Ngày 24/1, tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức hội thảo tham vấn chính sách liên quan đến giá dịch vụ thủy lợi.
Hạn chế trong thực hiện chính sách giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi
Kể từ khi Luật Thuỷ lợi và các văn bản liên quan được ban hành, chính sách giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi được cụ thể hóa trong Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ (Nghị định 96), quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đánh dấu một bước ngoặt quan trọng từ cơ chế phí sang cơ chế giá.
Thông qua đó, khung pháp lý được thiết lập đồng bộ, thống nhất trong quản lý khai thác công trình thủy lợi. Việc thay đổi hình thức hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi từ cơ chế phí sang giá phù hợp với tình hình ngày càng phát triển của xã hội.
Các khoản chi phí tính trong cơ cấu giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và các nội dung được hỗ trợ trong quản lý khai thác công trình thủy lợi được minh bạch. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có căn cứ để thu sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền cho một số đối tượng sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, qua đó đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị khai thác công trình thủy lợi.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Tuy nhiên, sau gần 6 năm thực hiện, chuyển đổi cơ chế từ thủy lợi phí sang cơ chế giá vẫn là nội dung hoàn toàn mới trong lĩnh vực thủy lợi, đòi hỏi phải có thời gian tiếp cận với cơ chế giá để triển khai thực hiện.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các tổ chức khai thác công trình thủy lợi và các cơ quan liên quan còn lúng túng, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi áp dụng các quy định tại Nghị định 96 để xây dựng phương án giá tối đa, giá cụ thể, khung giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.
Đại diện nhóm tư vấn của ADB, TS Lê Văn Chính - Phó trưởng Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Thủy Lợi cho biết, qua quá trình đánh giá, khảo sát tại 6 địa phương (Tuyên Quang, Hưng Yên, Nghệ An, Lâm Đồng, Tiền Giang, Cần Thơ) đại diện cho các vùng miền trên cả nước, các chuyên gia của ADB và Đối tác Nước của Australia (AWP) nhận thấy, kết quả thực hiện Nghị định 96 còn một số hạn chế.
Vướng mắc khi thủy lợi chuyển từ phục vụ sang dịch vụ
Theo đó, việc áp dụng phương pháp định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi diễn ra chậm, trong khi hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi ở mức cao nhưng vẫn chưa đủ, với kinh phí hàng năm hỗ trợ khoảng 7.000 tỷ đồng cho các đối tượng theo quy định (các hộ có diện tích trong hạn mức, các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tiêu thoát nước nông thôn…), song mức hỗ trợ này mới chỉ chiếm 70% nhu cầu thực tế.
Giá dịch vụ thủy lợi chưa phản ánh cụ thể, đúng, đủ các thành phần chi phí. Một số nội dung quy định tại Nghị định 96 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan còn chưa được hiểu thống nhất, một số quy định liên quan đến kỹ thuật chưa rõ ràng, một số khoản chi phí chưa được hướng dẫn cụ thể gây khó khăn trong quá trình xây dựng hồ sơ phương án giá…
Quy trình và thủ tục ban hành giá dịch vụ thủy lợi cũng như chính sách hỗ trợ vẫn còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về mặt pháp lý cho các cơ quan thực hiện. Trong khi đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ ít có động lực để nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như hiệu quả kinh doanh…
Các chuyên gia cho rằng, những yếu tố này đang góp phần ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác và sự bền vững của công trình thủy lợi, đồng thời tạo gánh nặng cho ngân sách nhà nước, dẫn đến mục tiêu cốt lõi của chính sách giá dịch vụ thủy lợi chưa được thực hiện.
Nâng cao tính khả thi của chính sách giá dịch vụ thủy lợi
Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Thủy nông Đồng Cam (Phú Yên) sửa chữa kênh mương. (Ảnh: Báo Nhân Dân) |
Ngày 19/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Giá và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật này bổ sung thẩm quyền định giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và một số nội dung khác liên quan đến nguyên tắc, căn cứ, thẩm quyền định giá.
Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống pháp luật về giá mới theo Luật Giá 2023, đáp ứng các yêu cầu thực tế, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 96 là cấp bách để phù hợp với thực tiễn ngành thủy lợi và bảo đảm tính khả thi, hiệu quả khi áp dụng.
Từ thực tế các địa phương được khảo sát, TS Lê Văn Chính cho rằng, cần tập trung giải quyết các vấn đề liên quan phương pháp xác định chi phí, cơ sở để phân bổ chi phí, cấu trúc các thành phần chi phí, hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi, phân cấp trách nhiệm và vai trò quản lý giá (của Bộ Tài chính và UBND cấp tỉnh).
Theo đó, các chuyên gia của nhóm tư vấn ADB khuyến nghị, cần bổ sung nguyên tắc định giá bảo đảm tính đúng, tính đủ các chi phí và lợi nhuận bảo đảm bền vững hệ thống công trình theo lộ trình phù hợp.
Các công ty khai thác công trình thủy lợi loay hoay với bài toán kinh phí
Ngoài ra, bổ sung căn cứ định giá theo quy định của Luật Giá và Luật Thủy lợi theo nguyên tắc căn cứ các yếu tố hình thành giá thực tế bình quân 3 năm trước thời điểm định giá, phù hợp với định mức kinh tế kỹ thuật, đặc điểm công trình thủy lợi và bảo trì tốt công trình.
Các chuyên gia cũng cho rằng, nghị định thay thế Nghị định 96 cần khắc phục những tồn tại, hạn chế, một số nội dung còn thiếu, chưa phù hợp với thực tế sau gần 6 năm thực hiện.
Trong đó, cần phản ánh cụ thể, đúng, đủ các thành phần chi phí với các quy định, hướng dẫn như: Cách xác định từng khoản mục chi phí trong giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi để các đơn vị xây dựng và thẩm định giá có thể thực hiện; quy định cụ thể về việc quy đổi sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi (nếu áp dụng) để xác định giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi trong trường hợp đặt hàng; quy định cụ thể các trường hợp sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi không thuộc đối tượng hỗ trợ; cơ chế cấp bù kèm theo lộ trình hướng đến việc thu đủ bù chi trong vòng 15 năm tới.