Theo IMF, nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát giá lương thực toàn cầu - đặc biệt là giá ngũ cốc - là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Các hạn chế xuất khẩu ở một số quốc gia đã làm tăng giá lương thực toàn cầu dù một số hạn chế này gần đây đã hết hiệu lực.
Các quốc gia có thu nhập thấp, nơi lương thực chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tiêu dùng, đang cảm nhận rõ nhất tác động của tình trạng lạm phát này.
Người dân các nước có chế độ ăn phụ thuộc chủ yếu vào các mặt hàng có mức tăng giá mạnh nhất (như lúa mì và ngô), các nước phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực, các nước thu nhập thấp vốn có tỷ lệ dân bị suy dinh dưỡng cấp tính cũng như tử vong cao kể cả trước khi xung đột nổ ra (như ở vùng cận Sahara châu Phi) đã phải chịu tác động đặc biệt nghiêm trọng.
Do năng lượng và thực phẩm là những mặt hàng thiết yếu, ít sản phẩm thay thế, nên giá cả tăng cao đã gây rất nhiều khó khăn cho các hộ gia đình. IMF lo ngại tình hình hiện nay không chỉ đe dọa đến kinh tế mà còn cả ổn định xã hội.
Theo IMF, đại dịch Covid-19 chỉ vừa mới tạm lắng và vẫn tiềm ẩn nguy cơ trong khi giá lương thực, năng lượng tăng cao chính là những yếu tố đưa tới dự báo bất ổn có thể xảy ra.
Mối liên hệ giữa giá cả và sự ổn định xã hội cho thấy rằng những rào cản thương mại, sản lượng mùa màng kém do nắng nóng khắc nghiệt và thiếu phân bón sẽ gây thêm những nguy cơ đói kém và bất ổn.
IMF nhấn mạnh việc nới lỏng các rào cản hậu cần, đặc biệt những rào cản hình thành do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, sẽ góp phần giải quyết phần những thách thức trên.