Huy động, đa dạng hóa các nguồn vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi

NDO - Ngày 24/11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Ngân hàng Thế giới, Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để thông tin chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch hợp tác, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
0:00 / 0:00
0:00
Huy động, đa dạng hóa các nguồn vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi

Tới dự và chủ trì hội thảo có đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, Tổ trưởng Tổ công tác Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng tham dự còn có các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) và Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc (UN) tại Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, việc phê duyệt và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi là một quyết sách lịch sử của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây cũng là chương trình đã nhận được nhiều kỳ vọng nhất từ trước đến nay của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức đoàn thể và gần 100 triệu cử tri, người dân Việt Nam cũng như hơn 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, với đặc thù là khu vực có điều kiện tự nhiên khó khăn, địa hình phức tạp và bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung, sinh kế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, nhu cầu nguồn lực đầu tư lớn trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế, Chính phủ Việt Nam cũng thẳng thắng nhìn nhận việc triển khai hiệu quả, thành công chương trình sẽ gặp không ít những thách thức, đặc biệt là khó khăn về nguồn vốn, cơ chế và bộ máy tổ chức thực hiện. Vì vậy, việc huy động các nguồn lực xã hội trong nước và tài trợ từ các tổ chức nước ngoài để bổ sung nguồn lực thực hiện Chương trình là vô cùng quan trọng.

Bộ trưởng cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2022 trong đó xác định cần phải đa dạng hóa nguồn lực, đặc biệt là ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong thực hiện Chương trình này.

“Vì vậy, tại Hội thảo, bên cạnh việc chia sẻ thông tin, trao đổi về các định hướng chỉ đạo cũng như kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trong thời gian tới, thay mặt cho Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, tôi kêu gọi sự tham gia của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế trong việc bổ sung nguồn lực và chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đồng chí Hầu A Lềnh cũng khẳng định các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, nhà tài trợ luôn là những người bạn đồng hành đáng tin cậy của Chính phủ Việt Nam trong suốt quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hoàn thiện Đề án Tổng thể; sau đó là Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số. Đồng chí nhấn mạnh, sự chung tay này đã góp phần đẩy mạnh việc thực hiện công cuộc giảm nghèo và hỗ trợ đẩy sự phát triển nhanh, bền vững ở Việt Nam nói chung và khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng.

Thay mặt cho Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ghi nhận và đánh giá cao các chương trình hỗ trợ nguồn lực đang xúc tiến với các đối tác như Chương trình DPO của WB, các kế hoạch hỗ trợ nguồn lực của ADB, JICA, Đại sứ quán Ireland, của Quỹ Thiện Tâm - Vingroup và các nhà tài trợ khác.

Ủy ban Dân tộc với tư cách là cơ quan Chủ Chương trình cũng cam kết sẽ tăng cường hợp tác với các nhà tài trợ trong nước và quốc tế, các cộng đồng doanh nghiệp để nghiên cứu những giải pháp, cách làm mới, sáng tạo trong công tác tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó đặc biệt chú trọng các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho triển khai thực hiện Chương trình.

Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp cùng Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế huy động thêm nguồn lực bổ sung cho các địa phương triển khai thực hiện Chương trình theo đúng tinh thần của các Nghị quyết đã được Quốc hội phê duyệt, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, cải thiện sinh kế và chất lượng cuộc sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn tới.

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh Kon Tum, Lào Cai, Quảng Trị đã chia sẻ nhu cầu huy động, đa dạng hóa các nguồn vốn cho chương trình; bài học kinh nghiệm thành công và kết nối hợp tác với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các chương trình, dự án đã hợp tác thành công với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cũng như doanh nghiệp kinh doanh sản xuất tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như GREAT (thúc đẩy bình đẳng giới thông qua du lịch và nông nghiệp), chương trình trình UNDP (giảm nghèo đa chiều và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi)...

Ngoài ra, các đại biểu cũng chia sẻ, đề xuất cơ chế hợp tác hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cũng như định hướng thành lập mạng lưới tập trung hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Qua những chia sẻ của các tổ chức quốc tế, ban tổ chức đánh giá cao vai trò cũng như sự đồng hành của các đối tác phát triển, các nhà tài trợ trong nước và quốc tế, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm từ các đối tác quốc tế và các doanh nghiệp trong lĩnh vực giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian qua