Quảng Ngãi nỗ lực xây dựng hệ thống đê, kè phòng chống sạt lở ven biển

NDO - Hai năm qua, tỉnh Quảng Ngãi tập trung đầu tư hệ thống đê, kè ven sông, cửa biển tại các vùng trọng yếu thường xuyên bị sạt lở, xâm thực. Nỗi lo lắng, bất an mỗi khi mùa mưa bão về của người dân vơi dần.
0:00 / 0:00
0:00
Để thi công đê chắn sóng, ngăn cát phía bắc cửa biển Cửa Đại các kĩ sư, công nhân lắp đặt 3.500 Tetrapod.
Để thi công đê chắn sóng, ngăn cát phía bắc cửa biển Cửa Đại các kĩ sư, công nhân lắp đặt 3.500 Tetrapod.

Đê kè hóa ven sông, cửa biển

Các đợt mưa bão lớn liên tiếp hai năm qua gây xói lở tuyến đường dân sinh nối cầu Hải Tân, phường Phổ Minh và phường Phổ Vinh, thị xã Đức Phổ.

Xói lở nghiêm trọng ảnh hưởng tuyến giao thông huyết mạch, đồng thời khiến vùng sản xuất nông nghiệp cuối dòng sông Thoa và cảng Mỹ Á nguy cơ nhiễm mặn khó phục hồi.

Năm 2022, công trình khắc phục khẩn cấp để chống sạt lở đê Phổ Minh được xây dựng khẩn cấp bảo đảm an toàn cho người dân, bảo vệ an toàn cầu Hải Tân cùng các công trình lân cận. Công trình đồng thời chống nhiễm mặn nước sinh hoạt khoảng 250 hộ dân, giảm nguy cơ nhập mặn 70ha đất sản xuất nông nghiệp vùng sông Thoa đổ ra cửa biển Mỹ Á.

Đầu tư gần 15 tỷ đồng, công trình khắc phục khẩn cấp để chống sạt lở đê Phổ Minh dài hơn 480m, bề rộng 7m, cao trình đỉnh 2m; tuyến đê ngăn mặn có kết cấu chân đê, kè ống, rọ đá bọc nhựa, đá hộc.

Sau 4 tháng thi công, hiện công trình đã hoàn thành 450m tuyến đê, đạt 95% khối lượng.

Tại công trường, các đơn vị đã dừng thi công do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

“Nếu địa phương bàn giao sớm mặt bằng thì chúng tôi sẽ hoàn thành đầu tháng 9 này. Phải khẩn trương chứ mùa mưa cũng cận kề rồi”, ông Phạm Văn Dũng, phụ trách công trình cho biết.

Trong hai năm qua, thị xã Đức Phổ đầu tư năm công trình trọng điểm đê, kè phòng, chống sạt lở vùng sông, ven biển phía nam tỉnh Quảng Ngãi.

Trong đó, ba công trình kè chống sạt lở bờ suối Biện Nhĩ, sông Lò Bó, kè chống sạt lở các điểm dọc sông Trà Câu; hai công trình khẩn cấp chống sạt lở đê ngăn mặn đầm Bàu Nú tại xã Phổ Châu và đê ngăn mặn Phổ Minh tại phường Phổ Minh.

Tổng kinh phí đầu tư 97 tỷ đồng, trong đó, 4km đê, kè được xây mới, gia cố mái kè, lòng sông và kết nối trục giao thông trung tâm thị xã Đức Phổ đi các phường, xã vùng biển Mỹ Á, Sa Huỳnh.

Đến nay, các công trình cơ bản đạt 90% khối lượng và hoàn thành trước mùa mưa năm nay.

Giảm thiểu được tình trạng sạt lở, những công trình này được mong đợi sẽ bảo vệ 550 hộ dân vùng sông, bờ biển, giảm nguy cơ ngập mặn 145 ha và góp phần ổn định sản xuất cho người dân trong vùng sạt lở.

“Sau mỗi mùa mưa nhiều khu vực sạt lở nên các công trình khắc phục khẩn cấp, đầu tư dần. Vùng cửa sông, cửa biển được kiên cố hỗ trợ rất lớn cho người dân, địa phương”, ông Bùi Văn Lập, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án và Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Đức Phổ nói.

Quảng Ngãi nỗ lực xây dựng hệ thống đê, kè phòng chống sạt lở ven biển ảnh 1
Công trình khắc phục khẩn cấp chống sạt lở đê Phổ Minh, thị xã Đức Phổ đang khẩn trương hoàn thành.

Nỗ lực phòng, chống sạt lở bờ biển

Nhiều năm trước, mưa bão liên tục khiến tình trạng sạt lở bờ biển tại tỉnh Quảng Ngãi ngày càng nghiêm trọng. Vùng cửa biển Cổ Lũy, Sa Huỳnh, Mỹ Á, Dung Quất… biển xâm thực, lấn sâu vào làng chài, dân cư.

Di dời khẩn cấp luôn là tình trạng thường trực tại các địa phương ven biển mỗi mùa mưa lũ. Vì vậy, xây dựng vành đai, kiên cố tuyến bờ biển, cửa biển hạn chế sạt lở, bảo đảm an toàn cho nhân dân là cần thiết, nhất là những vùng thường xuyên gánh chịu trực tiếp mưa lũ.

Cửa biển Cửa Đại dòng chảy lớn, mùa mưa nước từ nguồn đổ về gây sạt lở khu dân cư phía bắc, phía nam cửa biển. Vì vậy, xây dựng các công trình đê chắn sóng, ngăn cát để thu hẹp dòng chảy, chắn sóng khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển đe dọa cư dân sinh sống quanh biển.

Tại vùng cửa biển Cửa Đại, tỉnh Quảng Ngãi đầu tư Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Cổ Lũy tổng chi phí 158 tỷ đồng.

Trong đó, nhiều công trình trọng yếu gồm đê chắn sóng, ngăn cát phía bắc, phía nam cửa biển Cửa Đại tổng chiều dài 510m; kè bảo vệ bờ, chống xói lở gốc đê dài 465m đang được khẩn trương hoàn thành trước khi mùa mưa đến.

Để thi công đê chắn sóng, ngăn cát phía bắc cửa biển dài 270m, rộng 4m các kỹ sư, công nhân lắp đặt 3.500 Tetrapod bảo vệ thân đê.

“Vùng nước ở đây sâu từ 1-1,5m tùy thời điểm nên đội thi công chúng tôi bám nước thủy triều để làm. Phần việc trong năm nay cơ bản hoàn thành, hiện chỉ còn lớp đá và đổ bê tông mặt nữa là xong”, Ông Nguyễn Thành Yên, Chỉ huy trưởng công trường cho biết.

Để hình thành vành đai, kiên cố hóa tuyến bờ biển, cửa biển tỉnh Quảng Ngãi hiện đang xây dựng 7 tuyến đê, kè tại các vùng biển sạt lở nghiêm trọng từ nhiều năm qua.

Các công trình hiện đang khẩn trương thi công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành gồm kè chống sạt lở bờ biển xã Tịnh Kỳ, kè chống sạt lở bờ biển xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi; kè chống sạt lở bờ biển Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ; kè chống sạt lở bờ biển xã Bình Hải, huyện Bình Sơn.

Tổng kinh phí đầu tư 548 tỷ đồng, hệ thống đê, kè 6km cùng các công trình đê chắn sóng, ngăn cát tập trung vùng cửa biển trọng yếu của tỉnh đang được khẩn trương hoàn thành.

Sống bên cạnh vùng biển Cổ Lũy bao năm, ngày mưa gió lớn gia đình ông Trần Hòa, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi lại nơm nớp lo sợ. Nhiều người quen của ông đã di chuyển dần đến nơi khác sinh sống khi biển lấn sâu vào làng chài.

“Đê chắn sóng và bờ kè làm gần xong rồi. Nhà tôi cách đê 200m giúp cho gia đình tôi và bà con ở đây phần nào an tâm hơn. Mấy năm trước cứ di dời tránh trú suốt mùa mưa”, ông Trần Hòa cười tươi.

Bà Phạm Thị Công, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi chia sẻ: “Khu vực sạt lở biển của xã chúng tôi năm nào cũng sạt nặng, lấn sâu vào đường giao thông của xã. Nếu không có kè biển thì năm nay hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Xây dựng kè an toàn giảm gánh nặng cho địa phương, bà con là mừng nhất”.

Tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 275 điểm, vùng sạt lở do mưa lũ nhiều năm qua. Sạt lở các tuyến sông, bờ biển, cửa biển luôn là nỗi lo của người dân sinh sống dọc ven biển tỉnh Quảng Ngãi. Vì vậy, tỉnh Quảng Ngãi khắc phục các khu vực sạt lở, kiên cố hóa tuyến sông, bờ biển hình thành vành đai bảo vệ an toàn cho người dân.

“Các công trình kè, đê biển hầu hết là thực hiện khẩn cấp tại các vùng xung yếu, sạt lở nghiêm trọng. Chúng tôi đang khẩn trương hoàn thành, một số khu vực sạt lở các đơn vị sắp tới tiếp tục hoàn thiện theo kế hoạch”, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.