Mất an toàn khi nhiều hồ, đập thủy lợi hư hỏng, xuống cấp

Sau nhiều năm đưa vào vận hành, khai thác, hơn 350 hồ, đập thủy lợi trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã, đang xuống cấp, hư hỏng nặng do thiếu kinh phí để nâng cấp, sửa chữa.
0:00 / 0:00
0:00
Sự cố vỡ đập Bàn Vàng ở xã Tiến Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).
Sự cố vỡ đập Bàn Vàng ở xã Tiến Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).

Bên cạnh việc chủ động phòng vệ, giảm tối đa tác động do mưa lũ gây ra đối với khu vực hạ du, các địa phương đang cần nguồn lực đầu tư từ trung ương để sửa chữa, đồng bộ hệ thống hồ, đập thủy lợi.

Đến hẹn lại… lo!

Cách đây hai năm, nỗi lo của người dân xã Tiến Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) đã thành sự thật, khi một đoạn thân đập Bàn Vàng bị vỡ, mặc dù trời mưa không lớn. Rất may không có tổn thất về người và tài sản ở hạ lưu. Con đập xây dựng cách đây hơn 40 năm, chủ yếu được đắp bằng đất thủ công cho nên thân đập yếu, chân đập hở "hàm ếch", cống thoát nước bị nứt... Ngay trong đêm, huyện Yên Thành đã huy động hàng trăm người dân, bộ đội, công an cùng phương tiện, bao cát, đá hộc và đất để vá chỗ vỡ và gia cố thân đập.

Theo lãnh đạo huyện Yên Thành, toàn huyện có 252 hồ, đập lớn nhỏ, trong số này có không ít hồ, đập nhỏ, đào đắp bằng thủ công, thời gian thi công cách đây 30-40 năm về trước. Tuy nhiều hồ đập đã được ưu tiên các nguồn vốn để nâng cấp, nhưng vẫn còn một số hồ, đập nhỏ khác thuộc diện ách yếu cần có nguồn vốn để sớm nâng cấp.

Tương tự, với hơn 100 hồ, đập, huyện miền núi Tân Kỳ (Nghệ An) luôn trong tình thế lo lắng mỗi khi mùa mưa bão về bởi có nhiều hồ thuộc diện ách yếu do có nhiều hồ, đập nhỏ và được xây dựng từ lâu. Hồ chứa Mai Tân ở xã Nghĩa Hoàn ra đời vào những năm 1980 là một thí dụ. Hồ có dung tích gần một triệu m3 nước nhưng mái kè đã xuất hiện nhiều điểm sụt lún và hở hàm ếch, có nguy cơ vỡ đập, đe dọa hàng trăm hộ dân phía dưới hạ lưu.

Bà Nguyễn Thị Minh ở xóm Tiến Thành (xã Nghĩa Hoàn) lo lắng: Bà con ở dưới hạ lưu hồ chứa này luôn sống trong tâm trạng bất an, mỗi khi mùa mưa đến. Khi nghe thông tin mưa lớn là mọi người lo chuẩn bị sơ tán đến nơi an toàn. Hiện nay bà con mong mỏi các cấp, ngành sớm có phương án đầu tư sửa chữa, tu bổ hồ để bảo đảm an toàn cho người dân. Hiện xã Nghĩa Hoàn có hai phần ba số hồ, đập đã xuống cấp, trong đó có hồ Mai Tân.

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Kỳ, hầu hết hồ chứa trên địa bàn huyện có dung tích nhỏ, xây dựng lâu năm và do địa phương quản lý. Trong đó, có một số hồ có hiện tượng bị rò rỉ nước, gây mất an toàn trong mùa mưa lũ như hồ chứa Khe Là ở xã Phú Sơn, hồ chứa Khe Thần ở xã Nghĩa Bình… với hiện tượng thấm cục bộ dọc thân đập. Mặc dù đã được hỗ trợ kinh phí để khoan, phụt vữa chống thấm ở các đoạn rò rỉ trên thân đập, tuy nhiên đây mới chỉ là giải pháp tạm thời.

Chi Cục trưởng Thủy lợi Nghệ An Nguyễn Trường Thành cho biết: Tỉnh hiện có 1.061 hồ, đập thủy lợi với dung tích nửa tỷ m3 nước, trong đó có đến 786 hồ, đập nhỏ… Hầu hết hồ, đập vừa và nhỏ do địa phương quản lý, tuy nhiên hồ, đập đã xây dựng quá lâu năm, nằm rải rác, nhiều đập chủ yếu xây dựng từ nền đất cho nên cơ bản đã xuống cấp. Trong số này có nhiều hồ, đập bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão, thậm chí đã có đập bị vỡ do mưa lũ gây ra...

Hà Tĩnh là địa phương có số hồ, đập và trữ lượng nước lớn của cả nước, với 348 hồ chứa thủy lợi (tổng dung tích chứa hơn 1,57 tỷ m3 nước) và 86 đập dâng (lưu lượng thiết kế hơn 5.780 m3/s).

Qua đánh giá của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh hiện có 130 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp chưa có kinh phí để nâng cấp, sửa chữa. Trong đó, 51 hồ chứa xung yếu, nhiều công trình phải tích nước hạn chế, thậm chí không tích nước, nguy cơ mất an toàn cao khi mùa mưa lũ về, ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh nên cần được nâng cấp, sửa chữa. Bên cạnh đó, nhiều đập xây dựng đã lâu, qua nhiều năm sử dụng, chịu tác động từ thiên tai, lại thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng cho nên đến nay nguy cơ mất an toàn rất cao.

Mất an toàn khi nhiều hồ, đập thủy lợi hư hỏng, xuống cấp ảnh 1

Ðoạn kênh xả nước của hồ, đập thủy lợi Cu Lây, xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) bị xói mòn, sạt lở.

Bảo đảm an toàn hồ, đập mùa mưa bão

Ðể hạn chế tối đa những tác động do mưa lũ gây ra đối với khu vực hạ du của các hồ, đập xuống cấp hoặc có nguy cơ tiềm ẩn rủi ro, theo Chi Cục trưởng Thủy lợi Hà Tĩnh Trần Ðức Thịnh, trước mắt các địa phương cần tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng hiện trạng hồ, đập để xây dựng phương án mở rộng, hạ thấp tràn hoặc mở thêm tràn xả lũ phụ để tăng khả năng tháo lũ.

Riêng đối với những hồ chứa không bảo đảm an toàn, các địa phương, đơn vị tuyệt đối không tích nước hoặc chỉ tích nước ở mức phù hợp; đồng thời chuẩn bị vật tư phòng, chống bão lụt theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng ứng phó sự cố, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du. Cùng với đó, cơ quan quản lý công trình cần từng bước thay đổi phương thức vận hành như: Ứng dụng chuyển đổi số, đầu tư công nghệ thông tin, tự động hóa để giảm thiểu chi phí nhân công lao động, tối ưu hóa việc quản lý, khai thác công trình...

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Chu (tỉnh Thanh Hóa) Khương Bá Luận cho biết: Hiện doanh nghiệp đang quản lý, khai thác 75 hồ, đập, trong đó có 42 hồ, đập mất an toàn (nhận bàn giao từ các địa phương trong tỉnh, giai đoạn 2014-2020). Thời gian qua, doanh nghiệp cùng các cơ quan liên quan đã tiến hành kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, hư hỏng, thực hiện duy tu, bảo dưỡng và từng bước khôi phục hồ sơ quản lý các công trình. Ngoài ba hồ tiếp nhận từ thị xã Nghi Sơn đã được nâng cấp, cải tạo, đang triển khai các dự án nâng cấp hai hồ Hàm Rồng và Bằng Lợi, ở huyện Thạch Thành; giai đoạn 2019-2020, doanh nghiệp bố trí 10 tỷ đồng duy tu, bảo dưỡng các công trình.

Theo ông Khương Bá Luận, cần nhiều nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp hệ thống hồ, đập hiện có, tuy nhiên từ năm 2012 đến nay, nguồn thu từ thủy lợi phí vẫn không được điều chỉnh, trong khi chi phí đầu vào như giá điện, các linh kiện vật tư, chi cho con người tăng... "Doanh nghiệp đang cân đối kinh phí, nhưng cũng chỉ dành được khoảng 5-6 tỷ đồng duy tu, bảo dưỡng. Chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần tăng mức thu thủy lợi phí và dành nguồn kinh phí xây dựng, nâng cấp, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi đầu mối", ông Khương Bá Luận đề xuất.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, lãnh đạo tỉnh và ngành nông nghiệp ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh cho rằng, để bảo đảm an toàn hồ, đập rất cần sự hỗ trợ đầu tư các trang thiết bị, phương tiện phục vụ quản lý các công trình hồ chứa, củng cố năng lực và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi; nhất là hỗ trợ đầu tư hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, kiểm định đập, lập quy trình vận hành hồ chứa; đồng thời thực hiện nghiêm quy trình bảo trì, xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du, tổ chức cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình, lắp đặt hệ thống giám sát, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du đập,... trong giai đoạn 2021-2025. Mặt khác, cơ quan chức năng cần ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về các nội dung xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp; lập quy trình vận hành hồ chứa có tràn tự do...

Qua thực tế, các ngành, địa phương các tỉnh Bắc Trung Bộ đều kiến nghị, các cấp có thẩm quyền xem xét cân đối mức cấp bù thủy lợi phí tương xứng với chi phí sản xuất hiện nay và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư xây dựng, khai thác công trình hồ. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An mong muốn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm hoàn thành công trình thủy lợi Bản Mồng, với dung tích hồ chứa hơn 225 triệu m3, giúp người dân vùng hạ lưu, nhất là vùng Phủ Quỳ chủ động nước nhằm tăng năng suất cây trồng, phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời, phát huy hiệu quả đồng vốn đầu tư vào công trình này.

Ngoài việc cân đối nguồn lực, bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp hồ, đập theo mức độ ưu tiên, cấp bách, các địa phương mong muốn, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi tiếp tục quan tâm, ưu tiên các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn ODA để tiếp tục sửa chữa, nâng cấp hệ thống hồ, đập đã xuống cấp, nhất là các hồ, đập ách yếu một cách tổng thể, nhằm bảo đảm an toàn hồ, đập khi mùa mưa bão về.