấp nhưng tuổi thọ công trình ngắn chỉ từ 5 đến 8 năm. Trong thời gian tới, tùy vào điều kiện từng địa phương sẽ có giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề sạt lở bờ biển trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Điền, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, Bến Tre có chiều dài bờ biển 65km, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nước biển xâm thực làm mất đất, thiệt hại hoa màu, ảnh hưởng đời sống của người dân.

Trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kè mềm, kè cứng để khắc phục sạt lở. Trong đó kè cứng cho phí xây dựng 1km từ 60 đến 80 tỷ đồng, trong khi kè mềm chi phí thấp hơn, chỉ bằng 1/5 so với kè cứng.

Qua 2 năm triển khai thí điểm kè mềm tại khu vực ven biển Cồn Bửng đã phát huy hiệu quả cao. Sau thời gian thí điểm,cơ quan chức năng sẽ đánh giá lại để tiếp tục có nhân rộng mô hình này hay không trong thời gian tới.

Với chiều dài bờ biển 65km, tỉnh Bến Tre không thể đầu tư hết kè cứng để chống sạt lở vì chi phí rất cao. Một số nơi, có điều kiện tự nhiên, thủy văn phù hợp việc sử dụng kè mềm được xem là giải pháp kịp thời, hiệu quả để thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ bờ biển trong điều kiện sạt lở ngày càng phức tạp như hiện nay.