Hướng tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và chăm lo Tết Giáp Thìn cho người lao động

NDO - Sáng 29/6, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 14, khóa XII, chuẩn bị cho Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 14, khóa XII.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 14, khóa XII.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Hội nghị sẽ tập trung thảo luận cho ý kiến vào Dự thảo lần 3 báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XII) trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam;

Dự thảo lần 4 Điều lệ Công đoàn Việt Nam sửa đổi, bổ sung; Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Khóa XII;

Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023; Báo cáo tổng kết các chương trình hành động thực hiện 3 khâu đột phá Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam...

Quyết tâm thực hiện thành công các chỉ tiêu Đại hội

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh: Nội dung chương trình Hội nghị Ban Chấp hành lần này là những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức Đại hội công đoàn các cấp và chuẩn bị cho Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

Hội nghị sẽ dành nhiều thời gian hơn để các đại biểu thảo luận về các nội dung trình tại kỳ họp lần này. Sự chuẩn bị tốt của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XII về các nội dung nói trên sẽ góp phần quan trọng vào sự thành công của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII.

Thực hiện kế hoạch tổ chức đại hội công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, đến nay đã có 109.929/122.947 công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn tổ chức đại hội, hội nghị theo quy định theo quy định, đạt tỷ lệ 93,59%; có 336/1.295 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã tổ chức đại hội, đạt tỷ lệ 26%.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định lựa chọn 9 đơn vị đại diện cho các khối công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty và các khu vực để tổ chức đại hội điểm cấp tỉnh, ngành nhiệm kỳ 2023-2028, gồm: Công đoàn Y tế Việt Nam, Công đoàn Đường sắt Việt Nam, Liên đoàn Lao động các tỉnh: Bắc Giang, Kon Tum, Bình Phước, thành phố Cần Thơ, Kiên Giang, Nghệ An, Quảng Ninh.

6 tháng cuối năm, tập trung tổ chức đại hội công đoàn cấp tỉnh, ngành và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII.

Tổ chức tuyên truyền, quán triệt, cụ thể hóa nghị quyết đại hội công đoàn các cấp kịp thời, hiệu quả để nhanh chóng đưa nghị quyết đại hội vào thực tiễn.

Chăm lo cụ thể, hỗ trợ kịp thời người lao động

Báo cáo hoạt động công đoàn những tháng đầu năm cho thấy: 5 tháng đầu năm, có hơn 500 nghìn người lao động bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ không lương.

Thu nhập bình quân của người lao động làm công hưởng lương là 7,9 triệu đồng, tăng 7,9%, tương ứng tăng 578 nghìn đồng so cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do tăng lương tối thiểu vùng và thu nhập ngoài lương trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.

Dù vậy, do giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng, cuộc sống của người lao động, nhất là người lao động thuộc diện giảm giờ làm, mất việc làm gặp nhiều khó khăn.

Tình hình ngừng việc tập thể giảm mạnh so cùng kỳ năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2023, xảy ra 33 cuộc ngừng việc tập thể, giảm 66 cuộc.

Về cơ bản, tư tưởng của công nhân, lao động ổn định, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tuy nhiên, một bộ phận công nhân, lao động còn băn khoăn, lo lắng trước tình trạng một số doanh nghiệp gặp khó khăn làm ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động; tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn diễn ra ở nhiều nơi... Mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có những giải pháp hiệu quả để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động.

Trước tình hình nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, các cấp Công đoàn tập trung triển khai các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP, Công điện số 1170/CĐ-TTg.

Hướng tới Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và chăm lo Tết Giáp Thìn cho người lao động ảnh 1

Các đại biểu tham gia Hội nghị.

Thường xuyên rà soát, nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn của người lao động, nhu cầu tiếp tục tìm kiếm việc làm, học nghề, chuyển đổi nghề của đoàn viên, người lao động.

Đề xuất đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động, xây dựng phương án sử dụng lao động, sắp xếp thời gian làm việc, tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại để tiếp tục sử dụng người lao động.

Tổ chức Hội thảo “Giải pháp phòng chống “tín dụng đen” trong công nhân lao động” nhằm phát huy hiệu quả mô hình hoạt động tài chính vi mô (Quỹ CEP) của tổ chức công đoàn trong phòng chống “tín dụng đen”.

Đặc biệt, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã quyết định ban hành Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ làm cơ sở cho các cấp công đoàn tập trung các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Kết quả, các cấp công đoàn đã nhận 85.526 hồ sơ; hoàn thành thẩm định, quyết định hỗ trợ cho 81.065 trường hợp đủ điều kiện với tổng số tiền hỗ trợ hơn 113 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, thông qua Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn ở các cấp, số đoàn viên được thụ hưởng là hơn 648.591 lượt người, số tiền hơn 93 tỷ đồng.

6 tháng cuối năm, công đoàn các cấp tiếp tục chủ động nắm chắc tình hình về quan hệ lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng, nhất là thời điểm diễn ra đại hội công đoàn, dịp Tết Giáp Thìn, cuối năm.

Tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc, bức xúc của người lao động; quan tâm có hình thức cụ thể chăm lo, hỗ trợ kịp thời người lao động bị mất việc, ngừng việc; ban hành và tổ chức tốt kế hoạch chăm lo cho đoàn viên và người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2024.