Xây dựng nông thôn mới ở vùng cao Hà Giang

Từ đổi mới cách làm cùng với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến nay tỉnh vùng cao Hà Giang đã có một đơn vị cấp huyện và 48 xã về đích nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo và đời sống của người dân vùng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Làm đường giao thông về các thôn vùng cao xã Đông Thành, huyện Bắc Quang.
Làm đường giao thông về các thôn vùng cao xã Đông Thành, huyện Bắc Quang.

Giai đoạn 2021-2025, Hà Giang thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo phương châm "Làm thực chất, không chạy theo thành tích". Theo đó, tỉnh giao các địa phương thực hiện từng tiêu chí cụ thể, chú trọng các tiêu chí thủy lợi, nước sạch nông thôn.

Ông Đỗ Tấn Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Giang cho biết: Tỉnh giao thực hiện các tiêu chí tăng thêm trên cơ sở các địa phương rà soát nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Do đó, việc thực hiện các tiêu chí nông thôn mới sẽ thuận lợi, thực chất, khả năng hoàn thành cao vì các tiêu chí đã được các địa phương đề xuất. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chủ động trong việc sắp xếp, bố trí, phân bổ nguồn lực thực hiện.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, bình quân mỗi năm tỉnh giao cho các huyện, xã thực hiện khoảng 100 tiêu chí nông thôn mới cấp xã và 500 tiêu chí nông thôn mới cấp thôn. Khi được giao kế hoạch, các địa phương chủ động thực hiện, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn chương trình nông thôn mới với các chương trình, dự án khác để tăng nguồn lực thực hiện.

Năm 2023, mặc dù khó khăn về nguồn vốn nhưng các địa phương đã khéo léo huy động, lồng ghép các chương trình, dự án (bao gồm cả vốn chuyển nguồn từ năm 2022) được hơn 1.294 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Nổi bật trong việc huy động nguồn lực là tỉnh huy động nội lực trong dân thực hiện các công trình gắn với lợi ích cộng đồng.

Từ năm 2021 đến nay, mỗi năm tỉnh cấp 35 nghìn tấn xi-măng cho các địa phương thực hiện các công trình dân sinh, chủ yếu là làm đường giao thông theo phương thức Nhà nước hỗ trợ xi-măng, nhân dân góp tiền và công lao động. Trong vòng ba năm, toàn tỉnh đã làm được 700 km đường bê-tông nông thôn.

Tại dự án ba tuyến đường bê-tông có tổng chiều dài gần 8 km vào các thôn vùng cao Khuổi Hốc, Khuổi Trì, Khuổi Lè (xã Đông Thành, huyện Bắc Quang), các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ. Đây là ba thôn cuối cùng ở xã được đầu tư làm đường bê-tông và là một trong những tiêu chí tăng thêm mà xã được tỉnh giao hoàn thành trong năm 2023. Tuyến đường có vốn đầu tư hơn 8,6 tỷ đồng, phương thức đầu tư: Nhà nước cấp kinh phí 70%, còn lại là nhân dân đóng góp.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Thành cho biết: Mặc dù vốn bố trí chưa đủ nhưng xã đã lựa chọn tổ thợ thi công có tiềm lực kinh tế khởi công thực hiện, bảo đảm hoàn thành tuyến đường trong năm, nguồn vốn còn thiếu sẽ được thanh toán đầy đủ khi xã được bổ sung vốn. Người dân các thôn cũng đồng tình ủng hộ, tích cực góp công, góp sức, tạo điều kiện cho đơn vị thi công tuyến đường. Dự kiến đến cuối năm xã sẽ hoàn thành tiêu chí tăng thêm tỉnh giao.

Trước đây, người dân xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên sử dụng nước nguồn, nước giếng khoan. Do đầu nguồn các con suối có hoạt động khai thác khoáng sản, dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong giai đoạn 2015-2021, Nhà nước đã đầu tư cho xã ba công trình nước sạch sinh hoạt, qua đó góp phần nâng cao tiêu chí sử dụng nước sạch với 100% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó hơn 50% được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước.

Ông Đán Văn Sân, thành viên Tổ quản lý nước thôn Nà Thé, xã Tùng Bá cho biết: Năm 2021, Nhà nước bàn giao công trình nước sạch cho thôn quản lý. Ban đầu, khi dùng nước phải trả tiền quản lý, duy tu, bảo dưỡng, vận hành cho nên người dân chưa quen. Nhưng sau khi được sử dụng nước sạch, nguồn nước ổn định quanh năm nên người dân rất phấn khởi. Từ hơn 200 hộ được hưởng lợi ban đầu, đến nay công trình nước sạch đã mở rộng quy mô cấp nước cho hơn 400 hộ dân ở hai thôn được sử dụng nước.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục thực hiện tiêu chí thủy lợi. Tỉnh Hà Giang xác định, cần có cơ sở hạ tầng thủy lợi phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm các yêu cầu về phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các địa phương cũng nỗ lực đưa nước sạch về các điểm bản vùng cao, vùng xa, vùng sâu phục vụ sinh hoạt cho đồng bào các dân tộc. Hiện nay, tỉnh có hơn 880 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, cung cấp nước cho hơn 178 nghìn hộ dân. Qua đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90%; số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn là hơn 22%.